Năm nay, ông Kỳ đã gần 70 tuổi, trình độ văn hóa chưa qua bậc trung học cơ sở, vậy mà suốt bao năm, không ai có thể thay ông làm tốt “chức vụ” trưởng thôn.
Nhân dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, về thăm quê, tôi đem chuyện dự án tuyển 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo kể với ông Nguyễn Văn Kỳ ở thôn Đại Tiền, xã Liên Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Năm nay, ông Kỳ đã gần 70 tuổi, trình độ văn hóa chưa qua bậc trung học cơ sở, vậy mà suốt bao năm, không ai có thể thay ông làm tốt “chức vụ” trưởng thôn. Có giai đoạn, ông Kỳ còn phát triển lên làm cán bộ xã. Đã nhiều lần bầu chọn cán bộ thay thế, từ người có trình độ đại học đến cán bộ hưu trí, rồi cán bộ trẻ được quy hoạch… nhưng người dân vẫn đề nghị cấp trên để ông quay về làm cán bộ thôn.
Bí quyết nào để ông Kỳ làm tốt vai trò trưởng thôn của mình? Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy, ông Kỳ hoàn thành tốt công việc được giao trước hết vì ông là người “nhanh tay, hay làm”. Phụ cấp trưởng thôn hiện hành chỉ mấy trăm nghìn đồng mỗi tháng, trong khi người trưởng thôn phải dành lượng thời gian rất lớn cho họp hành, quản lý, gặp gỡ, phổ biến, vận động… nhân dân. Ông Kỳ làm nghề nông rất giỏi, công việc đồng áng hằng ngày ông thường làm xong khi mặt trời chưa mọc, nhờ vậy ông mới có đủ thời gian để làm… trưởng thôn. Thứ hai, ông là người hiểu được tính nết từng người dân trong làng và có cách giải quyết các mối quan hệ khá hài hòa.
Về chuyện đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo, ông Kỳ cho rằng làm cán bộ thôn, xã, nhất là ở các xã nghèo thì chỉ dựa vào trình độ đại học là chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải hội đủ phẩm chất để vượt qua "ba cánh cổng".
Cánh cổng thứ nhất là vấn đề thu nhập. Lương phó chủ tịch UBND xã thì tằn tiện mới đủ chi tiêu cá nhân, nếu không tìm ra lời giải về thu nhập thì đội ngũ trí thức trẻ sẽ không đủ thời gian, tâm sức cho chức trách được giao.
Cánh cổng thứ hai là phong tục tập quán. "Nhập gia, tùy tục", trí thức trẻ không tự “địa phương hóa” thì mãi mãi chỉ là “khách mời” của dân làng. Và như vậy thì rất khó hoàn thành tốt chức trách của người cán bộ xã.
Cánh cổng thứ ba là khả năng thích nghi với yêu cầu của thực tiễn. Theo như ông Kỳ nói thì làm cán bộ thôn, xã thì có khi lúc chơi là lúc làm; tuyên truyền, vận động nhân dân không chỉ theo kiểu bắc loa kêu gọi hay tập trung lại quán triệt. Làm việc với dân thì không kể ngày đêm, từ “đám cưới, đám ma, dựng nhà, bốc mộ…”, bất kỳ lúc nào dân cần, cán bộ phải có mặt thì mới giải quyết được.
Còn nhiều thách thức khác đang chờ đội ngũ trí thức trẻ. Ông Kỳ nói: Phó chủ tịch UBND xã không phải là chức danh cán bộ chủ chốt của xã, nhưng nếu làm tốt, cũng giúp địa phương được nhiều việc, ngược lại thì cũng sẽ có những cán bộ trẻ thực chất sẽ chỉ làm “liên lạc cải tiến” cho chủ tịch UBND xã mà thôi.
600 trí thức trẻ đã trải qua “ba cổng”, từ “cổng nhà”, họ vào “cổng trường đại học”, nay được tuyển chọn để đi thẳng đến “cổng ủy ban nhân dân xã”, nhưng liệu họ có đủ sức để vượt qua “ba cổng” như ông Nguyễn Văn Kỳ nêu ra hay không?
Hy vọng, 600 trí thức trẻ sẽ vượt lên chính mình, đáp ứng kỳ vọng của người dân cả nước, tiếp thêm nguồn động lực to lớn và mạnh mẽ bằng chính trình độ, nhiệt huyết và sự năng động của tuổi trẻ, góp phần đưa 600 xã nghèo phát triển đột phá như mục tiêu mà Chính phủ đề ra./.
(Theo: Hồng Hải/QĐND)