Thứ Hai, 7/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 31/12/2021 10:8'(GMT+7)

Sản xuất cho ai?

Xe chờ thông quan hàng hóa tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Xe chờ thông quan hàng hóa tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này đã được chỉ rõ, đó là do Trung Quốc siết chặt công tác kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thông quan.

Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất-nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã thẳng thắn nêu quan điểm, tình hình nêu trên còn do những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta: Sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu của thị trường...

Quả thực, vấn đề nêu trên không hề mới. Nó đã được phân tích, mổ xẻ và cũng đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải rất nhiều. Nhưng điều kỳ lạ là nó vẫn lặp lại. Vì thế, hầu như năm nào xã hội cũng phải rất nhiều lần chung tay vào cuộc “giải cứu” nông sản. Việc xã hội sẵn lòng “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn trước mắt rõ ràng là nghĩa cử đầy tính nhân văn, lấp lánh giá trị truyền thống nhân ái, đoàn kết rất đáng tự hào của dân tộc ta. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, nó cho thấy điểm yếu rất rõ ràng trong khâu tổ chức sản xuất nông sản, đúng như Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Để tránh hàng hóa nông, lâm, thủy sản lâm vào tình huống tiến chẳng được, thoái không xong như hàng nghìn xe đang ùn ứ ở khu vực cửa khẩu phía Bắc những ngày qua, cần phải có những “nhạc trưởng” giúp người dân trả lời được câu hỏi: "Sản xuất cho ai?". Nông dân muôn đời nay vẫn chỉ sản xuất nông, lâm, thủy sản theo tập quán, theo thói quen. Để họ thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất từ lạc hậu tiến lên hiện đại, theo kịp sự phát triển của trình độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp thế giới còn cực kỳ khó khăn, đòi hỏi họ phải tự mày mò tìm hiểu cả những kiến thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm, rõ ràng là đòi hỏi phi thực tế. “Nhạc trưởng” phải là các doanh nghiệp đầu mối, là các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các nhà quản lý, trong đó vai trò của các nhà quản lý là quan trọng nhất.

Trong trường hợp cụ thể nêu trên, khi các “nhạc trưởng” đã xác định giúp nông dân sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang Trung Quốc, thì phải thông tin được tới người dân mọi vấn đề liên quan (ở đây nhấn mạnh tới tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hữu quan), giúp người dân kịp “bẻ ghi” ngay khi thị trường hoặc “ngõ vào” thị trường Trung Quốc xuất hiện yếu tố bất lợi. Trước mắt, khi biết những yêu cầu khắt khe trong công tác phòng, chống dịch của nước bạn thì cần nhanh chóng triển khai giải pháp tương ứng, chẳng hạn mở một vùng đệm an toàn thích ứng với nguyên tắc "zero Covid" của nước bạn để bảo đảm việc thông thương ở khu vực cửa khẩu được diễn ra bình thường.

Người sản xuất nông, lâm, thủy sản ở nước ta tuyệt đại đa số là nông dân, rất ít nhà sản xuất nông sản là doanh nghiệp. Do vậy, quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp không thể giống như quản lý trong các lĩnh vực sản xuất khác. Nếu cứ đổ cho nông dân sản xuất mà không biết tuân theo quy luật thị trường thì quả là điều không hay!./.

Chiến Thắng (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất