Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 23/2/2009 10:46'(GMT+7)

Sống lại một vùng ca trù cổ

Ca trù, một nét đẹp văn hóa của người Việt

Ca trù, một nét đẹp văn hóa của người Việt

Cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, nơi đây vẫn giữ được dáng vẻ của một làng quê yên bình với nghề phụ là nghề thợ mộc. Môi trường này thật dễ khiến người ta hình dung được không gian đích thực của các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch CLB ca trù của làng cho biết, theo những gì được truyền lại thì nghề ca trù của làng là do cụ Nguyễn Văn Định từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh vốn là một nghệ nhân của một nhà hát nào đó đã phải lưu tán về đây. Ban đầu, cụ chỉ truyền dạy cho con cháu trong dòng họ, rồi dần dà, đã lan rộng sang các dòng họ khác để rồi nơi đây trở thành một vùng nổi tiếng với các kép đàn, đào hát… Như vậy, ca trù đã có mặt ở vùng đất này hàng trăm năm trước, là nơi phát sinh của các nhà hát, các nhà tơ khắp các vùng lân cận… với bằng cớ là cứ đến ngày giỗ tổ, không chỉ đào kép làng mà rất nhiều đào kép từng học thành tài tại đây tụ hội về tạo thành không khí hết sức nhộn nhịp của ngày 14 tháng giêng hằng năm. Các đào nương nơi đây nổi tiếng vì đẹp, vì giọng ca, tay phách sánh cùng các kép đàn tài ba lão luyện và trở thành đối tượng hút khách cho các nhà hát ả đào tại Khâm Thiên, Ngã Tư Sở… trước kia. Đào kép nơi đây đã rải đi khắp một vùng rộng lớn của Đồng bằng Bắc bộ, không nơi nào thiếu vắng họ. Cứ đi, cứ hát và đàn suốt năm suốt tháng hết nhà này đến nhà khác… cho đến cữ cuối năm, họ trở về, phục vụ cho các nhà trong vùng để chờ ngày Tết và ngày giỗ tổ hằng năm… như luật luân phiên của đất trời…

 

Những báu vật sống của con người

 

Đó là từ mà GS Tô Ngọc Thanh, người của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, thế giới thường gọi các nghệ nhân dân gian - danh hiệu muộn màng mà các cụ đào kép nơi đây mới được công nhận. Cả một làng ca trù khi xưa, nay chỉ còn lại ba cụ nghệ nhân đều đã trên tám mươi tuổi. Nhưng cũng thật kỳ lạ bởi ba cụ là một bộ chỉnh thể của một chiếu ca trù với hai đào nương Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu có thể thay phiên nhau người vừa tay phách, miệng hát để người kia nhịp trống tom chát nâng đỡ, điểm câu dựa theo tiếng đàn đầy ma lực của kép đàn lão luyện Vũ Văn Khoái… Đã hơn nửa thế kỷ nay, mang cái án oan của tên gọi hát cô đầu như một sinh hoạt không lành mạnh, những nghệ nhân nơi đây ngậm ngùi tủi phận chôn chặt nghề đàn hát của mình để rồi lâu lâu tập hợp nhau lại âm thầm hát cho đỡ nhớ! Rất nhiều đào kép nổi danh một thời nay đã thành người thiên cổ mà không biết rằng, nghề hát của mình đã cởi được oan khiên, lại được vinh danh. Các cụ tâm sự rất thật lòng, giá như được biết đến sớm hơn chút nữa, hẳn rất nhiều đào kép nơi này còn có khả năng tỏa sáng… Vốn là những nông dân chân chỉ hạt bột, thấy bảo nghề ca hát đó là không tốt, họ đành bằng lòng với cuộc sống thuần nông của mình chỉ còn đôi lúc nhớ đến thắt ruột thời hoàng kim với một nghề kiếm sống khiến họ thấy vinh dự. Qua làn sóng của đài phát thanh, đài truyền hình, họ cũng thấy, dường như nơi khác cũng vẫn còn được hát những làn điệu đó… nhưng với tên gọi hát ca trù, khác cái tên thân thương thôn dã mà họ vẫn dùng cho nghề của mình: hát nhà tơ. Cả ba cụ, khi trả lời đều kể đến thuộc lòng, đầy cảm ơn cơ duyên khiến cho mình được đàn hát một cách đầy tự hào về sự tình cờ của người làng chỉ cho cán bộ văn hóa về. Và họ đều hết lòng trân trọng, cảm ơn những người có công lớn làm sống lại nét văn hóa đặc sắc nơi đây như bà Cần, bà Bình và GS Tô Ngọc Thanh cùng tổ chức thay mặt quỹ For đã tài trợ, vinh danh cho họ. Nét duyên dáng, đẹp theo cách miêu tả "mỏng mày, hay hạt" như vẫn còn nơi hai đào nương tài sắc ngày nào hay vẻ hóm hỉnh, thông minh của cụ kép đàn như bừng sáng hơn khi nhắc đến ngày họ được vinh danh, tự hào khi lên Hà Nội nhận bằng Nghệ nhân dân gian. Đó không gì khác hơn, chính là sự thừa nhận tầm vóc quốc gia của các đào kép nơi đây. Đó không gì khác hơn, chính là niềm tự hào của các cụ với con cháu về một thuở lừng danh ngày nào. Người ta có thể tra cứu rất nhiều, có thể có kiến thức rất nhiều về ca trù, về nghệ thuật ca trù song nếu chưa một lần được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân dân gian còn sót lại này, hẳn chưa thể tự hào rằng mình biết ca trù. Một nghệ thuật đầy tính bác học, một nền dân ca mang tính nghệ thuật cung đình được các nghệ nhân nông dân truyền nghề theo cách "bắt tay chỉ ngón" quả không dễ đo đếm, ghi nhận chỉ bằng những thiết bị, công cụ của thời hiện đại.

 

Sống lại một làng ca trù

 

Với sự phát hiện của những người rất nhiệt tâm, Hội Văn nghệ dân gian đã sử dụng quỹ tài trợ đúng lúc, đúng chỗ để làm sống lại một giá trị văn hóa phi vật thể mà bấy lâu nay chúng ta đang dụng công làm hồ sơ để UNESCO công nhận. GS Tô Ngọc Thanh đã xuống tận nơi, nghe và xúc động đến tràn nước mắt về giá trị của ca trù cổ, ca trù nguyên bản nơi đây. Những động thái ông và những người có trách nhiệm đã làm như tôn vinh các cụ, động viên các cụ truyền lại nghề tổ cho con cháu đã thành công khi làng thành lập được CLB ca trù, đào tạo được khá nhiều đào nương trẻ tuổi. Tiếp nối quá khứ, các cụ dạy các cháu từ nhỏ, tạo một không khí sống động cuốn hút cho ca trù khiến không ít các bà trung tuổi cũng tìm đến, tham gia vào. Vậy là nơi đây lại rộn rã tiếng trống chầu tom chát, tiếng phách lanh lảnh, tiếng đàn da diết nâng đỡ cho những giọng ngân ứ hự… đầy biến ảo khôn lường mà trầm mặc thâm sâu về ý tứ. GS Tô Ngọc Thanh vui mừng vì tin tưởng rằng, với nhịp điệu sinh hoạt đó, làng ca trù Chanh Thôn hẳn sống lại với một diện mạo mới. Tuy kép đàn vẫn trầm tư khi chưa có được chân truyền bởi người học được ngón đàn của ông chưa an tâm với nghề khi còn lặn lội mưu sinh song vị GS hết lòng với nghệ thuật cổ truyền cho rằng, tuy chưa khẳng định được về tương lai rực rỡ cho làng ca trù cổ nhưng những gì được tạo dựng nơi đây thật đáng mừng. Nếu được chăm chút đúng cách, đúng lúc, chúng ta đã tìm thấy những báu vật dân gian bị phủ lấp bởi thời gian để giúp nó tiếp tục tỏa sáng cũng là giúp nền nghệ thuật Việt Nam thêm một nét văn hóa đặc sắc, đa dạng đến khó ngờ bởi cũng là ca trù song mỗi vùng, miền của chúng ta luôn có sự khác biệt.

 

Trong thời đại hòa nhập hôm nay, cái để phân biệt ta với bạn không phải là những hạ tầng cơ sở mà chính là những nét văn hóa độc đáo, khác biệt đó. Vì vậy, tìm hiểu và gìn giữ, làm sống lại những nét văn hóa đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng ai.

 

Theo Cao Ngọc-Bao HaNôiMoi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất