Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 15/4/2017 8:39'(GMT+7)

Siết chặt đào tạo tiến sỹ: Ai sẽ gặp khó?

Đào tạo tiến sĩ theo hướng siết chặt để nâng cao chất lượng. (ảnh minh họa).

Đào tạo tiến sĩ theo hướng siết chặt để nâng cao chất lượng. (ảnh minh họa).

Bộ Giáo dục vừa ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ. Quy chế có hiệu lực từ ngày 18/5, với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành.

So với quy chế đào tạo tiến sỹ hiện hành, những tiêu chuẩn dự tuyển đối với ứng viên, điều kiện bảo vệ luận án... của quy chế mới đều yêu cầu chặt chẽ, chi tiết hơn, nhằm hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ ở nước ta. Những tiêu chuẩn này, các trường có đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Những tiêu chuẩn trong quy chế đưa ra trường Kinh tế quốc dân đã áp dụng, có những mục về yêu cầu đầu vào còn cao hơn. Ví dụ như đầu vào đối với nghiên cứu sinh của trường hiện nay là phải có 2 bài báo thể hiện các công trình của họ trước khi vào tham dự xét tuyển. Một trong những rào cản mà các nghiên cứu sinh gặp phải đó chính là về ngoại ngữ. Chuẩn đầu vào về ngoại ngữ như yêu cầu của Quy chế là hướng đi tích cực, qua đó nâng chuẩn về ngoại ngữ, giúp nghiên cứu sinh có thể sử dụng ngoại ngữ tốt trong quá trình học tập thông qua việc sử dụng các nguồn dữ liệu khoa học quốc tế”.

Đào tạo tiến sỹ là đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tinh hoa, nên nghiên cứu sinh phải có năng lực nghiên cứu thực sự, để có các bài báo, báo cáo nghiên cứu đạt chuẩn về công bố quốc tế.

Theo Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Đắc Trung, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi đặt chuẩn đầu ra đối với nghiên cứu sinh là phải có bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án đăng trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế... có khả năng số lượng nghiên cứu sinh sẽ giảm, nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu sẽ được nâng cao: “Việc Bộ nâng cao chuẩn đào tạo nghiên cứu sinh cũng đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu.

Theo tôi, số lượng nghiên cứu sinh có thể trong thời gian tới sẽ giảm, nhưng việc giảm đó cũng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của người học, nếu trong trường hợp người học muốn học để nghiên cứu và chắc chắn các trường đại học, qua quy chế mới hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đương nhiên là chất lượng nghiên cứu đó nằm ở cả người thầy lẫn cả người đi học”.

Đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh, Quy chế mới bổ sung những yêu cầu như: là tác giả chính của các bài báo hoặc công trình công bố trong các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí ISI –Scopus, hoặc một chương sách tham khảo có mã số ISBN của các nhà xuất bản nước ngoài phát hành, hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện...

Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, quy định chi tiết đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh là hợp lý, để đảm bảo người hướng dẫn có đủ năng lực, trình độ hỗ trợ nghiên cứu sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu. Trong thời gian đầu triển khai quy chế mới sẽ có một số khó khăn, ảnh hưởng đến cả người học và cơ sở đào tạo, nhưng đây là sự chuyển đổi cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ, dần tiến tới tiệm cận với tiêu chuẩn của thế giới.

Ông Đặng Kim Vui nói: “Khi tiêu chuẩn đầu vào đòi hỏi cao lên thì cũng có những khó khăn đối với ứng viên muốn tham gia học. Có thể trong giai đoạn trước mắt, một số cũng chưa chuẩn bị kịp các điều kiện cần có để làm tiến sỹ theo quy chế mới.

Các đơn vị đào tạo cũng sẽ bị ảnh hưởng vì chỉ tiêu tuyển sinh có thể không đáp ứng được ngay. Chúng tôi nghĩ khó khăn cũng chỉ là tạm thời thôi, còn lại thì theo yêu cầu mới thì giữa người học và người hướng dẫn đều phải có sự cố gắng, nỗ lực vươn lên không ngừng thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu mới”.

Việc Bộ GD-ĐT ban hành thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ với những yêu cầu khắt khe hơn trong việc tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng, chắc chắn việc học tiến sỹ sẽ khó khăn hơn trước. Do vậy, trong thời gian tới, chỉ có những người thực sự có nguyện vọng, có nhu cầu, có năng lực thực sự thì mới theo học tiến sỹ./.

Theo VOVnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất