19g hôm nay, 24-3 (tức 28-2 Âm lịch), lễ tế Đàn Xã Tắc - một trong những lễ lớn và có tầm quan trọng dưới thời phong kiến nhà Nguyễn - được tái hiện theo nghi thức truyền thống (được truyền hình trực tiếp trên sóng HTVT - Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế).
Nhằm tái diễn lễ tế Đàn Xã Tắc theo đúng nghi thức xưa, 500 diễn viên đã tham gia với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi tượng, cờ phướn và voi ngựa hộ tống. Để thu hút du khách và người dân tham dự, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã biên soạn và xuất bản 2.000 tờ gấp bằng tiếng Việt và tiếng Anh; phối hợp với Sở VH-TT-DL cho xây dựng 9 bảng giới thiệu tại khu vực Ngọ Môn, hai bên cầu Phú Xuân, Nhà hát Trung tâm TP. Huế, nhà ga, sân bay Phú Bài…
Đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời vua Gia Long vào tháng 4-1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lễ tế Đàn Xã Tắc được xếp vào hàng “đại tự”, cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ.
Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khôi phục lễ tế Đàn Xã Tắc để phục vụ các kỳ Festival Huế. Tuy nhiên, trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử nên từ sau năm 1975, Đàn Xã Tắc đã trở thành phế tích, dấu tích còn lại chỉ vẻn vẹn một tấm bia “Thái Xã Chi Thần”.
Việc trùng tu nguyên vẹn, tổ chức lễ tế Đàn Xã Tắc theo nghi thức truyền thống được xem là minh chứng rõ nét nhất trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc
* Sau gần 5 năm thi công, công trình bảo tồn tu bổ phục hồi cửa Chánh Tây (với tổng kinh phí đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong dịp lễ tế đàn Xã tắc vào tối 24-3.
|
Cửa Chánh Tây vừa hoàn thành trùng tu |
Đây là công trình có kiến trúc truyền thống, là hạng mục quan trọng trong các địa điểm tham quan du lịch của kinh thành Huế.
Được biết, cửa Chánh Tây là một trong 9 cửa của kinh thành Huế được xây dựng vào năm 1829, năm 1968 cửa Chánh Tây đã bị chiến tranh tàn phá đến mức hầu như hư hỏng hoàn toàn./.
(Theo: SGGP)