Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/10/2011 9:26'(GMT+7)

Khôi phục, bảo tồn di sản Ca trù

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Ông Ngô Văn Trụ, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, sau một thời gian dài mai một, di sản Ca trù trên địa bàn tỉnh hầu như không còn gì. Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện việc khôi phục, bảo tồn, phát huy di sản Ca trù - đây là một nội dung trong Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, ngành VHTT&DL tỉnh tổng điều tra, phân loại, hệ thống hóa các tư liệu, hiện vật liên quan, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về Ca trù trên địa bàn; xây dựng điểm CLB Ca trù tại thành phố Bắc Giang và các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên. Bên cạnh đó, ngành sẽ xuất bản và cung cấp cho cộng đồng các sản phẩm văn hóa Ca trù dưới nhiều hình thức như đĩa CD, đĩa VCD, đĩa DVD, tờ gấp... để phổ biến, nâng cao nhận thức giá trị của của di sản Ca trù. Trong giai đoạn này, ngành phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa tìm hiểu, làm quen với nghệ thuật Ca trù trong các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại huyện Yên Dũng để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn tỉnh ở giai đoạn tiếp sau. Sau khi tìm chọn những người còn biết và có khả năng đàn, hát Ca trù ở những vùng trong tỉnh có nguồn gốc nghệ thuật này, ngành VHTT&DL tỉnh chỉ đạo tập hợp họ lại, thành lập các CLB và mở hàng chục lớp tập huấn mời các nghệ nhân từ Bắc Ninh, Hà Nội về truyền dạy.

Theo ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa ( TTVH ) tỉnh Bắc Giang, qua kiểm kê, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có hai di tích vật thể gắn với Ca trù. Tại đình Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, được xây dựng năm 1576, còn bức chạm hình người chơi đàn đáy - loại đàn độc nhất dành cho nghệ thuật Ca trù và tại đình Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, được xây dựng năm 1693, còn tấm bia đá có ghi việc đổi lệ hát Ca trù ở địa phương này. Toàn tỉnh có tổng số 88 người biết đàn, hát Ca trù và đã thành lập được 6 câu lạc bộ (CLB) Ca trù với tổng số 54 thành viên. Riêng xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa có 4 thôn là Chằm, Chúng, Khoát và Hưng Đạo đã thành lập mỗi thôn một CLB Ca trù, với tổng số 37 thành viên. Ca trù ở Bắc Giang đang được khôi phục dần. Sau khi được học, những người đã biết hát lại truyền dạy lại cho những người khác. Số người biết đàn, hát cũng như số người biết hát nhiều làn điệu Ca trù ngày càng tăng.

Tới đây, ngành VHTT&DL tỉnh Bắc Giang tiếp tục xây dựng các CLB Ca trù ở những nơi có nhiều người ưa thích nghệ thuật này, dự kiến mỗi huyện, thành phố nói trên có một CLB Ca trù. Trong tháng 10 này, TTVH tỉnh thành lập một CLB Ca trù gồm 30 người là các ca nương đã được học, tập huấn tại đây. Mỗi TTVH cấp huyện chọn cử hai cán bộ và một người là hạt nhân phong trào văn nghệ ở địa phương về tỉnh học Ca trù (theo nhiều lớp từ thấp đến cao) để sau truyền dạy lại tại các cơ sở. Từ năm 2012, TTVH tỉnh sẽ cung cấp tài liệu nghiên cứu, bài hát bằng văn bản và sao in vốn bài hát qua băng đĩa để phục vụ việc truyền dạy, phổ biến rộng rãi Ca trù./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất