Đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc đã nhấn mạnh như vậy tại lễ khai mạc Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới Việt Nam - Lào được tổ chức sáng 12/6 tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng hơn 400 già làng, trưởng bản, người có uy tín cao của các huyện miền núi biên giới của Thanh Hóa như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát...
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: "Khu vực biên giới là địa bàn chiến lược, quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, những năm qua đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhiều mặt, song so với các khu vực khác, khu vực biên giới còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Để việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân vùng biên giới, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín là hết sức quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công của chương trình; hơn lúc nào hết, các trưởng bản, người có uy tín ở các thôn, bản biên giới; đội ngũ cán bộ các xã khu vực biên giới; cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng; các đội liên ngành khu vực biên giới càng phải cố gắng phát huy nhiều hơn nữa vai trò, vị thế, trách nhiệm của mình trong công tác biên giới; cùng với nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về biên giới".
Đồng chí Trương Minh Tuấn cũng đề nghị các vị đại biểu cần xác định thật rõ ràng, đầy đủ việc bảo vệ, giữ gìn từng cột mốc, từng km đường biên là công việc quan trọng không phải chỉ của Trung ương, của tỉnh, của huyện, của xã, của cán bộ mà là công việc của chính thôn bản mình, của gia đình và của chính bản thân mình. Từ đó, mong các già làng, trưởng bản thường xuyên trao đổi với bà con thôn bản, bà con trong xã, trong huyện về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biên giới Việt Nam - Lào; động viên con em, bà con thân thuộc và người dân trong thôn bản chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý biên giới của nhà nước ta.
Bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về biên giới quốc gia, tại hội nghị lần này, các vấn đề như: tập trung xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; công tác Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc địa phương và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc cũng được các đại biểu thảo luận.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo viên đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào và công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới giữa hai nước; nghe lãnh đạo Bộ Truyền thông thông tin thông báo về Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo giai đoạn 2012-2015; nghe lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông báo về tình hình an ninh biên giới Việt Nam - Lào và kết quả vận động quần chúng của bộ đội Biên phòng, những vấn đề đặt ra với chính quyền và nhân dân khu vực biên giới./.
Việt Nam có chung đường biên giới trên đất
liền với Lào là 2.067 km. Đường biên giới đi qua 10 tỉnh của Việt Nam,
bắt đầu ở phía Bắc là xã A Pa Chải - huyện Mường Nhé - Điện Biên và cuối
cùng là xã Bờ Y - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kom Tum và cùng tiếp giáp với
10 tỉnh của Lào. Phần lớn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào đều đi
qua đỉnh hoặc triền núi và qua rừng rậm nhiệt đới, so với mặt nước biển
nơi thấp nhất vào khoảng 300 mét, cao nhất và khoảng 2.7000 mét; khu vực
các cửa khẩu có độ cao trung bình 500 mét, có nơi cao trên 1.000 mét.
Địa hình hiểm trở, chia cắt; giữa hai nước có những dãy núi cao hình
thành một đường biên giới tự nhiên, phía Bắc từ A Pa Chải trở xuống là
dãy Pu Xam Sẩu, phía Nam từ Thanh Hóa trở vào là dãy Trường Sơn. |
Tuấn Đạt