Sau bốn ngày Hà Nội thực hiện lắp dải phân cách, ngăn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa, nhiều phương tiện vẫn vô tư đi vào, đặc biệt là xe máy.
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào hai ngày 23-24/1, tại những khung giờ cao điểm 7-8 giờ sáng và 17-19 giờ, hầu như không có hiện tượng xe ôtô lấn làn BRT, các xe xếp hàng dài, nhích từng mét một khiến đoạn đường Giảng Võ, Láng Hạ ùn tắc cục bộ.
Tuy nhiên, một số chủ phương tiện xe máy vẫn thản nhiên đi vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh hoạt động bởi đường bên ngoài đang ùn ứ nặng. Thậm chí, người điều khiển xe máy khi biết đi nhầm vào đường buýt nhanh đã quay đầu để rẽ vào đường khác.
Khi được hỏi, nhiều lái xe giải thích lý do “bon chen” vào làn đường riêng cho buýt nhanh dù có dải phân cách cứng là do mới lắp dải phân cách nên chưa quen nên đi nhầm vào làn đường này.
Trên trục đường Giảng Võ, Lãng Hạ hay tại các ngã tư, xe buýt nhanh BRT đã có thể lưu thông dễ dàng và tốc độ cao hơn do không bị các phương tiện lấn làn như trước đây.
Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT cho biết, việc lắp dải phân cách là một trong những phương án bổ trợ rất cần thiết, giúp bảo vệ làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT đồng thời tạo điều kiện cho việc điều tiết, phân làn giao thông thuận lợi hơn.
“Tình hình giao thông trên các tuyến ổn định, xe vận hành an toàn, xuất bến đúng giờ,” ông Thủy đánh giá.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, thực tế cho thấy, buýt nhanh phải chạy chậm, tắc nghẽn ở các nút giao. Những đoạn này người dân thường lấn làn, tạt đầu để quay xe. Do đó, việc lắp đặt dải phân cách cứng sẽ góp phần hạn chế hiện tượng lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh; tạo điều kiện cho xe vận hành trơn tru, nhanh chóng hơn khi qua nút, hạn chế gây ùn tắc giao thông.
Theo ông Hải, các nhà chờ được xem xét lắp dải phân cách cứng đợt này như: Khuất Duy Tiến, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Giảng Võ đều nằm tại các khu vực kề cận nút giao có mật độ giao thông cao. Dải phân cách sẽ được lắp từ vị trí nhà chờ kéo dài đến nút giao liền kề.
Lãnh đạo Đội Thanh tra giao thông quận Đống Đa (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) nhìn nhận, từ khi lắp dải phân cách, hầu như không có hiện tượng lấn làn BRT. Việc điều tiết giao thông của Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông đã được giảm đi áp lực rất nhiều.
Khẳng định ủng hộ buýt nhanh như một giải pháp thí điểm, tiên phong để người dân bắt đầu có ý thức về phương tiện công cộng, bà Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quản lý quy hoạch và Giao thông Vận tải bày tỏ quan điểm, có thể nói do ý thức của một số người quá kém, nên buộc phải lắp đặt phân cách dành làn riêng cho BRT. Nhiều nước có làn riêng nhưng không cần làm dải phân cách cứng và các phương tiện cũng không tham gia vào làn xe buýt.
Theo bà Bình, khi đã được dành riêng làn đường, tốc độ buýt nhanh sẽ nhanh hơn nhưng cũng chưa phát huy được hết tác dụng mà Hà Nội cần đầu tư thêm các tuyến buýt nhanh khác để tạo thành mạng lưới cho người dân dễ dàng di chuyển đồng thời thay đổi phương thức sử dụng phương tiện đi lại, giảm lượng xe cá nhân.
Phản biện việc lắp dải phân cách, ngăn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) phân tích, xe buýt nhanh phải có tuyến đường riêng nhưng dọc trục đường đó chỉ có 3 làn xe lại làm tăng thêm khả năng ùn tắc và mất an toàn thì chưa nên lắp dải phân cách cứng.
“Quan điểm của cá nhân tôi là Hà Nội cứ cho chạy thí điểm buýt nhanh đến khi nào ổn định, các xe này phát huy được năng lực chở ít nhất 30.000-40.000 khách/ngày thì lúc đó mới tương ứng với không gian mà loại xe này sử dụng và tiến hành sử dụng dải phân cách cứng thì hợp lý hơn,” ông Thủy quả quyết.
Trước đó, vào đêm 20/1, dải phân cách cứng bảo vệ làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT đã được ngành giao thông vận tải Hà Nội lắp đặt tại nhà chờ trên khu vực Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Giảng Võ./.
Theo VN+