Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 19/1/2011 8:54'(GMT+7)

Tăng trưởng kinh tế hài hoà với tiến bộ và công bằng xã hội

Tất yếu phải tái cơ cấu DNNN

Tất yếu phải tái cơ cấu DNNN

Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020  xác định: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường”.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội XI  được các đại biểu quan tâm thảo lụân nhằm tìm ra hướng đi bền vững cho nền kinh tế nước ta trong 10 năm tới.

Vấn đề phát triển nhanh và bền vững đã được nói đến từ Đại hội X (2006 – 2010), với mục tiêu tổng quát là “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người”. Với định hướng như vậy, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 khoảng 1.200 USD, vượt ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn.

Đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu nổi bật, trẻ em được quan tâm bảo vệ, chăm sóc; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 33,8% xuống còn dưới 18%. Tuổi thọ bình quân tăng từ 67 lên 72 tuổi. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên, 62% dân số được bảo hiểm y tế. Bình đẳng giới có nhiều tiến bộ, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và giữ các vị trí trong hệ thống chính trị ngày càng cao.

Tuy nhiên, thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; lãng phí, thất thoát nhiều; Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thật hợp lý và tiết kiệm, lạm phát còn cao…

Đại biểu Nguyễn Văn Nên, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh cho rằng để kinh tế tăng trưởng bền vững, chúng ta phải đổi mới hơn nữa cách vận hành nền kinh tế đi đôi với thực hiện 3 vấn đề: Thứ nhất phải phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đáp ứng đà tăng trưởng, thứ 2 là đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực cho bộ máy và nguồn lao động chất lượng cao, thứ 3 là phải đẩy mạnh cải cách hành chính một cách toàn diện.

Nhiều đại biểu cho rằng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tất yếu phải tái cơ cấu DNNN, hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, để DNNN làm tốt vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. Trong điều hành và quản lý doanh nghiệp, Chính phủ chỉ nên là người “cầm lái” chứ không “chèo thuyền”. Để khắc phục tình trạng có tới một phần tư DNNN làm ăn thua lỗ hoặc lợi nhuận dưới 5% và gần một nửa số doanh nghiệp lợi nhuận dưới 10%, đòi hỏi Nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý về đầu tư, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước của các doanh nghịêp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự chủ, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh theo pháp luật. Trên cơ sở hiệu quả kinh doanh, Chính phủ có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng để “bệnh quá nặng rồi mới mang đi cứu chữa”.

Đại biểu Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nói: “Trong Dự thảo Chiến lược đã nêu 3 đột phá, tôi cho rằng đột phá nào cũng quan trọng cả. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề thể chế. Nếu chúng ta xây dựng được thể chế cụ thể, bộ máy Nhà nước có đầy đủ trình độ năng lực để điều hành đất nước, cộng với thể chế và chính sách cán bộ hợp lý thì chắc chắn trong 5 năm tới, chúng ta có thể làm thay đổi đất nước”.

Về vấn đề đầu tư phát triển, nhiều đại biểu cho rằng, cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả như hiện nay. Chính phủ cần xác định sản phẩm chủ lực, tỉ trọng đóng góp vào nền kinh tế quốc dân, tiềm năng phát triển trong tương lai để phân bổ nguồn lực hợp lý, đầu tư theo chiều sâu, đầu tư có trọng điểm. Ví dụ như ngành dầu khí, thuỷ sản, công nghiệp, du lịch…

Đại biểu Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi kiến nghị: “Cần phải xem công nghiệp lọc hoá đầu là ngành công nghiệp mới nhưng nhiều tiềm năng, cần được ưu tiên. Phải hình thành những trung tâm công nghiệp lọc hoá dầu của quốc gia mà Dung Quất là một trong những vùng như vậy. Tiếp tục phát huy cơ sở lọc hoá dầu hiện có, phát triển nó lên, kêu gọi đầu tư thêm những trung tâm lọc hoá dầu mới”. 

Tại Đại hội XI, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến khẳng định tính đặc trưng của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển bền vững kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo chính sách an sinh, quan tâm đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, vai trò điều tiết của Nhà nước đối với nguồn thu nhập của các thành phần kinh tế là rất quan trọng. Làm sao đảm bảo khoảng cách giàu nghèo ngày càng thu hẹp lại.

Đại biểu Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai cho rằng: “Một xã hội phát triển nếu khoảng cách giữa 10% người giàu nhất với 10% người nghèo nhất mà giãn ra là bất bình đẳng. Nhưng nếu không giãn ra, bằng nhau thì xã hội không phát triển. Vấn đề là chấp nhận ở mức độ nào. Khoảng cách ấy không phải là tiền bạc mà là khoảng cách về tấm lòng. Cho nên nếu nghệ thuật xử lý thuế thu nhập cá nhân của Chính phủ tốt thì sẽ làm cho người giàu thấy tự hào vì họ có đóng góp cho xã hội, người nghèo cũng đỡ phải căng thẳng hơn với người giàu, xem người giàu là đẳng cấp đối lập, bóc lột”.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trình Đại hội Đảng XI xác định: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân 7 - 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 – 3.200 USD vào năm 2020; Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả; Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; Tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Những trăn trở của các đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần thứ XI cũng chính là để nền kinh tế nước ta tăng trưởng bền vững như mục tiêu mà Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới đã đề ra./.

Vân Thiêng - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất