Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 5/5/2011 9:17'(GMT+7)

Tập trung cải thiện tăng trưởng, kiềm chế nhập siêu

Tăng trưởng đang chịu tác động xấu

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 4 ước đạt 7,3 tỷ USD, giảm 2,0% so với tháng 3 và tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 1,8% so với tháng 3 nhưng tăng 30,2% so với tháng 4/2010.

Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay đã đạt 26,94 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 31,83 tỷ USD, tăng 29,1%. Mặc dù tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu cao hơn khá nhiều so với nhập khẩu, nhưng nhập siêu chưa được hạn chế.

Tổng cộng 4 tháng qua, nhập siêu đã vào khoảng 4,897 tỷ USD, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 5,9%, tương đương tăng thêm 271 triệu USD. Riêng tháng 4, nhập siêu ước khoảng 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 19,2% kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng: Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD/tháng, mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, không nên chủ quan và thỏa mãn trước kết quả đạt được. Thực tế, việc thực hiện chính sách chặt chẽ, thận trọng trong lĩnh vực tiền tệ và cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết trong lĩnh vực đầu tư; giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng; chi phí phục vụ sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu thụ của một số ngành.

Bộ trưởng lưu ý, từ tháng 5 trở đi, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng như tiêu thụ thị trường nội địa của các doanh nghiệp ít nhiều sẽ gặp trở ngại do giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng cao và  độ trễ của chính sách cũng như tác động của nền kinh tế thế giới.

Theo như số liệu 4 tháng vừa được công bố, trong 11 nhóm mặt hàng xuất khẩu tính được về lượng, có 4 mặt hàng giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính về giá, chỉ có gạo là giảm khoảng 6,7% so với cùng kỳ, còn lại 10 mặt hàng khác giá xuất khẩu bình quân tăng từ 3,9% đến 66,4%.

Trong khoảng 7,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, tăng giá đóng góp hơn 2 tỷ USD, còn lại là nguyên nhân tăng lượng.

Tuy nhiên, trong 13 mặt hàng nhập khẩu tính được về lượng, chỉ có 3 mặt hàng giảm từ 4,3-8,6%, trong khi 10 mặt hàng khác tăng từ 7,8-60%. Nếu chỉ xét về giá thì cả 13 mặt hàng đều tăng hơn cùng kỳ, bình quân 4 tháng tăng từ 7,7-99,5%. Trong khoảng 7,5 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 4 tháng qua, tăng giá góp thêm 2,42 tỷ USD.

Đáng chú ý, các mặt hàng nhập khẩu tăng giá đều liên quan đến đầu vào sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng có độ nhạy với nền kinh tế như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; hay các mặt hàng đầu vào xuất khẩu của Việt Nam như bông, sơ sợi dệt; đầu vào sản xuất như phân bón, chất dẻo, giấy…

Trong khi nhập khẩu máy móc, thiết bị được cho là nền tảng phát triển sản xuất, kim ngạch 4 tháng qua chỉ tăng 17%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng chung. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng tới 75,2%, xe máy nguyên chiếc tăng 16%, cho dù thuộc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: Nhập siêu đã ở mức báo động, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vẫn tăng, vì thế Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ giải pháp hạn chế nhập khẩu mặt hàng này. Đặc biệt, với thị trường trong nước, do lạm phát tăng nên cần tăng cường kiểm tra thị trường và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đảm bảo cung ứng điện, xăng

Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ Công Thương Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 4 ước đạt 71.600 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng ước đạt 270.500 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Về tình hình thị trường trong nước, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng, giá cả hàng hóa tăng cao làm thị trường nhiều biến động.

Giá xăng dầu thị trường trong nước cũng như trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và vận tải công cộng. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 4  ước đạt 153.900 tỷ đồng, chỉ tăng 1,8% so với tháng 3 nhưng tăng 23,0% so với tháng 4/2010; tính chung 4 tháng ước đạt 605.600 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Trước tin đồn thiếu hàng và tăng giá xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo- Tổng giám đốc Petrolimex-  khẳng định: Tổng công ty sẽ đảm bảo nguồn cung trong quý 2/2011. Trong thời gian qua, để đảm bảo nguồn hàng 4 tháng đầu năm, đơn vị này đã nhập 3,7 triệu m3 tấn xăng dầu, bằng 60% kim ngạch tối thiểu do Bộ Công Thương giao, dự trữ lưu thông đảm bảo ở mức 30 ngày.

Đến thời điểm này, Petrolimex đã ký hết hợp đồng cho quý 2, với lượng nhập khẩu là trên 5 triệu m3 tấn, đảm bảo 6 tháng đầu năm 2011 đủ nguồn hàng cho nhu cầu thị trường với mức tăng trưởng nhu cầu lên tới 17%.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý, hiện tại giá xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với Lào và Campuchia, nên vẫn có hiện tượng xăng dầu được vận chuyển lậu qua biên giới. Vì vậy, lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu để đảm bảo nguồn xăng dầu trong nước.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cuối tháng 4/2011, việc cung cấp điện góp phần quan trọng vào các mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội của ngành điện được đánh giá đã đáp ứng được yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong tháng 5 tiếp tục không tiết giảm điện. Vì thế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất, đồng thời,có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện, đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô năm nay..

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; nghiên cứu cải tiến khoa học công nghệ và sử dụng nguyên liệu hợp lý trong sản xuất; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt thị trường hiện có và thị trường tiềm năng; theo dõi sát biến động thị trường thế giới cũng như trong nước để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng những thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.../.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất