Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 3/12/2010 22:42'(GMT+7)

Tết này lo… sốt giá

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán. Đây cũng là lúc thị trường bắt đầu “nóng” dần với những kế hoạch chuẩn bị hàng của tất cả các doanh nghiệp phục vụ Tết.

Năm nay, nỗi lo của người dân tập trung nhiều nhất vào giá các mặt hàng tiêu dùng khi chỉ trong tháng 11/2010, giá cả hàng hoá, nhất là thực phẩm cứ leo thang chưa thấy điểm dừng. Với đà tăng đó, nỗi lo về giá bị tăng thêm sẽ lớn hơn khi cận Tết. Người dân thì lo lắng, còn cơ quan quản lý đang “gánh” trên vai trách nhiệm quản lý và bình ổn giá.

Giá cả hàng hoá, nhất là lương thực cứ tăng đều đều trong 2 - 3 tháng trở lại đây khiến mọi gia đình đều lo lắng. Không lo lắng sao được khi đa phần người dân Việt Nam phải dành hơn 1/3 thu nhập của mình cho ăn uống và rất khó có thể cắt giảm khoản chi tiêu này.

Trong lúc thu nhập chưa mấy được cải thiện, lương, thưởng Tết chưa biết thế nào thì việc giá cả cứ tăng đều khiến người dân thêm thấp thỏm. Nỗi lo tăng giá dịp Tết còn lớn hơn khi chưa đến Tết mà một số mặt hàng không thuộc diện “sốt giá” dịp Tết như gạo, đường, gas… kéo nhau tăng giá.

Gas đang lập kỷ lục là mặt hàng tăng giá nhanh và mạnh nhất khi chỉ trong tháng 11/2010 đã tăng giá tới 3 lần, với tổng mức tăng 40.000 đ/bình. Hiện giá gas lẻ đã lên ngưỡng 320.000 đồng bình.

Giá gạo cũng khiến các bà nội trợ lo lắng vì đội giá từ 10 - 15% tuỳ từng loại… Một mặt hàng thiết yếu khác cũng đã tăng là đường. Giá đường bán lẻ hiện đã lên ngưỡng 24.000 đ/kg và chưa thấy dấu hiệu “giảm” dù có nhiều thông tin khẳng định cung vượt cầu. Đáng lo là đường tăng còn tác động dây chuyền đến mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát… phục vụ Tết. Sức nóng của những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng vì nhiều nguyên nhân khác sẽ còn lớn hơn.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương cho biết: “Cung hàng hoá sẽ không thiếu trong dịp Tết”. Hiện lượng gạo tồn kho khoảng 1 triệu tấn, cộng với thu hoạch trong tháng 11 và tháng 12, hoàn toàn đủ cho người dân tiêu dùng trong dịp Tết. Với mặt hàng rau, thực phẩm, thịt… cũng đã được chuẩn bị để có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu.

Tuy nhiên, thông tin trên cũng chỉ khiến người tiêu dùng tạm yên tâm một phần. Nói như thế bởi vài năm trước, dù thông báo là hàng hoá đủ cung ứng, nhưng thực tế khi không khí Tết tràn ngập, sức mua sắm tăng mạnh, bánh kẹo, bia, rượu, thịt, giò chả… vẫn cứ tăng bình quân từ 10 - 15%...

Hà Nội và TP HCM - mỗi thành phố đã chi ra khoảng 400 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp bình ổn giá. Tuy nhiên, với sức mua dịp Tết lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng của 2 thành phố tiêu dùng lớn nhất nước, thì số tiền mấy trăm tỷ đồng bình ổn giá chưa thể nói trước được điều gì. Trong khi đó, việc trữ hàng chuẩn bị Tết Tân Mão của các doanh nghiệp đang chịu sức ép tăng giá của tỷ giá tăng, giá vàng, giá USD…

Chỉ số giá tiêu dùng của tháng 11/2010 đã tăng 9,58% và dự báo mới nhất cả năm nay, chỉ số này có thể ở ngưỡng 2 con số. Ngoại từ các yếu tố khách quan, sự tăng giá cao thời gian qua có dấu hiệu “té nước theo mưa”, đã có tình trạng găm hàng, đầu cơ, thậm chí là loan tin thất thiệt về tình hình tài chính, tiền tệ, giá cả, nguồn hàng…

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong một chừng mực nào đó đã không kiểm soát và ngăn chặn kịp thời những hiện tượng này khiến công tác chỉ đạo của Chính phủ chưa được triển khai một cách hiệu quả.

Việc giảm sức nóng về giá đang cần sự can thiệp kiên quyết, dứt khoát và mạnh tay từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, không để thiếu hàng, sốt giá, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại… Đây cũng là tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Tân Mão và quý I/2011.

Với người dân, sẽ là chia sẻ và chung tay bình ổn giá với Chính phủ nếu có kế hoạch chi tiêu và mua sắm Tết hợp lý, hạn chế bớt tâm lý “no ba ngày Tết”, tránh tập trung mua vào thời điểm nhạy cảm quá như sát Tết./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất