Nhưng để chủ động trước tình hình, ngay từ đầu năm 1991, trước khi khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VII, trong hệ thống các chương trình nghiên cứu khoa học xã hội nhiệm kì 1991-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chấp nhận một chương trình nghiên cứu về “chiến lược quốc phòng-an ninh” giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, hợp tác với Bộ Nội vụ cùng nhiều ban ngành, yêu cầu làm rõ những luận cứ khoa học của chiến lược đó, do Ủy ban khoa học Nhà nước đề xuất. Trong số 15 đề tài của chương trình, đã có một đề tài chuyên nghiên cứu chủ đề “Diễn biến hòa bình, phá hoại nhiều mặt và lật đổ- đối sách của ta” mang mã số KX09-04 đã được nhiều cán bộ khoa học có nhiều kinh nghiệm thực tế nghiên cứu rất công phu, tới 1994 đã được nghiệm thu, đánh giá xuất sắc, đưa ra áp dụng và giảng dạy. Bởi vậy, trừ mấy ngón nghề chúng đang xào xáo lại cho cập nhật, đối với chúng ta, đó không phải là vấn đề xa lạ.
“Diễn biến hòa bình” vốn là một chiến lược “chống cộng” do các thế lực đế quốc đầu sỏ đề ra, hướng vào Liên Xô và các nước XHCN trên toàn thế giới nhằm làm biến đổi các chế độ XHCN hiện thực bằng các biện pháp tổng hợp: kinh tế, chính trị, tư tưởng và văn hóa, không từ các thủ đoạn mua chuộc, vu cáo, chia rẽ, đe dọa, khủng bố… miễn là không phải dùng tới chiến tranh. Chiến lược “diễn biến hòa bình” có quá trình hình thành từ khi nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới ra đời nhưng chỉ được hoàn chỉnh sau khi đã dùng mọi thủ đoạn, kể cả vũ lực, hòng “bóp chết chủ nghĩa xã hội khi còn trứng nước” mà không đạt được mục đích. Nó có mặt lợi hại là đã từng làm tan rã hàng mảng các nước XHCN Đông Âu, kể cả Liên Xô là trụ cột trong “phe xã hội chủ nghĩa” đã dùng các hình thức “cách mạng nhung, cách mạng đường phố, cách mạng sắc màu”… kéo nhiều nước quay về quỹ đạo TBCN, làm thay đổi bộ mặt thế giới vào thập niên cuối cùng của thế kỉ 20. Nhưng "diễn biến hòa bình" cũng bộc lộ ba mặt yếu khá rõ:
1- Nó thường nhằm vào những nước XHCN đã bị đế quốc tiến công quân sự hoặc đe dọa tiến công quân sự mà không đạt hiệu quả, do đó xét về bản chất, nó là sản phẩm của thế thua, phải tìm cách dụ dỗ, lừa gạt vì không uy hiếp được bằng vũ lực.
2- Những nơi thành công thường là do những người cầm đầu ở đó đã tự ý xa rời chủ nghĩa Mác Lê-nin, không còn tha thiết gì với chế độ mà họ đang kế tục, đã chấp nhận chủ nghĩa xét lại hiện đại, thừa nhận “cái vượt trội” của chủ nghĩa tư bản, sẵn sàng cho một cuộc “cải biến chế độ” theo quỹ đạo khác đặt nhân dân vào thế mất phương hướng. Trên thực tế, họ đã “tự diễn biến” trước khi kẻ thù làm nốt những việc còn lại. Điều đó hoàn toàn khác với những hoạt động cải cách, mở cửa để quá độ lên chủ nghĩa xã hội một cách thiết thực và có hiệu quả hơn.
3- "Diễn biến hòa bình" không thể tự ý can thiệp vào nội bộ một nước mà phải thông qua những đối tượng có quyền lực của lớp người cầm quyền sở tại. Vấp phải những đối tượng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoặc lớn (như Trung Quốc) hoặc vừa và nhỏ (như Việt Nam, Cu-ba, Lào, Bắc Triều Tiên…) thì chủ thể cứ diễn đi diễn lại mà đối tượng vẫn không chịu “biến”, dù đã trải qua 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa.
Chưa bàn đến những luận điểm đang lưu hành trong một số người “thành thật” đã nhân danh những kiến thức sơ lược về “chủ nghĩa xã hội” và “thời kì quá độ” mà rỉ tai nhau rằng chế độ ta đã “hạ cánh an toàn xuống sân bay tư bản” (?!), cũng chưa tính đến những người nhẹ dạ hoặc những kẻ tà tâm, tin theo những luận điểm vu cáo quen thuộc: Việt Nam không có dân chủ, tự do, vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, miệt thị các dân tộc thiểu số… sẽ nói ở các chuyên luận khác. Chỉ cần khẳng định trong phạm vi xây dựng Đảng: Nếu những người cộng sản không “tự diễn biến” thì "diễn biến hòa bình" “có ba đầu, sáu tay” cũng không làm gì nổi.
Vậy thế nào là “tự diễn biến”? Thực ra các hiện tượng này đã được Báo cáo chính trị trước Đại hội X nhắc đến: Đó là tình trạng “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên”, là những biểu hiện “xa rời mục tiêu của CNXH”, “tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, “chạy chức chạy quyền”. Đặc biệt đối với các lực lượng vũ trang là công cụ sắc bén của hệ thống chính trị, nếu không chăm lo, củng cố tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng, tạo miếng đất tốt cho kẻ thù thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa”… chính là đang “tự diễn biến”.
Xưa nay, gia nhập Đảng là công việc hoàn toàn tự nguyện. Khi Cách mạng còn đòi hỏi nhiều hi sinh gian khổ thì chẳng ai nghĩ vào Đảng để được quyền này, chức nọ. Nhưng từ khi Đảng ta đã trở thành một Đảng cầm quyền thì bên cạnh những động cơ trong sáng đã bị pha trộn những động cơ “danh, lợi”. Đã là đảng viên thì đương nhiên phải chấp hành đúng cương lĩnh, mục tiêu và từng chương mục trong Điều lệ Đảng. Tiếc rằng ngày nay đã có không ít đảng viên làm sai Điều lệ mà vẫn không thừa nhận mình đã làm sai…
Muốn chống “tự diễn biến”, trước tiên phải lấy tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh làm chuẩn. Bởi vì, như tác giả người Nga E.Cô-bê-lép đã viết: Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “hiến dâng toàn bộ cuộc đời tuyệt vời của mình, toàn bộ tài năng của một nhà cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh vì tương lai tươi sáng của nhân dân nước mình. Vì sự toàn thắng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin”(1). Do đó, xét về mặt đấu tranh ý thức hệ, bản thân Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã góp phần chống "diễn biến hòa bình", chống “tự diễn biến” một cách có hiệu quả.
Trong hội nghị Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 4-1-2010, đồng chí Tổng bí thư đã khẳng định: Cán bộ ở cương vị càng cao càng phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, tập trung khắc phục những yếu kém của cơ quan, đơn vị”. Cũng thời gian này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp yêu cầu “Kiên quyết không để những cán bộ, đảng viên có sai phạm như tham nhũng, vi phạm nguyên tắc, gây mất đoàn kết nội bộ, làm việc theo kiểu độc đoán, gia trưởng, suy thoái về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình yếu, quan liêu, xa dân… được tham gia vào cấp ủy các cấp khóa mới”.
Yêu cầu chống “tự diễn biến” không có gì là cao xa. Chỉ cần cán bộ đảng viên chịu tự tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo các cấp thực sự gương mẫu quản lí, cơ quan đơn vị, tổ chức Đảng không để những kẻ biến chất tham gia vào cơ chế lãnh đạo điều hành… thì “diễn biến hòa bình” sẽ tiếp tục bị đẩy lùi”. Với thành công của Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XI, chắc chắn đất nước sẽ thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo được nền tảng để đến năm 2020, nước ta sẽ cơ bản trở thành một nước theo hướng hiện đại.
Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ
___________________________
(1) E.Cô-bê-lép: “Đồng chí Hồ Chí Minh”. NXB Thanh niên Hà Nội, NXB Tiến bộ Mát-xcơ-va 1985. Tr.379.
(Nguồn: QĐND)