Người Việt Nam vẫn thường nhắc nhau: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” và: “Dù ai ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.
Gần một tháng qua, đồng bào ta đã có nhiều hoạt động thiết thực để hướng về ngày Quốc giỗ các đức tổ Hùng Vương. Đặc biệt, với lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân các vua Hùng, Đảng bộ và nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã rước linh khí “đất, nước, lửa” từ Đền Hùng (Phú Thọ) vượt qua hàng nghìn km để mang về làm lễ an vị Quốc Tổ ngay tại thành phố mang tên Bác. Vạn ngả đường đều hướng về một đường đất Tổ. Muôn trái tim Việt luôn hướng về ngày Quốc giỗ Hùng Vương. Nét đẹp văn hóa đó đã lan tỏa, thấm sâu vào người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Phần đông nhân dân ta chưa giàu có, thậm chí một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, song luôn dành tình cảm sâu nặng đối với tổ tiên. Cả nước hiện có 1.417 di tích thờ các vua Hùng và các nhân vật ở thời đại Hùng Vương. Đó là “con số biết nói” thể hiện lòng ngưỡng mộ, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập quốc, đặt nền móng cho sự hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam. Không giống với bất cứ một tôn giáo nào, việc tôn thờ, tưởng nhớ các vua Hùng là xuất phát từ đạo lý “Chim có tổ, người có tông, cây có cội, sông có nguồn”, dân tộc có chung một vị Quốc Tổ. Bởi thế, tất cả người Việt Nam thuộc mọi thành phần, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, giới tính, tuổi tác... đều hướng về ngày 10-3 âm lịch hằng năm là ngày Quốc giỗ Đức Tổ Hùng Vương. Mấy năm trở lại đây, kiều bào ta về tham dự lễ giỗ Quốc Tổ ngày càng đông. Tình cảm “hướng cội, nhớ nguồn” của con Lạc cháu Hồng trên khắp năm châu bốn biển ngày càng tha thiết, sâu đậm. Hiểu quá khứ để biết hiện tại và hướng tới tương lai là phương thức tồn tại của mỗi quốc gia dân tộc. Nhưng với người Việt Nam, trở về nguồn cội không chỉ là ý thức tâm linh sâu xa, mà còn là niềm thương, nỗi nhớ da diết. Vì ai cũng thấm thía rằng, dòng chảy hiện tại êm đềm là do mạch nguồn của quá khứ khai thông.
Sức mạnh nguồn cội là sức mạnh nội lực có sức sống vượt thời gian. Điều đó đã được thực tế chứng minh, kiểm nghiệm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhờ phát huy sức mạnh nguồn cội mà hạt nhân là tinh thần đoàn kết cộng đồng và lòng yêu nước, thương nòi sâu sắc, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi thiên tai địch họa để giữ gìn vẹn toàn non sông gấm vóc mà tổ tiên để lại. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, khi vấn đề dân tộc đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” của thế giới, thì việc gắn kết và khai thác, phát huy sức mạnh truyền thống đã được kết tinh từ hàng nghìn đời nay của đồng bào 54 dân tộc anh em để khẳng định cốt cách, diện mạo dân tộc và giữ được “mình là ai” càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặt khác, trước những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch và các phần tử phản động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chúng ta càng phải tăng cường bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần gắn bó cộng đồng cho mọi người dân. Đồng thời, biết khơi dậy tình cảm thiêng liêng từ những trái tim mang dòng máu Lạc Hồng để tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trọng người hiền tài, quý tình thân ái đồng bào, biết “cầu đồng tồn dị”, nhân lên sức mạnh của hơn 86 triệu người Việt Nam và gần 3 triệu Việt kiều thành sức mạnh “dời non lấp biển”, là chúng ta đã và đang khơi đúng mạch nguồn tương lai sáng sủa, tiền đồ tốt đẹp của dân tộc./.
(Nguyễn Văn Hải/QĐND)