Thứ Hai, 23/12/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 28/9/2014 15:2'(GMT+7)

Tổ chức chu đáo "Tuần lễ học tập suốt đời"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, phản ánh những hoạt động chuẩn bị cho tổ chức khai mạc “Tuần lễ học tập suốt đời” năm 2014, được diễn ra từ ngày 29-9 đến 5-10-2014, trên địa bàn cả nước. Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về ý nghĩa của việc học tập suốt đời, qua đó góp phần xây dựng xã hội học tập và tạo ra cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi cùng tham gia học tập. Đặc biệt, với những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn trong khuôn khổ của hoạt động này, hứa hẹn sẽ giúp cho người dân cập nhật, bổ sung được nhiều kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống xã hội và công việc chuyên môn của mỗi người.

Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học. Truyền thống đó được hình thành, hun đúc, tiếp nối và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử. Việc tự học và học tập suốt đời là một trong những luận điểm xuyên suốt của Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo. Bác Hồ từng nói: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Chính Bác Hồ là tấm gương sáng về sự tự học tập. Chúng ta đều biết, những tháng năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác đã từng vừa lao động kiếm sống, vừa tự học, tự nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể tới việc kiên trì tự học ngoại ngữ. Tự học mà Bác đã biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ. Chính tư tưởng học tập suốt đời, tự giác học tập mà Bác đã dẫn dắt nhân dân ta từng bước đi lên, giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giáo dục và đào tạo được xác định vừa là quyền cơ bản của con người, vừa là chìa khóa để phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người. Mục tiêu và cũng là giải pháp mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới cũng là xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân. Để góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước thì tự bản thân mỗi người đều phải không ngừng ra sức học tập, không chỉ ở nhà trường mà còn ở mọi nơi, mọi thời điểm.

Thực tế hiện nay, mỗi năm nước ta có hàng triệu người thất nghiệp, trong đó, tỷ lệ người có trình độ cao đẳng, đại học là khá lớn. Mặc dù vậy nhưng vẫn tồn tại một nghịch lý đó là nước ta vẫn đang phải nhập khẩu một lượng không nhỏ công nhân, lao động kỹ thuật có tay nghề cao từ nước ngoài vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở trong nước. Điều đó chứng tỏ, bên cạnh những bất cập trong công tác hoạch định chính sách của ngành giáo dục, còn có nguyên nhân là do chất lượng và tay nghề của người lao động trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi người lao động thiếu tinh thần tự học.

Để hoạt động của “Tuần lễ học tập suốt đời” năm 2014 thực sự ý nghĩa, đạt được hiệu quả thiết thực như mong muốn, cần phải có sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, với những phương pháp tổ chức, triển khai phù hợp với từng vùng, miền, từng địa phương và từng đối tượng trong xã hội. Cần tránh những hoạt động mang tính phô trương, hình thức, gây tốn kém, lãng phí thời gian và tiền bạc mà hiệu quả không cao./.

(QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất