ĐỀ CAO VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NGƯỜI DÂN
Năm 2011, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Tam Đảo chung sức xây dựng nông thôn mới” và tổ chức cho 8 xã ký kết giao ước thi đua. Đây là huyện có xuất phát điểm tương đối thấp với số tiêu chí bình quân chỉ đạt 4,5 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khoảng 9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhu cầu nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí là rất lớn, trong khi thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... sự đóng góp của nhân dân hạn chế. Hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu sự đồng bộ, không đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường,...
Trước thực tế đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm trong việc xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã cụ thể hóa ban hành nhiều văn bản, quyết định, kế hoạch quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tại các buổi giao ban lãnh đạo huyện, các đồng chí được phân công phụ trách các xã tiến hành rà soát, đánh giá lại đối với từng tiêu chí cụ thể, tiêu chí nào đạt, tiêu chí nào chưa đạt, giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể và thời gian hoàn thành từng tiêu chí đối với từng xã với phương châm “tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau ”.
“Nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tổ chức cấp phát 450 cuốn tài liệu tuyên truyền về chương trình này; phát trên 18.000 tờ rơi đến từng cán bộ, đảng viên và từng hộ dân. Song song với đó, 9 hội nghị tuyên truyền về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức cho 800 lượt đối tượng là các các đồng chí bí thư các chi bộ trực thuộc đảng bộ các xã, lãnh đạo mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở, trưởng thôn… Phối hợp với đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục tuyên truyền; phản ánh kết quả của các thôn, xã trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác tuyên truyền, các tập thể và cá nhân từ huyện đến cơ sở đã nắm được nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới để tổ chức thực hiện.
Trong tuyên truyền, chúng tôi luôn nhất quán quan điểm đề cao vai trò chủ thể của người dân. Có như vậy, cán bộ và nhân dân mới có cách nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn về bản chất, nội dung, phương châm, bước đi, cách làm nông thôn mới” - Đồng chí Nguyễn Hồng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự năng động của chính quyền, sự tích cực vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần làm chủ của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện được triển khai tích cực đem lại hiệu quả cao.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhiều nguồn lực trong dân được phát huy, không những đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, nhiều gia đình còn hiến ruộng, hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi. Những người con Tam Đảo sống xa quê cũng đã quyên góp ủng hộ địa phương xây dựng, tôn tạo các công trình văn hóa, giao thông. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của toàn huyện là: 957.846,73 triệu đồng. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 39.858,8 triệu đồng (trong đó, tiền mặt là 9.696.6 triệu đồng; hiến đất: 170.731,4m2, tương đương 25.899,5 triệu đồng; góp công lao động: 22.214 công, quy đổi là 4.262,7 triệu đồng). |
Sau 8 năm triển khai xây dựng, đến nay, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã có 8/8 xã đều đã cán đích nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch.
Toàn huyện có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%. Gần 76% hộ dân sử dụng nước sạch và trên 94,5% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Trên địa bàn huyện có 2 lò đốt rác đi vào hoạt động, xử lý đáng kể lượng rác thải ra mỗi ngày. Hằng năm, trên 91% lao động được giải quyết việc làm, trong đó, trên 32% lao động qua đào tạo. Số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 4,63% năm 2018. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo.
Một trong điểm mới là Tam Đảo đã xây dựngTrung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao khang trang, hoạt động hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã làm 28 cụm panô tuyên truyền khổ lớn, treo 150 phướn, 300 pano trên hệ thống đèn chiếu sáng từ trung tâm huyện đến Khu danh thắng Tây Thiên; 220 băng rôn treo tại trung tâm huyện và dọc các tuyến đường chính, cắm 600 lượt cờ hồng kỳ tại trụ sở Huyện ủy, UBND huyện và dọc Quốc lộ 2B mới từ Ngã tư Kim Long đến Trung tâm; tổ chức đi tuyên truyền lưu động được 18 buổi; tuyên truyền trên các bảng điện tử của huyện 2 lượt/ngày.
DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN GIÁM SÁT, DÂN HƯỞNG THỤ
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hồng Hiệp cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở rất quan trọng
“Muốn thực hiện có kết quả tốt nhất, phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, nhất là vai trò, trách nhiệm tổ chức chỉ đạo cách làm nông thôn mới của người đứng đầu”.
Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, cần tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm với vai trò thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát với việc thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. - Đồng chí Nguyễn Hồng Hiệp khẳng định.
Trên cơ sở Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, các địa phương ưu tiên dành nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế, phát triển sản xuất, điện chiếu sáng và các công trình công cộng... Huyện khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có quy mô hợp lý, hợp đồng liên kết sản xuất để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, các khu chăn nuôi tập trung gắn với sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch; chú trọng phát triển kinh tế hộ, trang trại, thành lập Hợp tác xã, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hiệp nhấn mạnh, đó là những bài học kinh nghiệm quý báu của Tam Đảo trong xây dựng nông thôn mới. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
ĐẠT NÔNG THÔN MỚI BỀN VỮNG
Từ nay đến năm 2020, Tam Đảo đặt mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo quy định và yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đạt huyện nông thôn mới bền vững.
Mục tiêu: 60% số xã trên địa bàn huyện đạt nông thôn mới bền vững, phấn đấu có từ 1 - 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Giá trị sản xuất bình quân đầu người là 57-61 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 3,5%.
|
Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Hồng Hiệp cho biết, trong thời gian tới, Tam Đảo nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo, tổ công tác chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; gắn trách nhiệm của từng thành viên với kết quả thực hiện các tiêu chí thuộc ngành mình, địa phương mình phụ trách; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; kịp thời tuyên truyền và biểu dương những địa phương làm tốt, những kinh nghiệm hay và những cá nhân tiêu biểu.
Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là cán bộ xã, Tam Đảo sẽ phối hợp để tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức và tổ chức học tập kinh nghiệm, cách thức xây dựng nông thôn mới cho các bộ các cấp theo những hình thức phù hợp và hiệu quả.
Một trong những giải pháp quan trọng và thiết thực trong xây dựng nông thôn mới ở Tam Đảo là tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có quy mô hợp lý, hợp đồng liên kết sản xuất để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Tiếp tục mở rộng, phát triển các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, các khu chăn nuôi tập trung gắn với sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc trưng phục vụ du lịch.
Vận động và khuyến khích các gia đình nông thôn xây dựng các công trình vệ sinh thiết yếu bảo đảm phục vụ sản xuất và đời sống như nhà vệ sinh, nhà tắm, nước sạch, hầm biogas. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân cải tạo vườn để có cảnh quan đẹp và tăng thu nhập; sửa sang cổng ngõ, tường rao, khuôn viên gia đình gọn gàng, khang trang; định kỳ tổ chức vệ sinh môi trường nông thôn.
Phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở kỹ thuật, lựa chọn, ưu tiên những hạng mục cơ bản như: trường học, giao thông, thủy lợi, nước sạch. Trong đó, ưu tiên đầu tư công trình ở nông thôn gắn với phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo kế hoạch.
Về Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hôm nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn trở nên khang trang hơn; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị - an ninh trật tự được giữ vững ổn định. Đó là những kết quả tích cực đạt được trong thực hiện phong trào thi đua “Tam Đảo chung sức xây dựng nông thôn mới” và tạo tiền đề để Tam Đảo xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thu Hằng