Dù là lớp học được tổ chức trong thời gian nghỉ hè, thông thường chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, nhưng năm nào cũng thu hút rất đông con em đồng bào đến học. Năm nay, chùa Prek Ping Taung tiếp nhận hơn 200 em học sinh, đông nhất từ trước đến nay. Điều này càng khẳng định tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc đang được thế hệ trẻ phát huy và giữ gìn. Sư Thạch Tây, đứng lớp dạy chữ Khmer trong chùa, cho biết: "Hiện nay, bà con phật tử, con em rất quan tâm học chữ Khmer. Sau khi học chữ phổ thông xong là phụ huynh học sinh, các em vào chùa đăng ký học. Hơn một tháng nay, các em vẫn bám lớp và chăm chú lắng nghe".
Đối với lớp học tại chùa, giáo viên chính là các vị sư có nhiều năm tu học, kiến thức khá rộng. Dù lớp học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng chất lượng học tập của các em luôn được nhà chùa chú trọng. Đó là chương trình giảng dạy luôn được đổi mới, giáo viên còn kèm nhiều hoạt động khác để tạo không gian, sự hứng thú để giúp các em tiếp thu và ghi nhớ tốt nhất.
Tại chùa Sro Lôn, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cũng là một trong những chùa nổi tiếng có số lượng học sinh học chữ Khmer khá đông. Năm nay, chùa có hơn 250 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Việc dạy học của chùa được xem là có chất lượng giảng dạy tốt nhất trong tỉnh. Tại kỳ thi tốt nghiệp Pali Roong năm 2013, toàn tỉnh có 5 thí sinh đạt điểm cao nhất thì chùa Sro Lôn đã có 4 thí sinh, trong đó có thủ khoa. Đại đức Lâm Chanh, Trụ trì chùa Sro Lôn, cho biết: "Chùa đã duy trì việc dạy chữ gần 10 năm nay, số lượng học sinh đến học ngày càng tăng. Sau khi kết thúc khóa, chùa tổ chức thi và trao giải thưởng cho các em. Vì thế, cả thầy và trò đều cố gắng dạy, học tốt để giành giải thưởng". Để khuyến khích các em học tập tốt, trước khi vào học, nhà chùa đều hỗ trợ tập, viết và có phần thưởng cho học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, bịt mắt đập nồi…cũng được diễn ra tại chùa. Em Cao Thị Bích Mai, đang học chữ Khmer tại chùa Sro Lôn, nói: "Vào chùa học vừa biết chữ, vừa có quà và được tham gia trò chơi nên em rất thích. Bốn năm nay, năm nào em cũng vào chùa học nên giờ đã đọc, viết rất rành. Em cố gắng học tốt để cuối khóa thi được điểm cao, có quà. Mấy năm trước, quà là tập, viết… em xài trong một năm học trong trường không hết".
Đối với trẻ em ở vùng nông thôn, nhất là những em kinh tế gia đình khó khăn, hè là dịp để các em phụ giúp gia đình kiếm tiền lo cuộc sống. Vì vậy, những lớp dạy chữ Khmer, là một không gian sinh hoạt hè vô cùng ý nghĩa đối với các em. Đồng thời, đây là việc làm thiết thực và có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần chung tay giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc./.
(Theo: Báo Cần Thơ)