Đề án tuyển sinh riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội với các bài thi đánh giá năng lực nhận được sự đánh giá khá cao của các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng các trường đại học, nhất là sau khi kỳ thi thử nghiệm tại trường này mang lại kết quả khả quan.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến băn khoăn về các vấn đề như đề thi, các yếu tố kỹ thuật đi kèm và tính pháp lý của kỳ thi nếu nhiều trường muốn dùng chung kết quả này.
Phương án khả thi
Phương án thi của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm hai bài thi trắc nghiệm trên máy tính: bài thi đánh giá năng lực tổng hợp và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Bài thi đánh giá năng lực gồm khoảng 140 câu hỏi trắc nghiệm thuộc các lĩnh vực toán, văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, trong đó môn toán và văn là bắt buộc, thí sinh tự chọn một trong hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Tùy theo ngành học, thí sinh sẽ làm thêm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt về lĩnh vực tương ứng.
Phương án này đã được Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng thử nghiệm vào ngày 10 và 11 tháng Chín với các tân sinh viên của trường để tuyển vào hệ đào tạo tài năng và chất lượng cao. Kỳ thi đã nhận được sự đánh giá rất tốt từ thí sinh và kết quả có tính chính xác khá cao khi những thí sinh điểm cao trong kỳ thi này cũng tương ứng với những em đã đạt điểm cao trong kỳ thi đại học “ba chung” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, với bài thi đánh giá năng lực chung có thể dùng kết hợp để xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh. Các trường đại học, cao đẳng có thể dùng kết quả của các bài thi này làm cơ sở xét tuyển vào trường mình.
Phương án thi của Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ lãnh đạo các trường đại học.
Giáo sư Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất thích phương án này, trường cũng đã nghĩ đến nhưng chưa làm được. Có thể trong năm đầu tiên, các trường đại học nhóm trên thỏa thuận với nhau để thực hiện, khi làm tốt thì có thể nhân rộng.”
Cùng quan điểm này, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng Đoàn Quang Vinh cho biết: “Chúng tôi ủng hộ và sẽ cùng tham gia các công tác như tổ chức thi, sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.”
Giáo sư Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng đánh giá rất cao đề án này. Theo ông Long, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị phương án thi rất bài bản. “Các nhược điểm của việc tổ chức cũng không quá khó khắc phục khi với học sinh miền núi có thể tạo điều kiện cho các em làm quen trước, việc thi trên máy tính cũng thuận lợi nếu có sự vào cuộc hỗ trợ của các nhà kinh doanh mạng internet,” ông Long nói.
Giáo sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tuy mẫu học sinh trong đợt thi thử vừa qua ở Đại học Quốc gia Hà Nội chưa lớn nhưng kết quả rất tốt và cho thấy có thể dùng kết quả kỳ thi này để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vẫn nhiều băn khoăn
Tuy đánh giá cao phương án thi mới này nhưng cũng vì đây là phương thức thi hoàn toàn mới ở Việt Nam nên lãnh đạo các trường đại học có rất nhiều băn khoăn, nhất là các vấn đề liên quan đến đề thi, tổ chức thi…
Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa bày tỏ: “Chúng tôi có những thắc mắc về bảo mật đề thi. Có 4.500 câu hỏi thì có bao nhiêu bộ đề thi? Các câu hỏi đánh giá năng lực tư duy như thế nào? Chi phí của học sinh và của các trường khi muốn sử dụng kết quả kỳ thi này?”
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng băn khoăn: “Hiện tại giáo viên phổ thông có chú ý đến giáo dục phát triển năng lực nhưng thực chất vẫn nặng về truyền thụ kiến thức. Đề yêu cầu đánh giá năng lực thì học sinh đáp ứng được đến mức độ nào?”
Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Đoàn Quang Vinh tuy khẳng định sẽ tham gia kỳ thi nhưng cũng lo lắng: “Tôi thấy cần trao đổi thêm nhiều vấn đề như đề thi liệu có đúng là đánh giá năng lực học sinh hay cũng chỉ là kiểm tra kiến thức bình thường? Đề thi tích hợp thì độ khó, dễ thế nào? Kết quả thí điểm rất tốt nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội mới thí điểm trên thí sinh đã đỗ vào trường, nếu mở rộng đại trà để xét tốt nghiệp trung học phổ thông thì sợ không được như thế. Do thi trên máy nên phải thi nhiều đợt, đề thi của các đợt liệu độ khó có tương đương?”
Cũng theo ông Vinh, nếu chỉ dùng riêng cho Đại học Quốc gia Hà Nội thì trường có quyền tự quyết, nhưng để dùng chung cho một nhóm trường thì cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép và có quy chế cụ thể.
Trước băn khoăn của các trường, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường sẽ tổ chức một buổi riêng với lãnh đạo các trường đại học để có thể giải đáp một cách cụ thể, chi tiết các băn khoăn, thắc mắc của từng trường./.
Theo
Vietnam+