Ngày 20/8, tại thành phố Huế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XH) tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng chống tệ nạn xã hội khu vực phía Bắc trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 và định hướng công tác năm 2013.
Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB &XH, chủ trì Hội nghị, cho biết: Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người vẫn diễn biễn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng, sản xuất trái phép ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp gia tăng nhanh. Số người nghiện tăng cao; công tác quản lý cai nghiện, sau cai nghiện hiệu quả thấp. Hoạt động mại dâm ngày càng kín đáo, tinh vi, hình thành các tụ điểm nhỏ gần với cơ sở kinh doanh dịch vụ các khu du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đồ Sơn (Hải Phòng), Cửa Lò (Nghệ An)…ước tính đến nay cả nước có khoảng 30.000 người bán dâm. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán phụ nữ và bắt cóc trẻ em cũng rất nghiêm trọng ở khu vực cửa khẩu, biên giới. Cụ thể, tại khu vực cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc, 6 tháng đầu năm, lực lượng Biên phòng đã bắt giữ và xử lí 133 vụ với 158 đối tượng, giải cứu 177 nạn nhân trong đó có 16 trẻ em. Còn tại khu vực biên giới Tây Nam giáp ranh với Campuchia, có khoảng 200 phụ nữ Việt Nam liên quan đến hoạt động mại dâm ở 47 casino và 35 trường gà khu vực ngoại biên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tiếp cận được đến nhóm người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; công tác phối hợp giữa các cơ quan tại địa bàn giáp ranh cấp tỉnh, và cấp quốc gia còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế; công tác quản lí cấp phép cơ sở kinh doanh còn chồng chéo về chức năng; đề án tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về vẫn chưa được phê duyệt; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu...
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, các địa phương cần tiến hành thống kê số đối tượng bán dâm hiện đang chữa trị, giáo dục tại các trung tâm để có phương án hỗ trợ; tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng chống mại dâm cho phù hợp thức tế, đặc biệt sẽ đề xuất bổ sung tội danh “tổ chức hoạt động mại dâm” và “bảo kê cho hoạt động mại dâm” vào Bộ luật Hình sự; xây dựng chính sách; hỗ trợ người bán dâm tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ xã hội tái hoà nhập cộng đồng. Mặt khác, Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình cai nghiện hiệu quả tại gia đình, cộng đồng và quản lí sau cai nghiện gắn kết với các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; xây dựng một số mô hình cai nghiện bằng methadone; tăng cường tuyên truyền cho nhóm dân số nguy cơ cao về tác hại của ma tuý, cho nhóm người nghiện mà tuý và gia đình họ../.
(TTXVN)