Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 18/2/2013 20:0'(GMT+7)

Sín Thầu: Vững vàng, đi đầu đổi mới

Xã Sín Thầu nằm ở phía Tây Bắc của huyện Mường Nhé, ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Nơi đây có điểm cột mốc biên giới A Pa Chải ở độ cao 1.864m trên đỉnh núi Khoang La San. Xã có 18 km đường biên giáp với nước Lào và 38,5km đường biên giáp với Trung Quốc. Vượt lên những khó khăn thách thức của điều kiện tự nhiên không thuận lợi, vươn lên bằng chính sức mình, đồng bào dân tộc Hà Nhì nơi đây bền bỉ đi đầu vượt khó trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mùa xuân Quý Tỵ này mời bạn lên Sín Thầu - bởi Sín Thầu vững vàng, đi đầu vượt khó, giữ vững biên cương Tổ quốc.

Theo lời già bản: Sín Thầu có nghĩa là “bản mới’, nơi ngụ cư gắn kết của người Hà Nhì từ bao đời nay. Sín Thầu với diện tích hơn 16.000 ha, dân số hơn 3.000 người cư trú ở 6 bản. Từ năm 2000 trở về trước giao thông vô cùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, cái đói, cái nghèo và tình trạng nghiện hút luôn đeo đẳng.

Với quyết tâm chính trị và từ thực tế cuộc sống: Đưa nhân dân thoát nghèo là khẩu hiệu đồng thời là hành động của Đảng bộ, nhân dân Sín Thầu. Đảng bộ xã đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, đó là do ngại đổi mới, chưa chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, các tệ nạn xã hội, đông con... Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng chương trình, xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai và phân công tổ chức thực hiện. Nhiều năm qua bằng các chính sách, chương trình dự án của Đảng, Nhà nước, Sín Thầu đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư, tập trung phát triển kinh tế. Để có vốn phát triển sản xuất, chính quyền, các đoàn thể trong xã thực hiện ký uỷ thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn làm kinh tế.


Theo ông Pờ Dần Xinh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã: Phát triển kinh tế nông nghiệp là chìa khoá để xóa đói giảm nghèo. Xã vận động nhân dân cải tạo, khai hoang được 25 ha ruộng ven suối để trồng lúa nước. Tiến hành phục hóa để trồng lúa nương, ngô và đậu tương. Mạnh dạn đưa các giống lúa chất lượng cao IR64, TH1 và bắc thơm vào gieo cấy trên diện tích hơn 140 ha, thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và giống lúa địa phương. Chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thâm canh cây lương thực và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho các hộ gia đình. Vì vậy, năng suất lúa vụ mùa đạt gần 40 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt gần 500 tấn, bình quân lương thực đạt 436 kg/người/năm, đã đảm bảo “cái ăn” cho nhân dân,  bảo vệ Trung tâm bảo tồn rừng đầu nguồn hiện có. Tận dụng các bãi bồi ven suối trồng mới 150 ha ngô, sắn và đậu tương làm thức ăn cho gia súc để phát triển chăn nuôi. Từ điều kiện đất đai sẵn có, nhiều hộ mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế trang trại, theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bản A Pa Chải - theo đồng bào Hà Nhì có nghĩa là “Bản của người chị” đã thật sự là “Người chị gương mẫu”, cả bản có gần 40 hộ thì 10 hộ gia đình có đàn trâu, bò từ 40 - 100 con, thu hoạch 5 - 10 tấn thóc/năm, thu nhập 40 - 60 triệu đồng/năm; 7 hộ gia đình có mô hình trang trại vừa và nhỏ sản xuất theo mô hình VACR thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong chăn nuôi đại gia súc là gia đình ông Trang Váng Xinh, được nhân dân Hà Nhì gọi bằng cái tên trìu mến “Xinh vua bò” với số lượng hơn 100 con, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, 150 hộ nghèo đã xóa được nhà tranh tre nứa lá, từ đó giúp đồng bào Hà Nhì định cư, yên tâm lao động sản xuất. Với tinh thần phấn đấu liên tục, 5 năm trở lại đây số hộ nghèo trong xã giảm từ hơn 70% xuống còn gần 40%.

Nhắc lại “kỷ niệm buồn” trong cuộc chiến chống ma túy bền bỉ, quyết liệt, Mạ Gió Tư một thời bị "nàng tiên nâu quyến rũ", nay trở thành Phó Chủ tịch HĐND xã  cho biết: Vài chục năm về trước, cơn lốc ma túy đã “tàn phá” làm điêu đứng hàng trăm con người và nhiều hộ gia đình trong xã. Nhờ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục lâu dài và kiên quyết của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, bộ đội biên phòng, gia đình và bản thân người nghiện đến nay tệ nạn này đã chấm dứt. Nhiều người nghiện chẳng những đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần ma túy ” trở thành những cán bộ, công dân tốt, tích cực làm ăn kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và thôn bản. Trước đây 2 bản A Pa Chải, Tả Ko Khừ đói nghèo và tệ nạn ma túy thì bây giờ được công nhận là những bản văn hóa. Anh cho biết thêm điển hình các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình văn hóa và gia đình hiếu học của xã là: Sừng Sừng Khai, Chang Vãng Sinh, Sùng Phì Sinh, Toán Xuyến Phù và Pờ Dần Sinh
.

Niềm vui lớn, mơ ước từ ngàn đời nay đã thành hiện thực. Nếu như cách đây 5 năm, để đến được xã Sín Thầu, phải vượt qua hơn 50 km đường rừng, lội qua 5 con suối sâu, khi mùa mưa đến, nước suối dâng cao, cách duy nhất muốn qua được phải dùng bè mảng băng qua dòng nước dữ, nay đã có cây cầu Tà Ko Khừ vắt qua dòng xuối. Từ nguồn vốn đường vành đai biên giới, tỉnh đã mở tuyến đường ô tô nối liền trung tâm huyện tới cửa khẩu A Pa Chải, con đường như một dải lụa chạy qua trung tâm xã Sín Thầu đã trở thành cánh tay nối dài cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh ở những bản làng phía cực Tây Tổ quốc. Từ khi có đường mới, cuộc sống mới đang về với đồng bào các dân tộc Sín Thầu. Ông Su Tử Hừ, bản Tả Ko Khừ phấn khởi tâm sự: “Trước đây không có đường ô tô, phải đi bộ theo khe suối khổ lắm, mấy ngày đường mới ra tới huyện, nay có đường ô tô đến xã, bản đi lại nhanh lắm rồi. Cuộc sống của đồng bào ta đổi thay nhiều, có ti vi, xe máy, có trường học cho trẻ em, có y tế khám chữa chữa bệnh. Ngô, thóc làm ra, con lợn, con trâu nuôi được đã có người đến mua hoặc đem ra chợ bán”. Với nhịp điệu này, trong tương lai không xa  Sín Thầu sẽ trở thành xã  có nền kinh tế phát triển.


Một điều làm cho người viết bài này hết sức phấn khởi đã tìm được câu trả lời cho nguyên nhân của sự chuyển mình, đổi thay ở Sín Thầu -  đó chính là nhân tố con người. Về với Sín Thầu tôi gặp Pờ Dần Sinh người con yêu của đồng bào Hà Nhì. Sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ nơi đây, ông thuộc vùng đất này như trong lòng bàn tay, nhớ đến từng gốc cây phiến đá nơi ngã ba biên giới. Từ cán bộ văn hóa, thanh niên, nay trên cương vị Bí thư, Chủ tịch UBND xã bám trụ kiên cường nơi biên cương. Pờ Dần Sinh  thực sự  là cánh chim đầu đàn, năng nổ, dám nghĩ, miệng nói, tay làm, bền bỉ vượt khó  đang " truyền lửa " cho lớp cán bộ trẻ đương nhiệm. Ông bộc bạch với tôi:  "Muốn địa phương ổn định và phát triển không có cách nào khác là phải rèn luyện, chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ, để họ cùng với ông thật sự là trung tâm đoàn kết, gương mẫu, đi đầu trong sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên cương thân yêu, xây dựng đời sống văn hóa". Trực tiếp trao đổi và làm việc, từ phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch UBND xã, trưởng các đoàn thể tuổi đời từ 27 đến 32 - thực sự là đội ngũ cán bộ trẻ, đang dần tiêu chuẩn hóa công chức cấp xã, đủ sức đảm nhận cương vị phụ trách.

Mùa xuân này về với Sín Thầu đi trên đường mới, gặp cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày.  Niềm vui ấy sẽ được nhân lên gấp bội, bởi đội ngũ cán bộ xã  đang mang sức trẻ của mùa xuân,  nơi  ý Đảng hợp lòng dân Sín Thầu. Chặng đường phía trước chưa phải đã hết khó khăn thách thức; nhưng với truyền thống kiên trung, vượt khó của đồng bào Hà Nhì  và đội ngũ cán bộ nơi đây,  nhất định Sín Thầu - miền biên cương mãi vững vàng vươn mình cùng đất nước đi lên trong sự nghiệp đổi mới./.


Đỗ Quang Khải


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất