Thứ Bảy, 23/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 29/11/2021 0:39'(GMT+7)

Của thiên trả địa

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hai ông hưu trí ngồi nhàn đàm:

- Có những câu chuyện tự ngày xửa ngày xưa mà ý nghĩa của nó đến nay vẫn còn tính thời sự. Một trong những chuyện đó là “Của thiên trả địa”. Câu chuyện dân gian này đã được một nhà hát chèo có tiếng ở miền Bắc dàn dựng thành vở chèo truyền thống đặc sắc. Nhân vật chính của vở chèo là Trần Địa, vì lòng trắc ẩn, anh đã thương tình cứu người bị nạn giữa đường là Chu Thiên rồi nhận làm anh em kết nghĩa. Vốn bản tính thật thà, tốt bụng, Trần Địa đã chấp nhận mọi gian lao, vất vả để làm lụng kiếm tiền nuôi anh ăn học, thậm chí đã bán cả nhà cửa, ruộng vườn và phải đi bán mình ở đợ cho nhà chánh tổng độc ác để có 600 quan tiền đưa cho Chu Thiên về kinh ứng thí. Nhưng sau khi đỗ đạt về làng vinh quy bái tổ, Chu Thiên sớm vong ân bội nghĩa với người em nuôi Trần Địa. Không những thế, Chu Thiên còn mưu toan giết hại Trần Địa hòng cướp người bạn gái của anh là Ngọc Sương, nhưng hắn đã giết nhầm ông lái đò là bố đẻ Ngọc Sương. Tuy nhiên, cái ác không thể mãi tồn tại. Trần Địa chăm chỉ dùi mài kinh sử và đăng khoa. Quan Thái sư trong triều biết chuyện đứng ra xét xử, vạch rõ tội ác của Chu Thiên và đày hắn vào ngục thất, tịch thu của cải của tên chánh tổng chia cho dân nghèo. Còn Trần Địa được trao chức quan tri phủ. Câu chuyện kết thúc có hậu, phù hợp với luật nhân quả.

- Về mặt nội dung tư tưởng, câu chuyện “Của thiên trả địa” phê phán tệ tham quan ô lại, coi tiền bạc, quyền lực là trên hết mà quên cả tình người, đánh mất lương tri; đồng thời giáo dục con người biết sống hướng thiện, biết làm việc nhân nghĩa. 

- Thông điệp câu chuyện “Của thiên trả địa” là lời khuyên răn, nhắc nhở muôn người, muôn đời, đó là: Của trời rồi trả cho đất, ý nói là những thứ không phải của mình làm ra thì trước sau cũng không thuộc về mình. 

- Bao năm qua, câu chuyện “Của thiên trả địa” đã đi vào đời sống dân gian  tưởng như ai nấy đều biết, nhưng thực ra chả mấy người để ý, tỏ tường, thấu hiểu để làm bài học tự vấn, tự răn chính mình. 

- Vì không để ý, coi trọng lời răn dạy “Của thiên trả địa” của người xưa, mà thời nay, không ít quan chức, cỡ nhỏ như “quan xã”, cỡ vừa như “quan huyện”, cỡ lớn như “quan tỉnh”, cỡ bự như quan “muôn dân biết mặt, cả nước biết tên” đã không từ bỏ bất cứ một âm mưu, tiểu xảo nào để tham ô, ăn hối lộ, hô biến của công thành của tư. 

- Cũng vì không thấu hiểu ý nghĩa sâu xa là “của trời”- trời là cái chung, là cái sở hữu bất khả xâm phạm của mọi người; mà trong quan niệm văn hóa tâm linh của người dân, “trời” cũng là bậc siêu nhiên, là đấng tối cao - tức là đại diện cho tính thiêng, cho nên ai mà đụng vào “trời” coi như phạm thượng, phạm húy. Do đó, ai cả gan đụng của trời, ăn bớt, ăn cắp “của trời” thì trước sau cũng sẽ bị trời trừng phạt. 

- Dân gian còn có câu “Bàn tay không che nổi mặt trời”, thường được hiểu là một việc làm, một hành vi vụng trộm, dối trá, xấu xa dù có được ngụy trang đến mấy thì cũng khó có thể che lấp được ánh sáng quang minh chính đại phủ khắp thế gian như ánh sáng của mặt trời soi rọi bốn phương.

- Khi nói đến trời, chắc hẳn chúng ta không quên câu “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”. Đạo trời như lưới giăng khắp nơi mọi chốn, thế nên kẻ xấu, kẻ tham, kẻ ác khó lọt, khó thoát lắm. Theo triết lý của đạo lão, tất cả mọi vật trên thế giới đều phù hợp với một quy luật khách quan, mà quy luật khách quan này khống chế tất cả diễn biến thay đổi của vũ trụ. Do đó, những người nào, những sự vật nào vi phạm quy luật khách quan sẽ bị trừng phạt tương ứng. 

- Cổ nhân còn đúc kết “Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong”, tạm hiểu là “Người vì tham tiền mà chết, chim vì tham ăn mà mất mạng”. Thế nên, từ câu chuyện “Của thiên trả địa” người xưa truyền lại cho hậu thế, chúng ta càng thêm hiểu lẽ sống nhân nghĩa ở đời, đừng vì lợi lộc trước mắt mà đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm, sự nghiệp của chính mình. Đó còn là bài học đắt giá cho những ai từng có những năm tháng đứng trên đỉnh cao quyền lực nhưng bị xoáy vào vòng danh lợi mù quáng để rồi rơi vào thảm cảnh ngày đêm nhấm nháp, thấm thía nỗi đau “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Tham thì thâm. Không làm mà lại muốn ăn ngon, ăn lắm, hay nói như giới trẻ thời nay là “liều mới ăn được nhiều” thì sớm muộn cũng đến lúc “Của thiên trả địa”. Đó là luật nhân quả sòng phẳng, là lẽ công bằng ở đời!./.

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất