|
Lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Dân |
Còn nhiều bất cập
Báo cáo “Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về GDQP-AN” do Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội nêu rõ: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác GDQP-AN giai đoạn 2001-2011 trong cả nước còn bộc lộ một số yếu kém, bất cập. Đội ngũ giảng viên, giáo viên GDQP-AN thiếu và yếu. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác GDQP-AN chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông Lê Văn Chính, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam nêu ví dụ: Tỉnh Quảng Nam hiện chỉ có 3/208 giáo viên GDQP-AN được đào tạo chính quy. Hầu hết giáo viên GDQP-AN hiện nay đều kiêm nhiệm. Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên thể dục, giáo dục công dân, phụ trách thư viện tham gia dạy giáo dục quốc phòng còn khá phổ biến. Có trường có tới 1.500 học sinh nhưng chỉ có một giáo viên nên bị quá tải, không có thời gian chuẩn bị giáo án. Hằng năm, Bộ Quốc phòng cử cán bộ, sĩ quan làm công tác biệt phái tham gia giảng dạy cho các đối tượng sinh viên. Tuy nhiên, do số lượng cán bộ, sĩ quan có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy cho gần 4 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Tháng 8-2012, Bộ GD-ĐT bắt đầu giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 giáo viên GDQP-AN cho 5 trường đại học, nhưng do đây là lần đầu thực hiện nên Bộ chỉ giao số lượng hạn chế. Như vậy, tình trạng thiếu giáo viên GDQP-AN được đào tạo chính quy sẽ vẫn còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Theo phản ánh của các địa phương, ngân sách bố trí cho công tác GDQP-AN chỉ bảo đảm khoảng 70% nhu cầu tối thiểu. Tại nhiều trường, học sinh, sinh viên phải học chay do thiếu nhà đa năng, thiếu thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng. Nội dung giáo trình, sách giáo khoa còn trùng lặp và chưa sát với thực tiễn, các trang thiết bị như súng tập, máy bắn dễ bị hư hỏng, không có phụ tùng thay thế, thiếu chính xác...
Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn tới những hạn chế, bất cập trong công tác GDQP-AN là do chúng ta thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ đối với công tác này. Thời gian qua, công tác GDQP-AN đang được điều chỉnh bởi một số bộ luật như: Luật Quốc phòng, Luật Giáo dục, Luật An ninh quốc gia, Luật Viên chức và Nghị định của Chính phủ. Chính vì chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật khác nhau, giữa các văn bản pháp luật lại có nhiều nội dung chồng chéo, thậm chí chưa thống nhất, nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Tạo bước đột phá
Xuất phát từ yêu cầu khách quan về việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN, vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình số 212/TTr-CP về dự án Luật GDQP-AN. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 42 điều. Theo Trung tướng Hoàng Châu Sơn, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu), việc xây dựng Luật GDQP-AN sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý nhà nước, làm cơ sở để xây dựng nguồn nhân lực, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác GDQP-AN thời gian qua và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Bên cạnh những quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của công dân về GDQP-AN, dự thảo Luật có nhiều nét mới đáng chú ý, nhất là việc mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN tới người quản lý ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hợp tác xã và các đối tượng đặc thù khác; quy định rõ việc đào tạo, bố trí và chế độ, quyền lợi cho đội ngũ giáo viên, giảng viên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về GDQP-AN… Đây là những nội dung mà các văn bản pháp luật trước đây chưa đề cập hoặc đề cập chưa rõ.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng: Nếu được thông qua trong kỳ họp tới của Quốc hội, Luật GDQP-AN sẽ trở thành động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác GDQP-AN nói riêng và sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân nói chung.
Vũ Đình Đông/Nhân Dân