Trong thực tế đời sống xã hội, có biết bao nhiêu chuyện mà người dân có quyền được biết, được tiếp cận thông tin để hiểu đầy đủ và đúng bản chất. Hơn thế, trong tiến trình phát triển và mở cửa hội nhập, quyền được thông tin của người dân càng phải được tôn trọng và vì thế trách nhiệm giải trình trước dân của các “công bộc” của dân cũng cần được xem là chế độ bắt buộc trong thực hiện công vụ.
Tất nhiên, thông tin về thành tích thì không cần bàn nhiều bởi nó dễ lọt tai, ai cũng thích. Điều đáng bàn là còn không ít nơi vẫn chạy theo thành tích, ít khi mạnh dạn thực hiện trách nhiệm giải trình, nhận trách nhiệm trước dân; ngại nêu khuyết điểm, yếu kém...
Dự luận đồng tình, nhiều cán bộ, đảng viên cũng nhìn nhận việc đẩy mạnh và chủ động công bố các sai phạm của cán bộ, đảng viên trên báo chí là cần thiết và có tác dụng tốt. Nhưng thực tế nơi này nơi kia vẫn còn lúng túng và dè dặt; chuyện công khai ở mức nào, phạm vi nào không phải đã dễ thống nhất, đồng thuận. Một cán bộ ở một tỉnh kể khi xin ý kiến lãnh đạo cho thông tin những sai phạm, yếu kém từ một vụ việc đã được kiểm tra kết luận như là một bài học đáng suy ngẫm cho nhiều cán bộ, đảng viên thì ngay lập tức nhận được cái vỗ vai nhẹ nhàng: thôi nhé, không cần thiết!
Chính vì thế mà tại một hội nghị mới đây, ông Lê Hồng Liêm - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - đã lưu ý phải xem việc tuyên truyền, thông tin về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng như là một sự đột phá. Nếu thông tin chính xác và đúng mức những sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên hay tổ chức Đảng đã được kết luận sẽ góp phần tạo sự “đề kháng” tốt hơn cho đội ngũ “công bộc” của dân.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thông báo công khai một khối lượng lớn kết quả kiểm tra, giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dư luận đồng tình, ủng hộ bởi càng công khai, minh bạch sẽ càng tăng thêm sức mạnh trong công tác xây dựng Đảng, tạo điều kiện để người dân giám sát tốt hơn cán bộ, đảng viên.
Minh bạch thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm đảm bảo quyền được thông tin của người dân là tiền đề không thể thiếu trong một xã hội phát triển, văn minh hiện đại. Đó còn là một nét ứng xử văn hóa, giúp bồi đắp cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày một bền chặt hơn./.
(Theo Tuổi trẻ online)