Thứ Bảy, 30/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 15/2/2012 21:51'(GMT+7)

Sẽ tăng giá hơn 440 dịch vụ y tế

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Tăng viện phí: hướng tới tính đúng tính đủ

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, quá trình sửa đổi điều chỉnh giá các dịch vụ y tế xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn. Chính sách viện phí hiện nay dựa theo Thông tư liên bộ số 14 ban hành ngày 30-9-1995 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Ban Vật giá Chính phủ. Từ đó đến nay, giá thu một phần viện phí đó vẫn tạm thời thực hiện, chưa có sự thay đổi cơ bản. Đến năm 2006, liên bộ ban thành Thông tư liên tịch số 03 về bổ sung các dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn tiếp tục phản ánh viện phí chưa bảo đảm đủ chi phí. Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh bổ sung và quá trình này phải mất nhiều năm nhằm đạt được sự thống nhất cao giữa liên bộ và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Dự thảo điều chỉnh lần này là giá thu một phần viện phí hướng tới sự tính đúng tính đủ với hai mục tiêu: bảo đảm quyền lợi cho người bệnh nói chung, người khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; cũng như nguồn lực tài chính cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Cấu phần do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả bao gồm ba nhóm.

Thứ nhất: toàn bộ các chi phí: tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư y tế… phục vụ trực tiếp cho dịch vụ y tế kỹ thuật. Thứ hai là chi phí điện nước, bổ sung chi phí về xử lý môi trường, rác thải.

Thứ ba là chi phí duy tu bảo dưỡng. Một số dịch vụ kỹ thuật còn bao hàm cả phí dịch vụ thông tin liên lạc với các dịch vụ kỹ thuật khác hoặc tương đối đặc biệt.

Dự thảo lần này cũng tạo cơ sở để giá viện phí sát thực tiễn, không chỉ áp dụng với bệnh viện tuyến trung ương như trong dự thảo 1, 2, 5 của Bộ Y tế mà phản ánh phí thực tế từ các bệnh viện tuyến dưới (cấp tỉnh, huyện, xã…)

Các bộ cũng thống nhất khắc phục những bất cập từ việc ban hành giá viện phí của các thông tư trước đó, trong đó điều chỉnh giảm năm nhóm dịch vụ y tế. Dư luận từng phản ánh nhiều về tình trạng lạm dụng các dịch vụ, đặc biệt là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2011, các đoàn kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xuất toán hàng chục tỷ liên quan tới dịch vụ này. Thông tư sửa đổi lần này có hai điểm liên quan tới dịch vụ chẩn đoán hình ảnh.

Thí dụ như kỹ thuật CTScanner. Tại Thông tư 14/1995, mức giá cũ quy định từ 300 nghìn tới 1 triệu đồng, gồm cả thuốc cản quang. Dự thảo thông tư mới phân biệt, quy định mức giá cụ thể để giảm giá dịch vụ. Giá thực hiện chụp CTScanner có thuốc cản quang cao nhất của thông tư 14 quy định là 1 triệu đồng, nay thông tư mới giảm xuống còn 800 nghìn đồng. Trong trường hợp không sử dụng thuốc cản quang, quy định của thông tư 14 cao nhất là 800 nghìn đồng, còn lần này cao nhất 500 nghìn đồng.

Hoặc như dịch vụ siêu âm, các văn bản cũ có không có sự rạch ròi giữa siêu âm mầu và các loại siêu âm mang tính đặc thù khác, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh lợi dụng khe hở này hưởng lợi từ quỹ Bảo hiểm y tế. Rất nhiều kỹ thuật chỉ cần sử dụng kỹ thuật siêu âm 2D đen trắng với mức giá chi trả 20 nghìn đồng, nhưng cơ sở khám chữa bệnh phủ một lớp mầu lên để thanh toán mức cao hơn nhiều lần, từ 80-150 nghìn đồng.

Sự phân định cụ thể rõ ràng để bảo đảm định mức chi ra xứng đáng với các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh bảo hiểm y tế được hưởng. Đây cũng là một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng “gian lận”của cơ sở y tế.

Trước đây, việc xây dựng khung giá từ mức tối thiểu tới mức tối đa có mức chênh lệch lớn và trao thẩm quyền phê duyệt mức giá cho Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Trong phạm vi toàn quốc, cho đến năm 2010, đa số các địa phương đều phê duyệt giá viện phí ở mức tối đa, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức thu nhập bình quân của từng địa phương, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ Bảo hiểm y tế và sự công bằng trong cung cấp dịch vụ y tế.

Lần này, thông tư liên bộ sửa đổi sẽ ban hành hơn 50% các dịch vụ y tế chỉ quy định một giá và cũng là mức tối đa. Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố là phê duyệt một mức giá sao cho phù hợp với địa bàn của mình. Đây cũng là điểm mới nhằm bảo đảm công bằng, sát nhu cầu thực tế hơn.

Còn đối với những dịch vụ kỹ thuật vẫn phải xây dựng khung giá gồm cả giá tối thiểu và giá tối đa, các cơ quan đã đề nghị giảm khoảng cách giữa các mức này, với mức chênh lệch không cao chỉ từ 5-10 %. Trong đó, cao nhất là 90 nghìn và thấp nhất là 3 nghìn, mức trung bình chênh nhau khoảng 19 nghìn. Như vậy sẽ hạn chế sự lạm dụng ngay từ việc phê duyệt giá.

Tác động lớn tới xã hội

Ông Phạm Lương Sơn cũng nhận định, chính sách viện phí mới tác động không nhỏ tới tới khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm y tế cũng như việc bảo đảm quyền lợi của người dân. Ban hành biểu giá viện phí mới nhưng người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không phải bỏ thêm tiền túi nhằm thanh toán các khoản được các bệnh viện kiến nghị có sự chênh lệch giữa chi phí bỏ ra và mức bảo hiểm y tế chi trả. Những giải pháp ông Sơn nêu ra nhằm áp dụng một cách đồng bộ, thậm chí là xử phạt những cơ sở y tế thu thêm tiền của người bệnh.

Về vấn đề bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế, các bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất số liệu, phương pháp đánh giá tác động của tăng viện phí đối với khả năng cân đối của quỹ này. Về nguyên tắc, quỹ Bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn được cân đối trong năm. Năm 2011, quyết toán sơ bộ quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn và có thể kết dư. Dự kiến năm 2012 sẽ thu gần 37,4 nghìn tỷ dành cho quỹ bảo hiểm y tế; đồng nghĩa với việc có hơn 33 nghìn tỷ dành cho quỹ khám chữa bệnh, còn lại dành cho quỹ dự phòng và quỹ khác.

Theo dự báo đánh giá tác động, nếu áp dụng giá viện phí mới ngay từ đầu năm 2012, chi phí y tế sẽ tăng khoảng 26% so với kinh phí 24 nghìn tỷ chi ra của năm 2011, dự báo là khoảng từ 6-8.000 tỷ. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn, không loại trừ những đột biến như nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng, chi phí dội lên do cơ sở khám chữa bệnh vẫn tích cực chỉ định những dịch vụ hoặc xét nghiệm không cần thiết.

Chưa tăng mức đóng bảo hiểm y tế năm nay

Về khả năng đóng thêm 0,5% lên tỷ lệ 5% phí bảo hiểm y tế đối với hơn 57 triệu người đang tham gia loại hình này, ông Sơn nhận định tăng phí bảo hiểm y tế chưa áp dụng năm nay. Trong giai đoạn ngắn hạn, quỹ bảo hiểm y tế tự cân đối và có thể dùng kinh phí dự phòng nhưng chỉ bảo đảm trong ngắn hạn, nhưng sẽ có những phương án để có cơ sở chi trả.

Ông Sơn khẳng định, tăng viện phí không phải “thuốc đặc trị ” tình trạng quá tải bệnh viện. Muốn giảm tải cần nhiều biện pháp như mở rộng, xây mới các bệnh viện, phân tuyến điều trị theo đúng khả năng... Điều chỉnh giá viện phí giúp các bệnh viện có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp trở lại.

Dự thảo cũng có số giải pháp hỗ trợ khó khăn cho người nghèo và người mắc bệnh mãn tính. Bộ Y tế đã trình Chính phủ Quyết định 139 dành cho người nghèo và gia đình chính sách. Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Quốc hội sửa Luật Bảo hiểm y tế về quy định mức trần tối đa mà đối tượng này phải chi trả. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định không hướng đến miễn giảm cho đối tượng này mà theo hướng cùng chi trả nhằm nâng cao trách nhiệm của người đóng bảo hiểm y tế. Tại một số địa phương, hộ cận nghèo được hỗ tợ tới 80% chi phí mua bảo hiểm y tế nhưng cũng không mua được. Sắp tới, Chính phủ sẽ nâng mức hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên mức 70%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất phát hành loại thẻ bảo hiểm y tế đặc thù như phát hành thẻ mang 70% mệnh giá và có mức hưởng tương ứng cho hộ nghèo. Khi người bệnh có nhu cầu sử dụng thẻ sẽ đóng tiếp 30% và vẫn bảo đảm đủ quyền lợi khi sử dụng.

Với bệnh nhân mãn tính phải cùng chi trả số tiền lớn, Chính phủ cho phép sẽ tạo nguồn tài chính để hỗ trợ một phần nguồn nếu phần chi trả đó vượt quá khả năng kinh tế của người bệnh. Nghị định 58/NĐ-Chính phủ ban hành năm 1998 quy định mức trần chi trả là sáu tháng lương tối thiểu hiện hành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang trình Chính phủ sửa đổi, trình Quốc hội sửa Luật để có thể đưa ra các mức trần hoặc những mức trần cùng chi trả tối đa cho người bệnh theo những bệnh đặc thù./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất