Thứ Năm, 21/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 22/11/2021 10:10'(GMT+7)

Chữa bệnh xa dân

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tiếp công dân là hình thức cụ thể hóa và hiện thực hóa tư tưởng "dân là gốc"; một kênh giao tiếp giữa cơ quan nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập... với nhân dân, đã được luật hóa. 

Thế nhưng, tại Hội nghị góp ý báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, số lượng ngày tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều đồng chí chỉ tiếp dân một, hai ngày. Thậm chí có đồng chí không tiếp dân ngày nào. Nhiều địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cấp phó, cấp dưới làm thay.  

Cán bộ cấp tỉnh không thực hiện đúng trách nhiệm, quy định trong tiếp công dân thì dưới huyện, xã cũng “học theo”. Đó là một bệnh của cán bộ-bệnh xa dân-một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Căn bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ phát tác nhiều căn bệnh khác, như quan liêu, cửa quyền, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nhân dân..., dẫn đến hậu quả là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với đội ngũ cán bộ, đảng viên bị giảm sút. 

Để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh xa dân, cần thấy những triệu chứng của bệnh. Đó chính là việc ngại tiếp xúc, ngại đối thoại trực tiếp với dân, đùn đẩy việc tiếp dân cho cấp dưới; làm việc dựa trên giấy tờ, báo cáo mà thiếu kiểm tra thực tế; không lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.

Hậu quả là các chủ trương, quyết sách của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị khi ban hành không hợp lòng dân, thậm chí sai trái, gây hậu quả cho nhân dân và xã hội.  

Đơn thuốc hiệu nghiệm để điều trị bệnh xa dân vẫn là phải tăng cường nhận thức, nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp công dân là trách nhiệm của cán bộ đã được pháp luật quy định. Mỗi cán bộ phải rèn luyện phương pháp, tác phong sâu sát, gần dân "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin".

Muốn thế, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, mẫu mực về đạo đức lối sống, vững về pháp luật, nghiệp vụ, có khả năng dân vận tốt; sắp xếp, bố trí thời gian tiếp công dân nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định.

Cùng với đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân của các cấp có thẩm quyền và quần chúng nhân dân để chấn chỉnh, xử lý kịp thời ở những địa phương, cơ quan, đơn vị, những cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ tiếp công dân nhưng không hoàn thành nhiệm vụ; lấy kết quả tiếp công dân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên...    

Để cán bộ thực sự là "công bộc của dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, không chỉ có “một ngày cho dân” mà cán bộ phải gần dân, sâu sát nhân dân, thường xuyên đi cơ sở, nắm chắc thực tiễn đời sống, lắng nghe ý kiến của nhân dân; làm cho chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước đến được với nhân dân, đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng được cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu, giải quyết thấu đáo.

Sơn Bình (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất