Ngay từ lần đầu tiên chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ (tháng
4/2016), thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “xây dựng một Chính
phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí” đã nhận được sự đồng thuận lớn của tập thể Chính phủ và người
dân.
Khép lại năm đầu tiên của nhiệm kỳ, với động lực hạt nhân từ Người đứng
đầu Chính phủ, khát vọng xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo
đang “tỏa nhiệt” không ngừng, bật lên như một phương châm, lay chuyển
mọi hành động, cách ứng xử của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa
phương hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt
hơn.
Nói đi đôi với làm
Từ bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể quốc dân, đồng bào
đến những lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương hoặc trên cả những
diễn đàn khu vực và thế giới, liêm chính cũng là khái niệm được Thủ
tướng được nhắc đến nhiều lần và được xem như một tiêu chí trong công
tác quản lý điều hành của Chính phủ và bộ máy chính quyền địa phương.
Về bản chất, Nhà nước liêm chính là một Nhà nước của dân, do dân, vì
dân. Trước đây, khi nói đến phẩm chất của người cán bộ, Bác Hồ từng chỉ
rõ: Cần, kiệm, liêm, chính. Xây dựng Chính phủ liêm chính cũng đồng
nghĩa với việc xây dựng một Chính phủ hiệu quả, một Chính phủ làm gương
cho xã hội, nói đi đôi với làm.
Một Chính phủ liêm chính còn phải là một chỉnh thể thống nhất từ phương
châm đến hành động, có mối tương tác, quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa các
thành viên với nhau và với toàn hệ thống để có một cơ chế vận hành đồng
nhất, hiệu quả. Không chỉ có vậy, những cam kết mạnh mẽ cần phải đi liền
với những quyết sách cụ thể, hữu hiệu để thực hiện lời hứa, đáp ứng sự
kỳ vọng của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay vào thực hiện định hướng xây dựng
Chính phủ liêm chính bằng việc chấn chỉnh xử lý sự vụ quán càphê Xin
chào. Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, cũng không kém phần bất ngờ của
Người đứng đầu Chính phủ về một tình huống pháp lý gắn với thân phận của
người yếu thế - nạn nhân của hành vi lạm quyền công vụ có tác dụng như
một “nhát kiếm công lý” đầy uy lực. Đó cũng là chỉ dấu đầu tiên cho hàng
loạt những chỉ đạo quyết liệt của ông và tập thể Chính phủ nhằm chấn
chỉnh kỷ cương, phép nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công
dân và doanh nghiệp.
Tiếp theo, hình ảnh rất đời thường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ăn
sáng, uống càphê ở quán ăn đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh và trước
đó, bất ngờ xuất hiện ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) từ mờ sáng để
kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy một phong cách tư duy và
hành động hết sức gần gũi, đầy hơi thở cuộc sống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng cũng đã đến tận nơi ở, thăm nhà người có thu nhập thấp, thăm
nơi làm việc của công nhân. Xóa mờ những khoảng cách thường thấy giữa
lãnh đạo với người dân, ông thân thiện chuyện trò, thăm già, hỏi trẻ,
lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để nắm bắt tình hình, chuẩn bị cho
những kết luận quan trọng tại hội nghị quy mô toàn quốc liên quan đến an
sinh.
Trong một hành động hiếm gặp từ một lãnh đạo cấp cao, người dân đã chứng
kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói lời xin lỗi về một sự
việc gây hiểu lầm trong dư luận mà không phải lỗi của ông. Đó là khi Thủ
tướng đi bộ vào phố cổ Hội An nhưng đoàn xe đi cùng vẫn đi theo vào tận
phố đi bộ khiến người dân xì xào, bàn tán.
Gỡ nút thắt thể chế
Xuyên suốt những cuộc họp, buổi làm việc, “thể chế, thể chế và thể chế,”
là vấn đề thường xuyên được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, lưu ý lãnh đạo
các bộ, ngành. Cũng nhờ sự đôn đốc sát sao ấy, Chính phủ đã khắc phục
được một tồn tại được coi là căn bệnh cố hữu từ nhiều năm nay - nợ văn
bản. Dưới chỉ đạo của Thủ tướng và quyết tâm của toàn hệ thống, Chính
phủ đã ban hành được một số lượng kỷ lục lên đến 162 nghị định quy định
chi tiết các luật trong năm 2016.
Không chỉ có vậy, để đảm bảo cả bộ máy nhất quán mục tiêu liêm chính,
kiến tạo, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện
các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao. Sáng kiến này ngay lập tức
phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới các bộ, ngành, địa phương; khắc
phục được hạn chế lâu nay trong khâu hậu kiểm.
Có thể thấy liên tiếp những chỉ đạo của Thủ tướng như phát động Năm quốc
gia khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo nút thắt hạn
điền…là những minh chứng cụ thể cho tư tưởng liêm chính. Những đổi mới
được ứng dụng và triển khai ngay vào thực tiễn, tại các phiên họp Chính
phủ thường kỳ, thay vì kinh tế xã hội, nội dung xây dựng thể chế được
đôn lên đầu tiên, như một lời nhắc nhở trách nhiệm hàng đầu của Chính
phủ. Cũng trong nhiều bài phát biểu, Thủ tướng luôn đề cao việc ngăn
chặn lợi ích nhóm, ngay từ khi khởi thảo chính sách.
Giải phóng nguồn lực để tăng trưởng
Một trong những ưu tiên khác của Thủ tướng và cũng là một nội hàm của
khái niệm Chính phủ liêm chính là giải phóng nguồn lực xã hội.
Nhiều lần khẳng định nguồn lực trong dân, nguồn lực bên ngoài là rất
lớn, là chỗ dựa và sức bật của tăng trưởng, ngay trong năm đầu tiên của
nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hội nghị gặp mặt trí
thức Việt kiều, dự hội nghị bàn tròn với các chuyên gia toàn cầu để lắng
nghe và kêu gọi các nhân sỹ trí thức, các chuyên gia ưu tiên dành sự
quan tâm và hỗ trợ tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Đích thân Thủ tướng đã chủ trì một hội nghị đặc biệt với các chức sắc
của 39 tôn giáo đại diện cho gần 1/3 dân số cả nước để lắng nghe tâm tư,
nguyện vọng của đồng bào có đạo. Thủ tướng đã thay mặt Đảng, Nhà nước
khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tạo điều kiện
thuận lợi để phát huy nguồn lực của đồng bào các tôn giáo chung tay vì
mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp.
Dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, khích lệ và tạo nguồn cảm hứng sáng
tạo cho mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở trong và ngoài nước tham
gia hiến kế xây dựng đất nước, đó chính là một trong những yếu tố cấu
thành của một Chính phủ liêm chính.
Chống xa hoa, tránh lãng phí
Khẳng định quyết tâm “nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí,” mới
đây nhất, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cuối
năm, trước toàn thể quốc dân đồng bào, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các
tỉnh, thành không phải đi chúc Tết, thăm hỏi lãnh đạo Chính phủ và các
bộ, ngành. Ông thẳng thắn chia sẻ “cứ đến Tết là các địa phương lại lo
ngay ngáy, không biết mua cái gì, suy nghĩ mấy ngày đêm, không đến thì
băn khoăn, đến thì thất thần khổ cực.” Ông đề nghị loại bỏ các băn khoăn
trên bằng cách tổ chức Tết đơn giản, tình nghĩa, không chúc tết, tặng
quà cấp trên để “tình cảm anh em, đồng chí trọn vẹn và gần gũi với nhân
dân hơn.”
Thủ tướng cũng đề nghị thay đổi việc tổ chức tiếp đón các đoàn công tác
của lãnh đạo Chính phủ xuống địa phương theo hướng gọn nhẹ, đi ít xe,
việc đón tiếp đơn giản, lãnh đạo tỉnh không phải ra đầu địa giới tỉnh
đón tiếp, bắt tay, chụp ảnh "mất thời gian và vất vả." Cũng tại cuộc họp
này, Thủ tướng đã đề nghị phát động một phong trào rộng lớn thực hành
tiết kiệm chống lãng phí trong toàn dân - một giải pháp hết sức thiết
thực trong bối cảnh đất nước cần chắt chiu nguồn lực và từng đồng thuế
của dân để dồn sức cho các mục tiêu phát triển.
Với nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết
liệt của cả hệ thống trên lộ trình Chính phủ kiến tạo, liêm chính lấy
người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, cơ quan hành chính Nhà
nước cao nhất đã kết thúc năm 2016 với một kết quả hết sức khả quan
trong với những chỉ số cao nhất từ trước đến nay trong điều kiện ngổn
ngang khó khăn.
CPI được kiềm chế ở mức 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang
phát triển ở châu và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, lần đầu tiên, cả nước
có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới; vốn FDI thực hiện đạt 15,8
tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%;
thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Môi
trường kinh doanh được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc
so với năm 2015.
Chính những thành tích cụ thể, thiết thực mọi mặt đời sống xã hội ấy sẽ
hun đúc và tạo nên niềm tin thị trường và đặc biệt là làm nên sức bật
niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, một bệ phóng cho tăng trưởng
kinh tế-xã hội quốc gia. Bàn thảo về nhiệm vụ của năm mới 2017, Chính
phủ đã đưa ra chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm,
thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.” Theo Thủ tướng, đây
chính là bước tiếp theo quan trọng trong việc thực hiện chủ trương Chính
phủ liêm chính kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đánh giá về quyết tâm hướng đến một Chính phủ liêm chính và kiến tạo,
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, đây là một thông điệp trúng ý
Đảng, hợp lòng dân, thể hiện quyết tâm xây dựng một nhà nước trong sạch,
vững mạnh và đặc biệt có ý nghĩa trong tình hình hiện nay. “Xây dựng
Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển chính là cơ hội để đất nước
ta rút ngắn công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước làm tiền đề cho sự
phát triển vững chắc của đất nước,” đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu như
vậy.
Truyền lửa với cộng sự và cả bộ máy chính quyền 63 tỉnh thành tại phiên
họp cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tha thiết: “Tôi đề nghị
các đồng chí phải có quyết tâm chính trị, có khát vọng để đưa đất nước
phát triển trong giai đoạn mới, mặc dù khó khăn còn muôn vàn.”
Nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo còn phải trải qua một con
đường dài gập ghềnh với lộ trình cần nhiều nhiệm kỳ, nhưng ngoảnh lại
một năm đầu tiên, người dân cảm nhận được “luồng nhiệt” ấy đang bay đúng
hướng. Tết đến, Xuân về, dẫu khó khăn còn chồng chất, rào cản còn bủa
vây nhưng sức mạnh niềm tin trong lòng dân về những thành tựu mới của
đất nước, của một Chính phủ liêm chính vẫn không ngừng lan tỏa./.
Quang Vũ (TTXVN)