Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 12/4/2014 21:2'(GMT+7)

Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TH)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TH)

Ngày 12-4, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng ngoài công lập đã tổ chức Hội thảo Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam.  Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Lê Viết Khuyến (Ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học thuộc Hiệp hội) đã đưa ra 5 xu hướng trong giáo dục đại học trên thế giới hiện nay là: Đại chúng hóa, phổ cập hóa, quốc tế hóa, đa dạng hóa, thị trường hóa, phi tập trung hóa (quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội). Để đánh giá chất lượng giáo dục đại học cũng cần 4 tiêu chí: Công bằng, chất lượng, hiệu quả, thống nhất. Ông cũng nhận định, hiện  nay, các chính sách, đường lối giáo dục của Việt Nam rất phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, nhưng điều quan trọng là làm như thế nào, triển khai, thực hiện các chính sách như thế nào để chuẩn hóa theo xu hướng của thế giới. Ông cũng cho biết, phần lớn học sinh của Việt Nam thường tốt nghiệp trung học phổ thông rồi học lên cao đẳng, đại học. Sự phân luồng hầu như là không có, dẫn tới sự chênh lệch trong cơ cấu trình độ của lực lượng lao động. Nếu cứ theo đà này mục tiêu tới năm 2020 đất nước sẽ khó trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bàn về khung chương trình đại học, Nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương cũng bày tỏ, hiện tại khung chương trình đại học chúng ta đang thừa, như vậy là lãng phí thời gian của thanh niên. Theo ông, điều quan trọng là nền giáo dục cần phải song hành với nền kinh tế. Nền kinh tế đòi hỏi nguồn nhân lực như thế nào thì sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực đó, linh hoạt trong từng giai đoạn. Nhà nước cũng cần có chính sách đối với từng ngành nghề để thu hút, hấp dẫn nguồn nhân lực.

GS. TSKH Nguyễn Minh Đường lại đưa ra kiến nghị, dù có tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam như thế nào cũng cần đảm bảo các nguyên tắc: Hệ thống giáo dục phải đảm bảo là hệ thống của dân, do dân và vì dân; đảm bảo được tính dân tộc và tính hiện đại; đảm bảo được sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi con người, phát triển nhân lực quốc gia để phát triển đất nước; bảo đảm được tính học suốt đời; đảm bảo tính chỉnh thể của hệ thống; đảm bảo tính tương thích của hệ thống chuẩn quốc tế và hội nhập. Theo ông, cần tiến tới một hệ thống giáo dục quốc dân.

 
 Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TH)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lại cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, với mỗi trường ĐH, CĐ, cần xác định rõ vị trí của từng loại trường, mục tiêu cụ thể, từ đó xây dựng chương trình đào tạo như thế nào, yêu cầu trường đó làm nhiệm vụ gì chứ không đơn giản là phác họa hệ thống đại học chung chung. Điều quan trọng, cấp thiết trước mắt là xem xét lại chi phí đào tạo đã hợp lý chưa.

Các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội thảo cũng đã đưa ra khuyến nghị nhằm tái cấu trúc hệ thống đào tạo nguồn nhân lực như: Đổi tên Trung cấp nghề thành Trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo, bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội), vừa có nghề thành thạo. Chuyển đổi các trường Trung cấp chuyên nghiệp theo 2 hướng: cao đẳng thực hành hoặc trung học nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường TH nghề. Quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp - ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trng điểm. Các trường địa phương và trường của các Bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương.

Bên cạnh đó, cũng cần ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục. Khẩn trương xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập.  Từng bước sáp nhận một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường ĐH trọng điểm để hình thành các trường ĐH trọng điểm, hình thành các ĐH theo hướng nghiên cứu. Xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn trực thuộc Trung ương. Tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng/đại học cộng đồng. Củng cố và nâng cao năng lực cho hai đại học mở, chủ yếu triển khai phương thức đào tạo từ xa. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học căn cứ dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn địa phương.

Trước đó, trong Hội nghị tổng kết mô hình 20 năm giáo dục ngoài công lập Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “đặt hàng” cho Hiệp hội một số vấn đề liên quan tới tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Phó Thủ tướng cũng đã đánh giá cao sự tâm huyết của toàn bộ hệ thống ngoài công lập trong thời gian vừa qua.

Bảo Châu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất