Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 5/10/2011 10:37'(GMT+7)

Đồng chí Lê Đức Thọ trong những năm từ 1949 đến 1954

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dân tộc ta bước ngay vào cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài suốt 30 năm, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh thắng thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược mới hoàn thành sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, gian khổ ấy, trong số những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng thuộc lớp cận vệ đầu tiên, đồng chí Lê Đức Thọ đặc biệt gắn bó với chiến trường Nam Bộ và có công lao to lớn với cách mạng miền Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử và trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

1. Cuộc hành trình đầu tiên vào chiến trường Nam Bộ

Nước Việt Nam dài và hẹp, địa hình chia cắt. Nam Bộ gồm các tỉnh từ Đồng Nai vào tới Cà Mau – cực Nam của Tổ quốc – rất xa Trung ương và do thông tin liên lạc thô sơ và cực kỳ khó khăn, cho nên Nam Bộ tiếp nhận sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ càng không dễ dàng. Trung ương cũng không thể thường xuyên nhận được báo cáo của Nam Bộ, không hiểu rõ tình hình Nam Bộ.

Do những khó khăn và phức tạp của Đảng bộ miền Nam, cuối năm 1945, Thường vụ Trung ương Đảng đã cử một phái đoàn kiểm tra của Trung ương vào Nam Bộ để uốn nắn, chỉnh đốn tổ chức, nhằm giúp Đảng bộ miền Nam vững vàng bước vào cuộc chiến đấu ngay với thực dân Pháp đang nổ súng tái chiếm miền Nam. Phái đoàn do đồng chí Hoàng Quốc Việt – Thường vụ Trung ương Đảng dẫn đầu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phái đoàn đã trở lại Hà Nội vào đầu năm 1946.

Cuối tháng 12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Để giúp đỡ Nam Trung Bộ bước vào cuộc chiến đấu mới rất gay go và phức tạp, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng – Uỷ viên Thường vụ Trung ương, Bộ trưởng Chính phủ kháng chiến vào làm đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Nam Trung Bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc và giúp đỡ cách mạng Lào, cách mạng Campuchia từ vùng đất miền Trung và Tây Nguyên gian khổ này. Cuối năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng được điều động trở lại Việt Bắc để cùng Trung ương Đảng và Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến của toàn quốc.

Như vậy từ đầu năm 1946, khi phái đoàn của đồng chí Hoàng Quốc Việt trở lại Hà Nội, cho đến cuối năm 1948, Nam Bộ độc lập bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với tinh thần tự lực cánh sinh, không nhận được sự chi viện của Trung ương. Để tiếp sức và giúp đỡ Xứ uỷ Nam Bộ và đồng bào, đồng chí miền Nam, cuối năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định cử một phái đoàn của Trung ương vào kiểm tra công tác kháng chiến kiến quốc ở Nam Bộ gồm đại diện của Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội. Đoàn gồm khoảng 30 người, do đồng chí Lê Đức Thọ - Thường vụ Trung ương Đảng dẫn đầu. Về phía Chính phủ có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – người con nổi tiếng của Nam Bộ - đang giữ chức Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, thành viên Chính phủ Trung ương. Về phía quân đội có đồng chí Dương Quốc Chính – Chính uỷ Liên khu 1 mới được phong quân hàm Thiếu tướng. Đoàn mang theo một lượng lớn tiền Đông Dương và 80 kg vàng (từ Nam Trung Bộ) để chi viện cho Nam Bộ, một số văn kiện quan trọng của Trung ương – nhất là văn kiện Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh báo cáo tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai, tháng 7-1948 ở Việt Bắc. Đặc biệt, đoàn mang theo bốn - năm bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào, đồng chí Nam Bộ.

Trong lúc phái đoàn của Trung ương đang trên đường vào Nam Bộ thì Xứ uỷ Nam Bộ cũng cử một phái đoàn gồm các đồng chí Phạm Hùng, Hà Huy Giáp ra Việt Bắc báo cáo và nhận chỉ thị từ Trung ương. Từ ngày 18 đến ngày 22-1-1948, Thường vụ Trung ương đã có một hội nghị làm việc với đoàn đại biểu Nam Bộ.

Sau cuộc hội nghị này, ngày 23-10-1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn và Xứ uỷ Nam Bộ, xác định 12 nhiệm vụ chính của Xứ uỷ Nam Bộ:

- Đào tạo cán bộ mới, bổ túc cán bộ cũ.

- Chỉnh đốn tư tưởng, lề lối làm việc, đề cao kỷ luật của Đảng và đạo đức của đảng viên theo đúng những chỉ thị trong cuốn Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Đề cao vấn đề học tập lý luận và kinh nghiệm, học tập chủ nghĩa và nghiên cứu chủ trương, chính sách của Đảng.

- Kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng.

- Chú trọng vấn đề tổ chức, nâng cao mức tổ chức ngang với nhu cầu về chính trị của Đảng.

- Đại đoàn kết cho đúng, tránh cô độc, hẹp hòi, nhưng đồng thời cũng phải tránh hợp tác vô nguyên tắc.

- Đặc biệt đề phòng nội gián.

- Phát triển du kích chiến tranh, phát triển dân quân, làm cho du kích chiến tranh lên vận động chiến. Thống nhất chiến lược, thống nhất chỉ huy toàn Nam Bộ.

- Phát triển Đảng bộ Cao Miên, giúp đỡ Nam Trung Bộ bằng cách tiếp tế lương thực, súng đạn.

- Giữ vững liên lạc với Trung ương và với Nam Trung Bộ và Xiêm.

- Đẩy mạnh và lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc: Tăng gia sản xuất, luyện quân lập công, chống nạn mù chữ.

- Củng cố chi bộ xã, ban kháng chiến hành chính xã, củng cố đại đội[1].

Như vậy, mục đích của phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam Bộ để kiểm tra và triển khai thực hiện những nhiệm vụ trên đây của Thường vụ Trung ương Đảng giao cho Nam Bộ. Cuối bức thư này, Tổng Bí thư Trường Chinh nói rõ: “Đồng chí Thọ, đại biểu cho Trung ương vào lần này là cốt xem xét tại chỗ để hiểu rõ vấn đề Nam Bộ, học lấy kinh nghiệm Nam Bộ, cùng đồng chí Duẩn thảo định mọi việc, đặng giúp các đồng chí chấn chỉnh Đảng bộ và giải quyết mọi vấn đề trong phạm vi có thể.

Cụ và Trung ương tin rằng… với chỉ thị của Trung ương sẽ được thi hành một cách tích cực, những khuyết điểm sai lầm của Đảng bộ trong này sẽ được sửa chữa nhanh chóng và kịp thời, và nhiệm vụ Trung ương trao cho các đồng chí Thọ và Duẩn sẽ được làm tròn.

Trung ương trông chờ… đồng chí Thọ vào đã cùng với đồng chí Duẩn và các đồng chí giải quyết được mọi vấn đề một cách đúng mức và thoả đáng”[2].

Vào cuối năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đang ở thế giằng co quyết liệt, ta với địch ở thế da báo cài xen, chiến trường chia cắt, lẽ dĩ nhiên đoàn công tác của đồng chí Lê Đức Thọ được giữ tuyệt đối bí mật. Không có một văn kiện nào của Trung ương nói về nhiệm vụ và thành viên của đoàn công tác. Những thông tin quý giá có được về chuyến đi Nam Bộ này chủ yếu qua hồi ký của những người trong cuộc và bức thư trên đây của đồng chí Trường Chinh.

Tháng 9-1948, đoàn xuất phát từ Việt Bắc. Trước ngày đồng chí Lê Đức Thọ lên đường, theo lời kể của đồng chí Lê Đức Thọ, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức bữa cơm chia tay đồng chí Lê Đức Thọ tại chân đèo Re - Định Hóa – Thái Nguyên. Tấm ảnh quý giá chụp bữa cơm đưa tiễn này được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình đồng chí Lê Đức Thọ lưu giữ hơn 60 năm vừa được công bố làm xúc động lòng người.

Trên đường vào Nam, đoàn công tác qua Mỹ Đức – Hà Đông để đồng chí Lê Đức Thọ làm việc với Khu uỷ Khu 3 và Tỉnh uỷ Lưỡng Hà (Hà Nội – Hà Đông), vào Thanh Hoá để làm lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho Khu trưởng Khu 4 Nguyễn Sơn và trao danh thiếp cùng lời nhắn của Bác Hồ cho tướng Nguyễn Sơn. Dọc đường đi đoàn còn làm việc với các tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ và các địa phương cho tới tận Nam Trung Bộ. Đặc biệt, khi đoàn tới Tam Kỳ - Quảng Nam thì dừng lại ăn Tết tại gia đình đồng chí Phạm Văn Đồng, và sau đó đồng chí Phạm Văn Đồng ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi với nhau tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân pháp trong cả nước, cùng kinh nghiệm của Nam Trung Bộ có thể gợi ý triển khai thực hiện ở Nam Bộ.

2. Sáu năm ở Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam

Đoàn đến Đồng Tháp Mười vào tháng 2-1949 sau 5 tháng hành quân và làm việc dọc đường. Như vậy từ cuối tháng 2-1949, đồng chí Lê Đức Thọ và đoàn công tác chính thức bắt tay vào làm việc ở Xứ ủy Nam Bộ.

Tháng 11-1945, trước tình thế hiểm nghèo, Đảng ta tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Mặc dù đồng chí Lê Đức Thọ là Thường vụ Trung ương Đảng từ tháng 8-1945, lãnh đạo đoàn công tác, nhưng khi đến Nam Bộ công bố công khai cho đồng bào, đồng chí Nam Bộ biết thì bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Trưởng phái đoàn của Chính phủ Trung ương. Lúc này đồng chí Lê Duẩn là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Như vậy, về mặt quan hệ công tác, đồng chí Lê Đức Thọ là cấp trên của đồng chí Lê Duẩn.

Ngay cuối tháng 2-1949, khi đoàn công tác của Trung ương vào đến Nam Bộ thì Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ tổ chức một cuộc mít tinh trọng thể chào đón phái đoàn và cũng là lễ thụ phong quân hàm Trung tướng cho Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình. Sau buổi lễ long trọng này, đồng chí Lê Đức Thọ về làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm việc với Ủy ban Kháng chiến – Hành chính, Thiếu tướng Dương Quốc Chính làm việc với Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Đầu tháng 2-1949 đoàn công tác vào tới căn cứ Xứ ủy Nam Bộ ở U Minh, cho đến tháng 1-1955, khi đồng chí Lê Đức Thọ lên đường ra Bắc, thì đồng chí đã ở chiến trường Nam Bộ 6 năm.

Trong giai đoạn này, đồng chí Lê Đức Thọ cùng đồng chí Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ đã triển khai một loạt công tác rất hệ trọng để củng cố tổ chức và bộ máy của Xứ ủy Nam Bộ cũng như toàn bộ guồng máy kháng chiến ở đây. Về tổ chức, ngoài Văn phòng Xứ ủy và Ban Tuyên huấn đã có, đồng chí đề nghị lập Ban Tổ chức – Kiểm tra – Dân vận của Xứ ủy và đồng chí là người trực tiếp phụ trách ban này. Đồng chí cùng đồng chí Lê Duẩn mở một loạt hội nghị các ngành, các cấp để triển khai đường lối kháng chiến, kiến quốc của Trung ương, đặc biệt thành lập trường Đảng của Xứ ủy lấy tên là Trường Trường Chinh để bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt của các tỉnh ủy, khu ủy và cán bộ các ban ngành của Xứ ủy. Trong quá trình tồn tại, trường đã mở được ba lớp huấn luyện với hàng trăm học viên đã được bồi dưỡng. Khóa đầu tiên đồng chí Lê Đức Thọ là người trực tiếp phát biểu khai giảng khóa học và trực tiếp giảng bài về sự lãnh đạo của Đảng và công tác dân vận của Đảng ở ba khóa học này. Riêng khóa III có tới 200 học viên.

Ngày 15-5-1948, phái đoàn ra thông báo về tình hình Nam Bộ. Ngay sau khi đoàn vào Nam Bộ, năm 1949 đã diễn ra hai hội nghị quan trọng: giữa năm 1949 là Hội nghị cán bộ toàn xứ ở Đồng Tháp Mười, phía bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp. Sau khi biểu dương Xứ ủy và toàn bộ bộ máy kháng chiến Nam Bộ, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ đã nêu những nhận xét rất nghiêm khắc về khuyết điểm của Nam Bộ.

Từ ngày 3 đến ngày 5-9-1949, đồng chí Lê Đức Thọ, Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Hội nghị cán bộ quân sự toàn xứ. Đây là hội nghị rất quan trọng kể cả về tổ chức và đường lối kháng chiến ở Nam Bộ, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc, sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Nam Bộ. Sau hội nghị quân sự, Xứ ủy Nam Bộ và đồng chí Lê Đức Thọ làm việc với Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn.

Tháng 8-1949, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Lê Duẩn, Xứ ủy Nam Bộ đã ra nghị quyết về sự lãnh đạo của Xứ ủy với lực lượng vũ trang Nam Bộ.

Với những hoạt động dồn dập từ sau khi phái đoàn Trung ương vào Nam Bộ, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy với toàn bộ cuộc kháng chiến, kiến quốc ở Nam Bộ đã được nâng cao rõ rệt. Đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã nhận thấy ở đồng chí Lê Đức Thọ là người tổ chức thực tiễn tài năng, người cộng sự đặc biệt tin cậy và đã đề đạt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh để đồng chí Lê Đức Thọ ở lại với Nam Bộ công tác lâu dài…

Sau Đại hội II, đồng chí Lê Duẩn được điều động ra Việt Bắc công tác, tháng 5-1951, Trung ương quyết định thành lập Trung ương Cục thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Nhân sự của Trung ương Cục gồm các Ủy viên Trung ương ở Nam Bộ: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp, do đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư Trung ương Cục cho đến khi đồng chí ra Hà Nội cuối tháng 1-1955.

Cũng trong 6 năm công tác ở Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ nắm chắc đội ngũ cán bộ chủ chốt, từng bước bồi dưỡng và giao những nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị cho nhân sự tương lai như đồng chí Phạm Hùng sau này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó là cán bộ trẻ đầy triển vọng, sau này là Tổng Bí thư (1986-1991), đồng chí Võ Văn Kiệt sau này làm Thủ tướng Chính phủ…

Từ chuyến vào Nam Bộ năm 1949 ấy đã gắn chặt đồng chí Lê Đức Thọ với chiến trường Nam Bộ. Sau này, đồng chí còn ba chuyến vào Nam:

- Năm 1968, được chỉ định vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

- Đầu năm 1975, vào chúc Tết bộ đội Trường Sơn, dự lễ tiễn hai trung đoàn vận tải cơ giới vào chiến trường B2, làm việc và ăn Tết với Khu ủy Trị Thiên, với lãnh đạo Khu 5 và thành phố Huế.

- Tháng 3-1975 vào chiến trường để cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 giành toàn thắng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được Trung ương giao nhiệm vụ chăm lo công tác tổ chức xây dựng Đảng phục vụ cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đề xuất thành lập Vụ miền Nam và Cục Cán bộ B thuộc Ban Tổ chức Trung ương để điều động cán bộ tăng cường cho chiến trường cũng như đón tiếp 20.500 cán bộ từ chiến trường miền Nam ra Bắc học tập, chữa bệnh, công tác; xây dựng 25 đơn vị đón tiếp, điều dưỡng, học tập; cử 7.000 cán bộ đi học tập, 4.000 cán bộ đi điều dưỡng, chữa bệnh, học tập ở nước ngoài.

Đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ cho cách mạng Việt Nam, cho cách mạng miền Nam thật to lớn. Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến Đại hội VI của Đảng, đồng chí là một trong số những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta và là một người học trò xuất sắc, người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TS. LƯU TRẦN LUÂN

Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật



[1]. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.1, tr. 580 - 582.

[2]. Trường Chinh: Tuyển tập, Sđd, t.1, tr. 583.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất