Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 19/1/2017 21:47'(GMT+7)

Để xứng là “kinh tế mũi nhọn”!

Ảnh minh họa (nguồn: INT)

Ảnh minh họa (nguồn: INT)

Nhìn lại chiến lược và chặng đường những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận. Khách du lịch trong và ngoài nước đều tăng nhanh qua từng năm. Năm 2016, lần đầu tiên ngành du lịch đón 10 triệu lượt du khách nước ngoài và 62 triệu lượt du khách nội, tăng 5,3 lần so với 15 năm trước. Du lịch không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia, mà còn đóng góp không nhỏ vào xây dựng hình ảnh đất nước, nét đẹp, cốt cách con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Nhưng nhìn thẳng, du lịch Việt phát triển chưa xứng với tiềm năng. Cách làm du lịch chưa bài bản, dài xa. Người làm du lịch đây đó còn chưa chuyên nghiệp. Các sản phẩm còn đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn, tạo ra những khác biệt để “níu chân” du khách. Hoạt động du lịch chưa gắn kết vùng miền, còn bị chia cắt, còn mạnh ai nấy làm, mỗi nơi mỗi kiểu.

 Nhìn ra các nước làm du lịch giỏi không khỏi không suy nghĩ. Vì sao Singapore diện tích chỉ như đảo Phú Quốc mà trở thành cường quốc du lịch? Vì sao những bãi biển đẹp như mơ chạy dài đất nước, mà du lịch biển vẫn chưa sáng lên? Cứ nói du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, nhưng nhìn nhìn thẳng chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu.

Không thể dừng với doanh thu hơn 400.000 tỷ đồng từ du lịch như năm 2016, không thể dừng với đóng góp của du lịch cho GDP mới chỉ chưa đến 10%!

Du lịch Việt  phải có chiến lược, cách làm chuyên nghiệp và đầu tư bài bản, mới nhanh chóng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Những gì đất nước có trong tay là tiềm năng thiên nhiên ban tặng rất tuyệt vời. Vấn đề là đổi mới thế nào, cách làm du lịch phải tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt ra sao để có sức quyến rũ, thu hút được khách nội địa, khách quốc tế đến du lịch ngày càng nhiều hơn?

 Bộ máy, con người làm du lịch phải thay đổi tư duy. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch không thể cứ “cao vút” bài ca “vẻ đẹp tiềm ẩn, với vẻ đẹp bất tận mãi”. Các vùng du lịch không thể cứ tư duy ăn xổi, chém chặt du khách trong kinh doanh. Hãy nhìn du lịch với con mắt tròn hơn, chuẩn chỉ hơn. Người đem tiền đi du lịch là “mua về” niềm vui, là mong sự thoải mái. Không thể có những bữa ăn con cua, con tôm bảo nặng một ký, nhưng thực tế chỉ 7-8 lạng. Càng không thể vào các nhà hàng với bữa ăn bị “hét” giá “trên giời”. Khách sạn phòng ốc phải sạch sẽ, chỉn chu với một đội ngũ nhân viên ân cần, chuyên nghiệp luôn làm du khách vui lòng. Ngỡ tưởng giản đơn thế, nhưng rõ ràng từ các cơ quan quản lý vĩ mô, đến cơ quan làm du lịch ở các tỉnh, thành phải chọn cho được những người am hiểu, biết làm du lịch tử tế.

Vì sao du khách trong nước “vác ngoại tệ” du lịch nước ngoài quá nhiều. Câu hỏi không chút thuận tai, nhưng rất cần phải được mổ xẻ để biết phải làm gì cho du lịch trong nước vượt lên.

Đã đến lúc phải rà soát lại quy hoạch du lịch cả nước để nhìn rõ những điểm nào là trung tâm, trọng điểm để đầu tư cho xứng tầm. Nhà nước đầu tư đến đâu, còn phải huy động cộng đồng, xã hội cùng chung tay. Phải có chính sách về đất đai, ưu đãi về vốn cho các DN làm du lịch với quy mô lớn. Phải kiến tạo chính sách thuận lợi cho các DN tư nhân bỏ tiền đầu tư vào du lịch. Phát triển kết cấu hạ tầng cho du lịch, liên kết thành những chuỗi du lịch vùng, du lịch miền, du lịch biển đảo, tâm linh, sinh thái, du lịch sông nước...

Phát triển du lịch trong nước thế nào, đón du khách nước ngoài với chiến lược mở rộng cấp visa thuận lợi cho du khách  các nước đến du lịch ở ta ra sao? Phải tạo điều kiện cho du khách khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên, văn hóa đất nước và con người Việt Nam với nội dung sâu sắc và thân thiện! Đó cũng chính là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam, du lịch Việt Nam ra thế giới không tốn “triệu đô nọ triệu đô kia”!

Đội ngũ làm du lịch từ hướng dẫn viên, lễ tân, dọn phòng, nhân viên nhà hàng, đầu bếp không thể cứ tuyển lao động thời vụ, mà phải dạy cách làm du lịch  chuyên nghiệp, chuẩn chỉ hơn.

Du lịch an toàn. Du lịch “xanh sạch đẹp”. Du lịch với những sản phẩm mới khác biệt mang đậm chất văn hóa Việt, chính là cách “níu chân” du khách, để du khách lưu trú dài ngày hơn, và tiêu tiền nhiều hơn.

Khi vẻ đẹp thiên nhiên được khai thác đúng, xây dựng được quy hoạch du lịch tổng thể, các bộ, ngành xây dựng những chính sách thiết thực cho du lịch, có cơ chế huy động được nguồn lực xã hội cùng làm du lịch thì một ngày không xa, du lịch Việt  sẽ bứt phá, vượt lên, xứng đáng là mũi nhọn của kinh tế quốc gia! 

Hà Phương (Báo Đại biểu nhân dân)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất