CAO HƠN BẠC VÀNG, CHÂU BÁU
Vậy với mỗi cán bộ, đảng viên, đâu là giá trị cuộc sống? Đâu là điều làm nên hạnh phúc?
Đặt câu hỏi trên, có lẽ chúng ta nên trở về với lời căn dặn của Bác
Hồ: Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào
Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành
người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp.
Chúng ta cũng có thể tìm thấy lời giải cho những câu hỏi trên trong
phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn
quốc lần thứ 3 vừa được tổ chức ngày 24/11 vừa qua. Tổng Bí thư nhấn
mạnh: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của,
ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình
thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng...”.
Cũng trong bài phát biểu hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc
lại nhiều câu thơ, nhiều câu thành ngữ, tục ngữ đã được đúc kết thành
nét văn hóa, thành giá trị cuộc sống của người Việt Nam: "Thương người
như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách
nhiều"; "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "Kính lão đắc thọ";
"Kính già, già để tuổi cho"; "Anh em như thể chân tay"; "Kính trên
nhường dưới"; "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè
thuận bạn tát cạn biển Đông"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Thật thà
là cha quỷ quái"; "Tôn sư trọng đạo"; "Lời chào cao hơn mâm cỗ"; "Mua
danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê"
(bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thủy chung son
sắt (bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu năm 1954)...
Những nét văn hóa bình dị, thân thương ấy cao hơn bạc vàng, châu báu
và có lẽ cũng chính nó sẽ tạo ra hệ miễn dịch để chống tham ô, tham
nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nguồn gốc của mọi sự tham nhũng,
tiêu cực.
BÀI HỌC TỪ LỜI NGƯỜI NĂM ẤY
Lịch sử còn ghi câu chuyện về Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa,
người thanh niên yêu nước đã đi du học ở Pháp và trở thành kỹ sư của một
hãng chế tạo máy bay, kiếm rất nhiều tiền nhưng vẫn ấp ủ ước mơ chế tạo
vũ khí để đánh Pháp. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp, trong cuộc gặp gỡ
kiều bào Việt ở Pháp, Bác Hồ đã lắng nghe nguyện vọng của ông. Bác nói:
“Chú về nước chế tạo vũ khí, cách mạng sẽ rất cần. Nhưng trong nước khổ
lắm. Chú có chịu nổi không?”. Ông đã nhận vượt qua mọi gian khổ, đã từ
bỏ mức lương tương đương 20 lạng vàng một tháng để về Việt Nam theo cách
mạng với hành trang là 1 tấn sách. Sau này, những đóng góp của ông cho
ngành quân giới và công nghiệp quốc phòng Việt Nam vô cùng to lớn, góp
phần làm nên chiến thắng. Thế nhưng, ông sống vô cùng giản dị, chấp nhận
mọi kham khổ, chẳng có một đặc quyền đặc lợi nào. Ngày 30/4/1975, khi
Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, ông ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Đã hoàn
thành nhiệm vụ”. Hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân,
với ông đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời, như sau này ông đã trả
lời một nhà báo: "Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy
đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có
gì cả".
Ngày này 62 năm trước, ngày 9/12/1959, Bác Hồ viết bài “Tiêu chuẩn
của người đảng viên” đăng trên Báo Nhân Dân. Bài viết rất ngắn gọn, với 6
“gạch đầu dòng” nói lên 6 tiêu chuẩn của người đảng viên. Trong đó,
tiêu chuẩn thứ ba là “đặt lợi ích của Ðảng lên trên hết, trước hết. Biết
đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng”.
Như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, khi người đảng viên thực hiện đúng những
điều ấy thì họ sẽ tìm thấy hạnh phúc chân chính của mình.
Lịch sử còn ghi những dòng cảm động về Đội Việt Nam Tuyên truyền giải
phóng quân, tiền thân của Quân đội ta những ngày đầu thành lập. Nhận
thấy một trong những việc đầu tiên là đội cần có tiền để chi tiêu, lãnh
tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Vũ Anh là cán bộ tài chính của
Đảng, xuất 500 đồng làm quỹ chi tiêu cho đội. Thời điểm ấy, Đảng ta chưa
ra hoạt động công khai, 500 đồng là số tiền không nhỏ, có thể mua được
hơn 7 tấn thóc. Đồng chí Lộc Văn Lùng, người Tày, quê Lạng Sơn, tính
tình thật thà, chất phác, lại biết căn cơ, được giao quản lý số tiền 500
đồng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã nhận xét về người quản lý đầu
tiên như sau: “Coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ, chỉ
có một nguyện vọng là được trao lại nhiệm vụ quản lý cho một đồng chí
khác để trực tiếp cầm súng chiến đấu”.
Khoản chi đầu tiên của Quân đội ta là để mua một cái chảo, đủ nấu cơm
cho 34 người. Để tiết kiệm, đồng chí Lùng quyết định không mua chảo mới
mà vào bản người Tày mua một cái chảo cũ, người dân dùng để nấu thắng
cố, nhưng vẫn còn tốt. Khoản chi thứ hai của Quân đội ta là mua thuốc ký
ninh, do lúc bấy giờ, sốt rét đang hoành hành rất dữ dội... Một chi
tiết xúc động nữa là đồng chí Dương Mạc Thạch, chính trị viên đầu tiên
của đội đã phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu khi biết đội gặp rất nhiều
khó khăn về tài chính (chỉ được cấp 500 đồng bạc Đông Dương), đồng chí
đã đứng ra vận động một số người quyên góp ủng hộ và bàn bạc, vận động
gia đình mình ủng hộ đội số tiền rất lớn, lên tới 500 đồng mà không tính
toán thiệt hơn.
Hạnh phúc của những người thuộc hàng khai quốc công thần của đất
nước, của Quân đội ta ngày ấy là như thế. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh,
người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta vẫn luôn nhắc
nhở, căn dặn quân đội, lo lắng cái xấu, cái tiêu cực có thể xâm nhập vào
mỗi đơn vị. Người hiểu, tiền bạc, châu báu không làm nên giá trị và
hạnh phúc cho con người, thậm chí nó còn giết hại chính con người bởi
lòng tham vô đáy. Chúng ta đã nhiều lần nhắc đến nỗi trăn trở của Bác Hồ
trong đêm trắng trước vụ án Trần Dụ Châu, kẻ đã trả giá khi vơ đầy túi
tham trên sự thiếu thốn cùng cực của đồng bào, chiến sĩ.
Cuốn sách “Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ” do Nhà xuất bản Thanh
niên ấn hành năm 2006 còn ghi lại một câu chuyện đáng nhớ khác:
Có một lần Bác đến thăm và nói chuyện tại buổi lễ tổng kết lớp học
chính trị của bộ đội. Bác lấy ra một cuốn sổ nhỏ, rồi thong thả đọc rõ
những số liệu mà Bác đã tìm hiểu được của nhà trường. Sau khi đọc xong,
Bác nhắc nhở rằng ở đây chỉ có chừng này cán bộ mà đã lãng phí, tham ô
như vậy. Thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân mà cũng phạm khuyết điểm như
các chú thì thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân biết bao nhiêu? Sau
đó, Bác hỏi bao nhiêu chú đã có vợ con. Khoảng một phần ba giơ tay. Bác
chỉ một đồng chí cả hai lần đều giơ tay và nói:
- Bác hỏi thật chú, chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của vợ con chú không?
Đồng chí cán bộ nọ đứng lên thưa không làm điều đó. Chờ cho không khí
hội trường lắng xuống, Bác mới nhắc nhở điều thật thấm thía khi vì sao
có một số cán bộ thấy tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ vẫn
tìm cách đút túi.
Những lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị ngày hôm nay, nhất
là trong bối cảnh tác động của mặt trái thị trường, thời gian qua đã có
một số cán bộ trong LLVT sa ngã, bị xử lý theo kỷ luật của Đảng và pháp
luật Nhà nước.
ĐẶC QUYỀN ĐẶC LỢI VÀ SỰ ĐÁNH MẤT
Trong cuốn sách “Tính trước nguy cơ-suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản
Liên Xô mất Đảng” xuất bản năm 2017, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã
chỉ ra rằng: Nhiều học giả phương Tây, trong đó có David M.Kotz, cho
rằng, ngoài nguyên nhân lãnh đạo ra, sự theo đuổi lợi ích vật chất và
danh lợi là nguyên nhân quan trọng khiến giới tinh anh trí thức Liên Xô
biến chất nhanh chóng.
Sau này, khoảng cách thu nhập giữa cán bộ Đảng và Nhà nước với quần
chúng nhân dân lên tới hàng chục lần. Shevchenko - nhà ngoại giao cấp cao
của Liên Xô chạy trốn đến phương Tây-đã mô tả cuộc sống của tầng lớp đặc
quyền như sau: “Họ phê phán cách sống của tầng lớp tư sản, nhưng bản
thân lại một lòng một dạ chạy theo cách sống đó; họ chỉ trích chủ nghĩa
tiêu thụ là sự phản ánh của tư tưởng dung tục, là kết quả độc hại của
ảnh hưởng phương Tây, nhưng những người hưởng thụ đặc quyền lại hết sức
coi trọng việc hưởng thụ các đồ tiêu dùng và vật chất của phương Tây".
Dưới thời Gorbachev, cuốn sách của tác giả Boldin cho hay, ông này có
tài khoản ngân hàng cá nhân mấy triệu USD; xây dựng dinh thự ở nhiều
thắng cảnh lên tới hàng trăm triệu rúp... Một bản điều tra vào tháng
6/1991 cho thấy, trong đội ngũ cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Liên Xô,
76,7% đã nhận thấy nên đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, chỉ có 12,3%
ủng hộ cải cách dân chủ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, số người giữ thái
độ khẳng định đối với mô hình chủ nghĩa xã hội trước cải tổ chỉ có
9,6%.
Sự hình thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi, đề cao lối sống thực dụng,
chạy theo vật chất, văn minh phương Tây một cách mù quáng đã tạo ra hố
sâu ngăn sách giữa Đảng và quần chúng, là một nguyên nhân dẫn đến sự sụp
đổ của Liên Xô. Đặc quyền không làm nên giá trị, không để lại danh
thơm. Một ví dụ khác còn để lại bao điều suy nghĩ. Trong lịch sử Giải
Nobel Hòa bình, chỉ có duy nhất một trường hợp từ chối nhận là đồng chí
Lê Đức Thọ năm 1973. Cùng năm ấy, đối thủ của ông, ngoại trưởng Mỹ
Kissinger lại rất "tự hào" và vui vẻ nhận thưởng cùng một cơn bão chỉ
trích chưa từng có. Sau này, chính cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev cũng
nhận giải thưởng này. Có nhiều điều để so sánh và với ông Lê Đức Thọ,
trong thư gửi ban tổ chức, ông cũng nói Giải thưởng Nobel là một giải
thưởng lớn với thế giới, từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhưng tại sao ông không nhận? Đơn giản vì với ông, đó không phải là giá
trị cao nhất của cuộc sống, của con đường mà ông đang đi. Ủy ban giải đã
đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến
tranh và người tạo ra hòa bình. Với ông, hòa bình, độc lập, tự do, hạnh
phúc cho Tổ quốc, cho nhân dân mới là giá trị to lớn nhất.
Những câu chuyện đó sẽ mãi là những bài học thực tiễn sâu sắc để
chúng ta nhìn nhận, xây dựng bức trường thành phòng vệ từ xa, để không
đi vào bánh xe đổ khi đội ngũ cán bộ bị lòng ham muốn vật chất làm gục
ngã, không còn là công bộc của dân./.
Nguyễn Văn Minh (qdnd.vn)