Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 15/8/2009 23:20'(GMT+7)

Sinh viên sư phạm sẽ không còn được miễn học phí?

Sinh viên Sư phạm sẽ không được miễn học phí?

Sinh viên Sư phạm sẽ không được miễn học phí?

Sáng nay (15/8), Ủy ban Thường vụ QH đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, đồng thời dành thời gian thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2005.

Theo tờ trình của Chính phủ, có 10 vấn đề lớn được đề nghị sửa đổi lần này, trong đó có việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, thay việc miễn học phí cho sinh viên Sư phạm bằng chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, quy định cứng thời gian đào tạo tiến sĩ từ 2 - 3 năm như hiện nay đối với người có bằng thạc sỹ lên 3 năm, điều kiện để thành lập và hoạt động của trường đại học …

Dự thảo Luật sửa đổi đã “né” những bức xúc nhất của xã hội

 

Theo nhận xét chung tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, thì hầu hết nội dung trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thật sự cấp thiết, trong khi đó những vấn đề được dư luận quan tâm, thảo luận sôi nổi trước đây đã đưa vào dự thảo thì nay đã bị rút hết lại do có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.

 

ĐB Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH) cho rằng những nội dung dự kiến sửa đổi lần này nói là để giải quyết những vấn đề bức xúc của giáo dục thì chưa phải mà đó chỉ là sửa những vấn đề quan trọng. “Bức xúc hiện nay là việc tổ chức chương trình nội dung như thế nào. Vì thấy các cháu học hành vất vả quá nên xã hội kêu nhiều. Thi cử tạo ra cảm giác không tin nhau vì không tin nhau thì mới có việc chấm chéo để các trường giám sát nhau”. Từ những nhận xét này, ông Thuận đề nghị cân nhắc để sửa thêm vì nội dung sửa lần này chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

 

Cùng quan điểm này,  ĐB Trần Đình Đàn (Chủ nhiệm VP Quốc hội), nói ngắn gọn rằng những vấn đề nóng, bức xúc chưa được đề cập đến trong lần sửa đổi này là vấn đề sách giáo khoa, chương trình học quá tải đối với học sinh tiểu học.

 

ĐB Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH) cũng bày tỏ rằng ông rất băn khoăn vì nhiều năm vừa qua, có rất nhiều bức xúc của ngành giáo dục mà ở diễn đàn nào của QH cũng bàn tới. Trong khi đó Tờ trình của Chính phủ đưa ra 10 vấn đề thì khi thẩm tra lại, UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đưa ra tới 10 vấn đề cần xem xét lại.

 

Phổ cập mầm non 5 tuổi và không miễn học phí ngành sư phạm: Không khả thi

 

Cả trong tờ trình, báo cáo thẩm tra cùng nhiều ý kiến đều cho rằng chủ trương phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là chủ trương đúng đắn. Thời gian qua đầu tư cho mầm non còn chưa tương xứng với vị trí cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn lo ngại về tính khả thi để thực hiện việc này.

 

ĐB Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH) nêu băn khoăn về chủ trương phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: “Đằng sau 5 tuổi là 3 - 4 tuổi, không thể đặt vấn đề 5 tuổi mới đi học được. Trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nếu đặt ra vấn đề này thì sẽ giải quyết thế nào?”.

 

Cùng ý kiến này, ĐB Trần Đình Đàn (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nêu lên một thực tế là cơ sở vật chất thì chủ yếu chỉ được ở nội thành, còn nếu ra ngoại thành ngay cả ngoại thành Hà Nội thì rất kém, ở vùng sâu vùng xa thì tỉ lệ học sinh đến trường rất thấp. “Bộ Giáo dục hãy ngồi tính nếu phổ cập 5 tuổi thì phải đầu tư cơ sở vật chất như thế nào đã”, ĐB Đàn đề nghị

 

Dự thảo luật sửa đổi cũng đưa ra quy định thay thế việc miễn học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm như hiện nay sang chế độ cho vay tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều cho rằng sự thay đổi này cần phải được xem xét lại. ĐB Nguyễn Văn Thuận cho rằng thực ra cả hai chính sách Nhà nước đều nắm đằng lưỡi cả, cho nên phải cân nhắc vì thay đổi chính sách sẽ tác động lớn đến xã hội.

 

Cụ thể hơn, ĐB Trần Thế Vượng (Trưởng ban Dân nguyện của QH) băn khoăn: Đặt vấn đề học phí thì mức thu giữa các trường khác nhau, nếu thay thế bằng tín dụng thì sẽ ra sao vì chỉ có một mức vay? Hơn thế nữa, ông Vượng nêu lên một thực tế là hiện nay không ít sinh viên Sư phạm ra trường muốn đi dạy không có việc làm. “Nếu sinh viên  xin mãi không vào được cơ sở giáo dục thì liệu có phải hoàn trả lại số tiền đã vay không?”, ĐB Vượng đặt vấn đề ngược lại.

 

Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cũng không tán đồng với việc thay chính sách miễn học phí sang chính sách cho vay tín dụng: “Tôi cho rằng không nên vì một số sinh viên Sư phạm ra trường bỏ đi làm việc khác mà phải thay đổi chính sách. Thực tế thì sinh viên ra trường rất khó xin việc. Vì giáo viên thiếu chỗ này lại thừa ở chỗ khác. Hơn nữa sinh viên ra trường không đi dạy nhưng lại làm việc trong các cơ quan nhà nước khác thì tính sao đây?”.

 

Thạc sỹ học 3 năm để thành tiến sỹ: dài hay ngắn?

 

Vấn đề thời gian đào tạo tiến sỹ là bao nhiêu năm cũng thu hút được sự quan tâm của hầu hết các đại biểu. Theo quy định hiện hành, để lấy bằng tiến sỹ, cử nhân Đại học phải học 4 năm, thạc sỹ phải học từ 2 đến 3 năm. Nhưng theo dự thảo sửa đổi, thạc sỹ sẽ phải học tiếp 3 năm để lấy  để lấy bằng tiến sỹ. Các ý kiến xung quanh vấn đề này cũng còn trái chiều nhau.

 

ĐB Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc quy định thời gian đào tạo tiến sỹ là góp phần nâng cao chất lượng. Nếu không, chúng ta đào tạo ra nhiều tiến sỹ, nhà khoa học nhưng chất lượng không cao.

 

Trong khi đó, ĐB Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH) đặt vấn đề ngược lại là liệu có phải thời gian đào tạo càng lâu thì chất lượng càng cao? Theo ông Hiển, ở nước Anh thì thạc sỹ thì cũng chỉ học 1 năm rưỡi. Ông Hiển cũng chỉ ra một thực tế mà theo ông là rất bất hợp lý, đó là ở bậc Đại học thì thời gian học rất dài nhưng lại dạy cho sinh viên những cái rất bác học, cao siêu còn thực tiễn thì rất kém.


“Năm thứ nhất, thứ hai, sinh viên Tài chính phải học rất nhiều môn vô bổ như lịch sử học thuyết kinh tế, địa lý kinh tế… trong khi những môn chuyên ngành đến năm thứ 3 - 4 mới được học. Cử nhân Kế toán tài chính mà hỏi đã nhìn thấy tấm séc bao giờ chưa thì cũng rất mù mờ. Nếu mạnh dạn ra, cải cách thì bậc Đại học chỉ học 3 năm. Ta nên có một cuộc cách mạng, không phải học dài mới thành người”, ông Hiển nhận định.

 

Giải trình rất ngắn gọn trước Uỷ ban Thường vụ QH, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nói rằng việc sửa đổi, bổ sung lần này là sửa đổi, bổ sung những cái còn thiếu, còn những cái chưa hợp lý thì sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi tổng thế./.

Theo VTCnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất