Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 10/2/2013 20:32'(GMT+7)

Tết Việt Nam trong con mắt người nước ngoài

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chị Otsuka Masami (Nhật Bản)

Bánh chưng xanh đậm đà tết Việt

Đã đón tám cái Tết ở Việt Nam, điều làm chị Otsuka Masami, người Nhật Bản ấn tượng và ngạc nhiên nhất là chiếc bánh chưng. “Ở Nhật, đồ nếp thường không có màu nhưng chiếc bánh chưng Việt Nam có màu xanh rất đẹp”, chị nói.

Chị Masami cũng thấy một điều thú vị khác nữa, đó là khi ăn bánh chưng, người Việt Nam cắt bánh bằng chính dây buộc quanh bánh, miếng bánh đều nhau tám phần và không bị dính vào nhau như cắt bằng dao.

Bánh chưng được luộc lâu nên rất ngon và mềm. Ngoài việc có thể ăn ngay sau khi luộc, bánh chưng còn có thể chế biến theo cách khác là rán vàng, vỏ ngoài giòn giòn nhưng bên trong vẫn giữ được độ dẻo.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Chị Masami kể chị đã được nghe câu đối này từ một người bạn Việt Nam, “Bánh chưng, hành muối đúng là những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam khi tết đến và bánh chưng kết hợp với hành muối tạo ra vị tuyệt hơn rất nhiều”, chị Masami vui vẻ chia sẻ.

Chiếc bánh chưng của Việt Nam cũng khiến chị nhớ đến những cái tết ở quê hương Nhật Bản, bởi “ở Nhật vào mỗi dịp năm mới chúng tôi cũng có bánh gạo làm từ gạo nếp. Việt Nam và Nhật Bản đều có chung nền văn hóa lúa nước nên việc làm bánh từ gạo nếp với những ý nghĩa ẩn sâu trong đó cũng rất tương đồng”.

“Tôi sẽ dành thời gian để trải nghiệm thêm nhiều cái Tết nữa ở Việt Nam”, chị Masami cho biết.

Ấm áp tình thân

 

Anh Didier Corlou (Pháp), Chuyên gia cao cấp về ẩm thực Việt Nam.

 

Mười tám năm trước, khi đến Việt Nam lần đầu tiên, quang cảnh, không gian kiến trúc và món ăn của người Việt đã "mê hoặc" người đàn ông Pháp - Didier Corlou. “Ngay từ những ngày đầu tiên tôi đã có cảm giác yêu mến và muốn gắn bó với nơi này. Tôi đã kết hôn với  một người phụ nữ Việt Nam truyền thống”, ông Corlou nói.

Với ông Corlou, Tết cổ truyền là khoảng thời gian duy nhất mà Hà Nội thật yên tĩnh và vắng vẻ, khác hẳn với những ngày khác trong năm. Đặc biệt hơn nữa, đây là thời gian mà mọi người trong gia đình có thời gian gặp gỡ, thăm hỏi và chúc tụng nhau.

“Tôi thích không khí đầm ấm của gia đình khi không ai còn vướng bận chuyện công việc, học hành…

Ngày Tết ở Việt Nam còn gây ấn tượng đối với tôi bởi các món ăn truyền thống và mâm cỗ cúng. Ngày Tết, gia đình tôi cũng đầy đủ các món truyền thống như bánh chưng, giò chả, canh măng, thịt đông, gà luộc… Tôi rất yêu Hà Nội và sẽ gắn bó lâu dài với nơi đây”, ông chia sẻ.

 

Anh Gavan Iacono (Ôx-trây-lia), Tổng Giám đốc điều hành Language Link Việt Nam.

Ông Gavan Iacono (Australia) đã ở Việt Nam được 20 năm và giờ đây Việt Nam như quê hương thứ hai đối với ông. Quê vợ ông Iacono ở Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), mỗi khi Tết đến, họ thường dành thời gian đi khám phá cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam.

“Thật là tốt để các con tôi được biết về những điều đơn giản và có ý nghĩa trong cuộc sống khi chúng rời xa thành phố về vùng nông thôn Việt Nam. Tết cũng là thời gian để sắp xếp lại và gần gũi hơn với gia đình, tận hưởng giá trị của cuộc sống” ông Iacono tâm sự.

Thú vị và sum vầy

Ấn tượng về Tết Việt đối với anh Nathan Beyerlein là cảm giác gắn bó, liên kết tất cả mọi người trên mọi miền của đất nước.

 

Anh Nathan Beyerlein và vợ (Mỹ).

Anh Beyerlein cho biết: “Với tôi, mỗi năm tết đến lại mang đến một điều bất ngờ mới đầy thú vị. Mặc dù tôi và vợ tôi không có gia đình ở đây nhưng chúng tôi luôn cảm thấy như được đón Tết với gia đình mình.

Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng đi lễ chùa vào đêm tất niên và cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam tưởng nhớ về tổ tiên của họ, đó là sợi dây gắn kết mối liên hệ giữa quá khứ và thực tại, điều này thật kỳ diệu và thú vị.

Tết năm nay, tôi sẽ mời ai đó đến xông nhà với hy vọng họ sẽ mang đến may mắn, bình yên và tài lộc trong năm mới cho gia đình tôi”.

Nhớ về những cái Tết đầu tiên ở Việt Nam, ông Aoyama Manabu (Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam làm việc từ năm 1995, thành thật mà nói thì trong 2 năm đầu tiên ấn tượng về tết Việt Nam trong tôi không nhiều lắm. Các cửa hàng cũng đóng cửa, các hoạt động thường ngày hoàn toàn biến mất. Với một người ngoại quốc sống một mình, thì chắc chắn chẳng thế nào mà nói Tết là vui được”.

 

Anh Aoyama Manabu (Nhật Bản), Tổng GĐ Công ty TNHH Starts International Việt Nam.

 

Tuy nhiên, từ khi kết hôn và trở thành thành viên chính thức của một gia đình Việt, cảm nhận về Tết của ông Manabu đã hoàn toàn khác: “Tôi đã có thể thật lòng mà trả lời rằng Tết rất vui. Từ khi kết hôn cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ nếp cùng vợ về thăm quê, đi chúc tết các ông bà họ hàng lớn tuổi, đi tảo mộ. Chính việc được tiếp xúc với những con người như thế, nhận thức được bản thân mình và đón năm mới đã làm tôi thấy Tết trở nên thật sự có ý nghĩa”.

Điểm tương đồng về tết của 2 quốc gia Việt Nam, Nhật Bản, theo ông Manabu đó là văn hóa tặng tiền lì xì đầu năm.

“Ngày còn bé, tôi cũng đã rất háo hức khi được nhận tiền lì xì từ bố mẹ và những người lớn tuổi hơn. Ở Việt Nam mọi người trao tiền mừng tuổi kể cả các cháu nhỏ hàng xóm, ở Nhật thì hơi buồn vì mọi người hầu như không để ý đến những người hàng xóm xung quanh”, ông nói.

(Việt Nga/VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất