Mức học phí trần cho hệ Đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 240.000đ/tháng, nhưng nhiều trường vẫn “vượt khung” vì lý do đào tạo theo tín chỉ. Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và sẽ và sẽ có hướng dẫn về việc thu học phí theo hình thức này.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, hiện nay, quy định khung học phí không vượt quá 240.000đ/tháng là đang áp dụng cho các trường đại học công lập và áp dụng đối với hình thức thu học phí theo niên chế.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnMedia và một số báo khác, nhiều trường đại học công lập vẫn công bố mức học phí cao hơn mức trần này. Cụ thể như ĐH Bách Khoa Hà Nội, sinh viên mới nhập học phải nộp 300.000đ/tháng, Viện ĐH Mở thu học phí 320.000đ/tháng, ĐH Công nghiệp Hà Nội, sinh viên phải đóng 2,6 triệu đồng tiền học phí học kỳ I (5 tháng).
Các hiện tượng lạm thu này được lý giải do áp dụng mức học phí theo tín chỉ. Bộ GD-ĐT nhìn nhận, việc thu học phí theo tín chỉ hiện chưa có quy định cụ thể nên chưa có mức thu thống nhất. Các trường đào tạo theo tín chỉ thì mỗi trường thu một mức khác nhau.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ mời 20 trường ĐH đang đào tạo theo tín chỉ ngồi lại bàn bạc, đồng thời kiểm tra xem các trường đã đào tạo đúng tín chỉ hay chưa. Vì đào tạo theo tín chỉ khác niên chế ở chỗ lớp học có thể 15, 20 SV hoặc ít hơn, tuỳ theo số SV đăng ký. Và nếu quy định cứng nhắc là mỗi tín chỉ bao nhiêu tiền thì khó triển khai cho các trường, bà Hà nhìn nhận.
Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ khẳng định, các trường ĐH chuyển sang đào tạo tín chỉ phải lấy tổng học phí của khoá học chia cho tổng tín chỉ, để ra số tiền trên mỗi tín chỉ mà SV phải nộp, tuỳ theo mức học phí của từng ngành đào tạo.
Nếu áp cách tính như vậy thì học phí không thể vượt khung nhà nước quy định là 240.000 đồng/tháng. Còn nếu vượt là sai. Tuy nhiên, Bộ sẽ có kiểm tra xem trường tính số tín chỉ/ khoá học là bao nhiêu và vượt như thế nào để có hình thức xử lý theo quy đinh./.
Theo VNMedia