Chủ Nhật, 22/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Hai, 24/9/2012 15:45'(GMT+7)

Triệt gốc cái nghèo

Yêu cầu của doanh nghiệp là chính đáng, chỉ có điều, những lao động mà lãnh đạo quận muốn gửi gắm hầu hết chưa học hết lớp 7, thậm chí, có người mù chữ. Vấn đề là làm sao giúp cho gần 4.500 thanh niên (trong độ tuổi 17-25), trong đó có 922 thanh niên mù chữ, để đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, cơ bản của nhà tuyển dụng?

Ngay sau đó, nghị quyết và kế hoạch về tổ chức lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được ban hành nhằm nâng cao trình độ, giúp cho các bạn có nhiều cơ hội việc làm hơn thay vì để như hiện nay, có nguy cơ thất nghiệp, lêu lổng chơi bời và sa vào tệ nạn xã hội. Mục tiêu trong năm 2012-2013 sẽ xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở cho 1.000 người, đến năm 2020, 100% thanh niên, kể cả người tạm trú sẽ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Với tinh thần không làm ào ào mà phải thực chất, đồng chí Đổng Thị Kim Vui, Bí thư Quận ủy quận 8, “mách nước” cho cán bộ trong quận: Hãy “đánh” vào chính cái lợi của người đi học, làm cho thanh niên hiểu rõ đây là lợi ích, cơ hội của các bạn - học không mất tiền, có trình độ, cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cũng mở rộng hơn. Thậm chí, khích tướng, nếu không học, sau này sẽ dạy con ra sao? Thuyết phục vận động các bậc cha mẹ, mình đã nghèo khổ vì dốt, chẳng lẽ để con mình tiếp tục bước vào “bẫy” nghèo?

Trong cách xóa mù cũng phải hết sức tâm lý, cứ âm thầm, tự nhiên “1 kèm 1” (một người có trình độ sẽ kèm một người chưa biết chữ) ngay tại chính gia đình, khu phố của người học. Sau khi xóa mù chữ, học sinh sẽ học phổ cập vào các buổi tối tại cơ sở giáo dục trong quận; còn ban đầu mà vận động các bạn thanh niên ra trung tâm học đánh vần là… “thua” ngay, xấu hổ rồi chẳng có ai đi học đâu.

“Lưu ý đặc biệt với những người ham học thực sự nhưng do hoàn cảnh khó khăn mà chưa đi học, quận sẽ huy động các quỹ vừa vực dậy kinh tế gia đình, vừa giúp các em đến trường. Với thầy cô giáo, để đáp ứng được “tiêu chuẩn” dạy xóa mù chữ, phổ cập, UBND quận sẽ trực tiếp trao đổi với từng thầy cô, chọn ra người chịu hy sinh, có tâm huyết thật sự, có phương pháp giáo dục sáng tạo, phù hợp với đối tượng lớn tuổi phải mưu sinh, không có điều kiện làm bài tập ở nhà vào ban ngày. Tốn kém lắm (khoảng 1 tỷ đồng/năm) nhưng không làm không được” – Bí thư Quận ủy quận 8 nhấn mạnh.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, vừa quyết liệt, vừa tình cảm, tin rằng sẽ đẩy lùi được cái dốt để đẩy lùi cái nghèo bền vững!./.

Đường Loan/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất