Thứ Bảy, 23/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Sáu, 15/2/2013 10:25'(GMT+7)

Sức xuân trên đảo trẻ

 

Bạch Long Vĩ còn được gọi là đảo Thanh niên. Đảo Thanh niên được dựng xây và bảo vệ bởi bàn tay khối óc của bao thế hệ quân, dân và của lực lượng thanh niên xung phong. Huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập theo Nghị định số 15/CP ngày 09/12/1992 của Chính phủ. Đảo có diện tích đất tự nhiên không lớn nhưng có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển, quốc phòng an ninh. Ngày 27/7/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 397/TTg phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật tổng thể xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện phát triển kinh tế - quốc phòng - xã hội toàn diện, một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Huyện đảo hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Đường giao thông rộng, dài bừng sáng bởi những ngọn đèn cao áp. Ngõ, xóm tấp nập, nhiều nhà kiên cố mọc lên san sát. Trẻ em không còn ngạc nhiên trước những chiếc ô tô chạy qua đường…Bí thư huyện ủy Bạch Long Vĩ Bùi Đức Quang cho hay: Các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện đảo trong năm 2012 đều vượt kế hoạch. Phát huy thế mạnh trở thành “pháo đài tiền tiêu của Tổ quốc”, góp phần thực hiện chiến lược biển Việt Nam, huyện xác định mục tiêu xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng; gắn kết kinh tế đảo với kinh tế biển. Với điều kiện ngư trường rộng lớn, có nhiều loại thuỷ sản quý do thiên nhiên ban tặng, Bạch Long Vĩ chọn thế mạnh, mũi nhọn kinh tế là thuỷ sản và phát triển dịch vụ. Đảm bảo sau năm 2015, có một số phân ngành dịch vụ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong khu vực và quốc tế (dịch vụ hàng hải, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, y học biển, tài chính). Bạch Long Vĩ còn hội đủ điều kiện của một quần đảo du lịch trong tương lai với thế mạnh du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Góp phần tạo nên sức hấp dẫn của huyện đảo, Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều dự án, chương trình cụ thể. Vào đầu năm 2013 này, Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng sẽ khởi công xây dựng dự án hồ chứa nước ngọt dung tích 60.000 m3 trên đảo Bạch Long Vĩ (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư gần 188,2 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đảm bảo đáp ứng nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt của 500 người dân trên đảo; đồng thời góp phần quan trọng trong việc khuyến khích người dân ra đảo định cư và đánh bắt thuỷ sản xa bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược Biển Đông đến năm 2020.

Cuối năm 2012, Dự án hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng mô hình trình diễn, sản xuất cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ chính thức đưa vào hoạt động, nhằm bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Dự án được Tổng cục thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm. Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng là đối tác thi công và thực hiện Dự án với Viện nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Việc đưa trại sản xuất giống bào ngư tại Bạch Long Vĩ vào hoạt động không những cung cấp nguồn giống tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho cư dân huyện đảo mà còn tạo nguồn giống bào ngư cung cấp cho các địa phương khác và phục vụ xuất khẩu.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, an ninh quốc phòng ở Bạch Long Vĩ cũng được củng cố vững chắc. Và, càng vững chắc hơn thế khi toàn bộ biển trời được bảo vệ bằng tinh thần bất khuất của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong. Sức mạnh của đảo tiếp tục được nhân lên khi ngay trong ngày đầu xuân mới 2013 đảo đón thêm 5 hộ gia đình từ đất liền tình nguyện ra đây lập nghiệp. Các hộ dân được thành phố Hải Phòng hỗ trợ nhà ở lâu dài và lương thực phục vụ sinh hoạt trong 1 năm. Mỗi căn hộ có tổng diện tích là 200m2, trong đó diện tích xây dựng nhà ở hơn 40m2, công trình phụ 30m2, diện tích còn lại phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Anh Đinh Văn Hiếu (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) xúc động: Xác định ra đảo là góp phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ bình yên biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc; đồng thời phát huy và làm giàu bằng nghề truyền thống của gia đình, khai thác, chế biến thủy sản...

Vẫn biết phía trước còn không ít khó khăn nhưng những công dân mới của đảo, những người con của đảo và những chiến sĩ, thanh niên xung phong không ai lùi bước. Họ luôn sát cánh cùng nhau để dựng xây cuộc sống mới; kiên cường vượt qua mọi thử thách để bảo vệ biển trời vùng Đông Bắc của Tổ quốc... Cảm nhận một mùa xuân Quý Tỵ thật ấm áp nơi đảo xa. Mùa xuân bình yên trong thế trận lòng dân./.

Đoàn Minh Huệ/TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất