Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Bảy, 6/10/2012 17:19'(GMT+7)

Tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung: Bài học làm người và làm nghề

Tập thơ " Xem đêm" của Phùng Cung

Tập thơ " Xem đêm" của Phùng Cung

Năm nay, Hội đồng Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đã tìm được tác phẩm xứng đáng cho giải này, đó là tập thơ "Xem đêm" (tái bản năm 2012, sau 17 năm kể từ lần ra mắt đầu tiên - năm 1995) của cố nhà thơ Phùng Cung (1928-1997). Với "Xem đêm", Phùng Cung đã khiến người đọc phải ngỡ ngàng về "bài học làm nghề và làm người" mà ông lặng lẽ gửi gắm.

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi không nhiều bạn đọc biết tới Phùng Cung. Nhưng ở một góc độ nào đó, đây chính là điều mà các giải thưởng phải chạm tới, tức tìm kiếm và vinh danh những tài năng xứng đáng còn chưa phát lộ trước số đông.

Nhà thơ Phùng Cung tham gia cách mạng từ năm 1945, lên Chiến khu Việt Bắc và tham gia công tác văn nghệ ở đây từ năm 1949. Cuộc đời ông trải qua nhiều trầm luân, khổ sở nhưng như nhận định của Hội Nhà văn Hà Nội khi trao giải Thành tựu cho Phùng Cung, là thơ ông cho thấy một bài học làm nghề sâu sắc. Trong đó, ông nâng niu quý trọng từ ngữ, sử dụng nó một cách tài tình, luôn coi thơ như một sự trở về tĩnh tại của tâm hồn. Thơ ông cũng thể hiện một sức chịu đựng kỳ lạ của con người, sau những dồn nén, vật vã vẫn giữ vẹn nguyên sự nhân hậu để yêu mến cuộc đời này.

Bỏ phiếu cho tác phẩm của ông, Hội đồng Giải thưởng cũng nêu rõ: "Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê khi nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân".

Một điều mà bạn đọc dễ nhận thấy khi tiếp cận những bài thơ đa phần rất ngắn của Phùng Cung là ngôn ngữ dân gian sống động, tự nhiên, giàu cảm xúc. Bạn văn như Phùng Quán, Hoàng Cầm… rồi cả các nhà phê bình thì cho rằng trong thứ văn đẹp đẽ đó có rất nhiều từ cổ và vì lẽ đó tác phẩm này còn giống như một "tư liệu quý giá về đời sống và cả về ngôn ngữ nhân dân vùng trung du Bắc bộ trước đây". Điều này đem lại nét mới lạ cho bạn văn, nhưng cũng lại đòi hỏi người đọc không thể vội vàng khi bước vào thế giới thơ Phùng Cung. Đó là một nơi bát ngát cảnh thôn quê với "Con dế loanh quanh/Tìm lại tiếng mình đêm trước", có "Gió khách đến/Hoa lộc vừng hoạt bút/Mặt nước xanh đen/Vẽ - xóa - vẽ…". Rồi lại có cánh buồm: "Ai chuốc rượu/Cánh buồm say lảo đảo/Quanh quẩn quãng sông chiều/Quên nẻo ra khơi"; và "Trái ớt đầu cành nung lửa/Kẽ sân cái kiến gieo vừng"… hay "Cách cách" - giòn tan!/Con cào cào dội phách/Khoe cánh điều/Bay ngập nắng - bổ - cau"…

Nói như Phùng Quán khi tập thơ này ra mắt lần đầu năm 1995 thì bản thảo "Xem đêm" như "Hằng Nga ngủ trong rừng" nay được hoàng tử đánh thức. Thời điểm ấy, tập thơ này cũng được nhắc tới trên cả báo chí trong nước và nước ngoài. Bây giờ thì thêm một lần nữa, những người làm nghề đã ghi nhận những đóng góp của tài thơ Phùng Cung.

Việc tái bản tập "Xem đêm" (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam) có bổ sung có thể xem như đã có sự gặp gỡ may mắn với Giải Thành tựu của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng ngẫm lại, cũng thấy nhiều thiệt thòi. "Xem đêm" xuất hiện trở lại trong cái thời mà "thơ hay chen lẫn với thơ dở", người thật lòng tìm kiếm thơ thì ít mà gieo nỗi băn khoăn, nghi ngờ với thơ thì nhiều. Mấy ai tách mình ra để ngồi lại với một bài thơ hay, trong khi thơ ca chân chính chưa bao giờ thôi nồng nhiệt với cuộc đời này.

Đọc "Xem đêm", nghĩ thế, nhưng cũng lại thấy có gì không phải với sự lạc quan đến thanh thản của Phùng Cung!./.

(Theo: Thi Thi/HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất