Thứ Hai, 16/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 17/8/2009 22:29'(GMT+7)

Bác Hồ - Nhà kiến trúc nền tự do của nhân dân Việt Nam

Trong tuyển tập này có nhiều bài viết về Bác Hồ của các nhà hoạt động chính trị, hoạt động văn hóa - nghệ thuật - báo chí... nổi tiếng thế giới. Trong số đó có bài "Bác Hồ - nhà kiến trúc nền tự do của nhân dân Việt Nam" của đồng chí Giôn Gôn-lan, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Anh đã đăng trên báo "Sao Mai" ("Morning Star") ở London ngày 5-9-1969 - ngay sau khi Bác Hồ vừa đi xa ba ngày. Chúng tôi xin dịch nguyên văn bài viết đó.

Những cuộc gặp gỡ và đàm thoại với Hồ Chí Minh đối với tôi là không thể nào quên. Ðây quả thật là một con người vĩ đại, mặc dù trong hành vi của Người không biểu lộ ra điều đó.

Mặc dầu ở cương vị mang trọng trách rất to lớn nhưng Người rất chân tình, thân ái; là con người có tinh lực sôi nổi, nhanh chóng khiến bạn có thiện cảm với Người.

Vóc người mảnh mai nhưng Người rất kiên định, trung thành vô hạn với dân tộc và đất nước mình, đầy tự hào vì quá khứ, nền văn hóa và lịch sử dân tộc.

Nếu cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ngày nay được công nhận là phong trào giải phóng dân tộc vĩ đại nhất của mọi thời đại thì người giáo dục, nuôi dưỡng nó chính là Hồ Chí Minh. Người đã động viên nhân dân mình, còn người dân thì yêu kính Người. Ðối với nhân dân, Người là Bác Hồ. Ðồng thời, Người cũng là một nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc đã giáo dục sâu sắc nhân dân mình về tinh thần đoàn kết quốc tế.

Lần đầu tiên tôi gặp Người ở Mát-xcơ-va năm 1960 tại Hội nghị của các Ðảng Cộng sản và Công nhân thế giới. Chúng tôi đã có cuộc tọa đàm rất sôi nổi. Ðiều quan tâm to lớn nhất của Người là sự thống nhất của phong trào cộng sản thế giới.

Năm 1965 tại Hà Nội bị tàn phá do chiến tranh, tôi cùng với Bin A-lếch-xan-đơ và Giôn Ma-khôn đã gặp Người, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng và tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó Bác Hồ vẫn rất sôi nổi, thậm chí là vui đùa hóm hỉnh.

Những tàn phá to lớn nặng nề do chiến tranh xâm lược của Mỹ gây ra đã dày vò Người, nhưng Bác Hồ vẫn luôn có cái nhìn sáng suốt, lạc quan - điều mà chúng tôi đã nhìn thấy ở bà Nguyễn Thị Bình (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) trong thời gian bà tới Luân Ðôn, bởi vì bà tin tưởng vào chiến thắng.

Ngồi vào bàn ăn, Hồ Chí Minh trông thật linh hoạt, nói năng sinh động và hóm hỉnh, còn các chiến hữu Việt Nam của Người thì luôn luôn cười vui trước sự tinh tế của Người.

Chưa có một dân tộc nào đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc như nhân dân Việt Nam: trung thành nhưng không cuồng tín, mảnh mai nhưng bất khuất, khát khao hòa bình nhưng quyết tâm tiến hành chiến tranh giải phóng. Bác Hồ là hiện thân của tất cả những đặc tính đó, là biểu tượng tuyệt vời về Việt Nam. Ðồng thời, Người là nhà cách mạng - người cộng sản kiệt xuất, nhà lý luận, quả là con người vĩ đại mà tên tuổi mãi mãi ghi trong lịch sử.

Tôi tin rằng các chiến hữu của Người, Ðảng do Người sáng lập và nhân dân bách chiến bách thắng vĩ đại của Người sẽ hoàn thành sự nghiệp của cuộc đời Bác Hồ: nước Việt Nam là của người Việt Nam.

Tất cả cuộc đời của Người hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng.

Từ năm 18 tuổi cho tới lúc qua đời, Người tích cực tham gia phong trào lật đổ chủ nghĩa thực dân Pháp ở Ðông Dương, trong công cuộc xây dựng một xã hội mới, dân chủ, xã hội chủ nghĩa, còn vào những năm cuối cùng - lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống lại đất nước Người.

Thời trẻ, Người đã đi khắp thế giới với danh nghĩa người thủy thủ, tới nhiều đất nước, đã tai nghe mắt thấy rằng, trong thế giới tư bản, những phụ nữ và đàn ông bình thường, những công nhân và nông dân bị đói khổ vì ách áp bức và bóc lột cũng như người dân ở đất nước mình. Người đã thấy rằng tất cả họ có một kẻ thù chung và sự thống nhất và đoàn kết là cần thiết trong cuộc đấu tranh chung của họ vì giải phóng và phát triển xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã tác động sâu sắc tới Người. Cùng với những người Mác-xít của Pháp, năm 1920, Người đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp. Năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Người, các nhóm cộng sản ở đất nước Người đã được thống nhất lại và thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự chủ trì của Người, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ra lời kêu gọi lịch sử nhằm thành lập một Liên minh độc lập của Việt Nam, đó là Mặt trận Việt Minh nổi tiếng trên thế giới. Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập và Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước. Trong những tài liệu được công bố về sự kiện lịch sử này đã chỉ ra rằng: Tất cả cuộc đời của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tấm gương tuyệt vời cho việc một người cộng sản cần phải làm việc như thế nào.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh thể hiện lòng tin không lay chuyển vào nhân dân, vào khả năng của những người đàn ông và phụ nữ, công nhân và nông dân, thanh niên và sinh viên khắc phục những trở lực to lớn, giữ được lòng dũng cảm và trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng trước thế lực to lớn của một cường quốc đế quốc trên thế giới.

Hồ Chí Minh là một trong các nhà sáng tạo lịch sử hiện đại. Sự lãnh đạo của Người đối với cuộc đấu tranh của nhân dân không những có tác dụng quyết định tới lịch sử Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến tiến trình chuyển biến thời cuộc trên thế giới. Các chiến sĩ đấu tranh vì tự do, chống lại chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân mới, theo tấm gương Việt Nam, ngày nay họ tin rằng có thể giành chiến thắng. Hàng triệu người đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam đã biết rằng, chủ nghĩa đế quốc là thế lực xâm lược và đe dọa hòa bình thế giới, điều mà họ thiết tha mong muốn.

Những thành tựu của Việt Nam đem lại niềm tin cho nhân dân của các quốc gia độc lập non trẻ, rằng, họ có thể khắc phục được hậu quả nặng nề do sự áp bức bóc lột của thực dân gây ra.

Ðối với thanh niên và sinh viên, cuộc đời và sự nghiệp phục vụ nhân dân của Người trở thành tấm gương động viên mạnh mẽ trong những thử thách chính trị sắp tới. Tất cả những người cộng sản khắp nơi đều được tấm gương của Người cổ vũ. Người là hiện thân của tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta. Ở Người, kết tinh người chiến sĩ cách mạng trung thành, nhà yêu nước, người theo chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa quốc tế.

Nhân dân Việt Nam tiếc thương vị lãnh tụ của mình, người sáng lập Nhà nước và phong trào cách mạng của họ. Nhưng với người Việt Nam, lễ tang sẽ được tổ chức không phải là buồn đau không lối thoát, mà là niềm tự hào và quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược của Mỹ.

Họ sẽ đạt được hòa bình, khôi phục lại đất nước, sẽ xây dựng một xã hội dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên toàn Việt Nam. Và đó sẽ trở thành Ðài kỷ niệm sống, tưởng nhớ người con vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Chúng tôi tỏ lòng tôn kính người cộng sản vĩ đại đã vĩnh biệt chúng ta và xin thề sẽ tiếp tục nỗ lực góp sức vào cuộc đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam./.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất