Năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng, chương trình sách giáo khoa phổ thông mà trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội. Kết quả giám sát cho thấy, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn thiên về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự hoc, chưa cân đối dạy kiến thức nghề nghiệp với giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, văn hóa, dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp. Một số nội dung thuộc môn học còn thiếu tính khả thi.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, nhấn mạnh, cần tổng kết nghiêm túc, sâu sắc việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để thực hiện sau 2015, khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
Các chuyên gia trong ngành giáo dục đã có những ý kiến tham vấn về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 nhằm củng cố và hoàn chỉnh các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, phục vụ việc dự thảo Nghị quyết mới này.
Phóng viên TCTG đã ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia trong ngành giáo dục.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: “Kéo dài thời gian học THCS sẽ gây nhiều xáo trộn”
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, tên gọi của Đề án cũng như Dự thảo Nghị quyết “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” nên đổi thành “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông” hoặc “Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa phổ thông”.
Về xác định số năm học giáo dục cơ bản, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta cơ bản giống hệ thống ở Pháp: 5 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông. Ở Mỹ có sự khác biệt giữa các bang, nhưng thời gian học tiểu học vẫn là 5 năm, 3 năm trung học cơ sở, 4 năm trung học phổ thông. Ở Vương quốc Anh, hệ thống giáo dục ở các vùng, lãnh thổ khác nhau, nhưng giáo dục cơ bản vẫn được thực hiện đến khi trẻ 16 tuổi. Hệ thống giáo dục ở Đức đã thể hiện được sự phân luồng mạnh. Sau học 6 năm tiểu học, học sinh được phân luồng vào 3 loại trường trung học chính là trường 6 năm dành cho học sinh có thành tích tốt; trường 5 năm dành cho học sinh có thành tích khá và trường 4 năm dành cho học sinh trung bình, học xong phổ thông để ra tham gia lao động hoặc vào trường nghề.
Dự thảo Đề án của Bộ Giáo dục và đào tạo có đề cập đến những việc cần giải quyết khi thực hiện phương án “Điều chỉnh lại quy định của Luật Giáo dục và cơ cấu lại số lượng giáo viên giữa 2 cấp học THCS và THPT”.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, việc sửa Luật không khó nhưng việc cơ cấu lại số giáo viên giữa THCS và THPT sẽ phức tạp. Bởi nó không chỉ liên quan đến chương trình đào tạo ở các trường ĐH, CĐ Sư phạm mà còn liên quan đến biên chế, chức danh, bậc lương của giáo viên và cơ sở vật chất của toàn bộ các trường THCS trên cả nước. Theo ông, việc thêm 1 năm cho THCS sẽ tạo rất nhiều xáo trộn, rất nhiều khó khăn và đề nghị Bộ cần xem xét về việc này. Ví dụ, việc kéo dài việc học THCS thêm 1 năm sẽ tạo thêm khó khăn về tài chính đối với những gia đình thu nhập thấp, mong con kết thúc sớm THCS để đi học nghề hoặc tham gia lao động giúp gia đình.
Việc khuyến khích biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, huy động lực lượng xã hội tham gia biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho người học và người dạy. Tuy nhiên, khả năng hạn chế những sai sót, nhất là trong sách giáo khoa môn Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân sẽ rất khó. Ở Hàn Quốc, tư nhân không được biên soạn sách giáo khoa môn khoa học xã hội và sách giáo khoa tiểu học.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, đổi mới giáo dục phổ thông thì việc trước tiên cần bàn là đổi mới hệ thống. Nhưng tới thời điểm này, khi chuẩn bị trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục & Đào tạo mới mang việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, không tránh khỏi giải quyết 2 việc đều không thấu đáo.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội): “Lưu ý tới đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học”
Về sắp xếp lại số năm học của mỗi cấp trong hệ thống giáo dục phổ thông, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan tán thành phương án giáo dục cơ bản thực hiện từ lớp 1 đến lớp 10. Giáo dục định hướng nghề nghiệp được thực hiện từ lớp 11 – lớp 12. Nên giữ giáo dục trung học cơ sở 4 năm như hiện nay và giáo dục tiểu học tăng lên 6 năm để cho học ngoại ngữ và tăng thêm thời gian cho chương trình toán.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cũng cho rằng, nội dung một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa là một vấn đề mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách khác.
Trong quá trình tổ chức, thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cũng lưu ý tới hai vấn đề là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bởi đây là hai yếu tố có vai trò quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công của chương trình mới. Hơn nữa, thực trạng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất nhà trường hiện nay cũng cần được đổi mới cho sự phát triển lâu dài của giáo dục phổ thông.
Vì vậy, cùng với Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan đề xuất, nên xây dựng đề án đổi mới công tác giáo dục, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên phổ thông và mỗi tỉnh nên xây dựng đề án nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho nhà trường. Việc bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho triển khai chương tình phổ thông mới nên tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và cần tổ chức một cách bài bản vì đa số giáo viên phổ thông hiện nay vẫn còn hạn chế trong thực hiện phương pháp dạy học tích cực.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác nhau, nhất là sách giáo khoa cho các vùng dân tộc thiểu số”
Bên cạnh yêu cầu tạo chuyển biến căn bản về chất lượng hiệu quả giáo dục, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến yêu cầu lưu ý tới công bằng xã hội trong giáo dục. Chính yêu cầu này bắt buộc việc thiết kế chương trình và sách giáo khoa phải chú ý tới các đặc trưng vùng miền, các học sinh có năng lực học tập khác nhau, các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Hơn nữa, bên cạnh nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, cần lưu ý tới nhiệm vụ gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chính nhiệm vụ vụ này buộc chuyển từ giáo dục nặng về về truyền thụ kiến thức sang giáo dục tập trung vào phát triển năng lực và phẩm chất người học.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho biết, hiện nay ở các nước đang phát triển, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục cơ sở là cấp bách. Cụ thể là, việc giúp học sinh làm chủ các kỹ năng cơ bản không nên kéo dài quá 8 năm. Chương trình giáo dục cơ sở và sau cơ sở cần chú trọng phát triển các kỹ năng đang ngày càng được thị trường lao động đòi hỏi, bao gồm các kỹ năng tư duy phê phán, giải quyết vấn đề , ứng xử, công nghệ thông tin.
Trên thực tế, phần lớn các hệ thống giáo dục hiện nay đang thiết kế theo hệ 9+3. Lớp 10 vẫn nằm ở trung học phổ thông và được coi là lớp quá độ, chuẩn bị tâm thế tốt cho học sinh trước khi bước vào phân hóa ở lớp 11, lớp 12.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần đánh giá thật kỹ tác động của việc chuyển đổi trường, lớp; tác động tới việc biến động trong cơ cấu đội ngũ giáo viên; tác động với việc thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020 theo quy định của Nghị quyết 29 (liệu ngân sách Nhà nước có cáng đáng nổi không, cần chú ý thêm phải phổ cập giáo dục mẫu 5 tuổi); tác động của quá nhiều cải cách trong giáo dục phổ thông quá nhiều một lúc.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng hoàn toàn nhất trí với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác nhau, nhất là sách giáo khoa cho các vùng dân tộc thiểu số. Bởi vì các nghiên cứu gần đây về phát triển giáo dục khu vực nông thông, có một khuyến nghị là rất cần sách giáo khoa cho khu vực nông thôn với định hướng rõ ràng là khuyến khích các em theo đuổi và phát triển nghề nông, nuôi tham vọng đổi mới nông thôn, tự tin lập nghiệp và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên mảnh đất quê hương.
TSKH. Phạm Nhật Tiến cũng nhấn mạnh việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải được đặt trong toàn bộ tiến trình, trong đó có giáo dục mầm non cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo cho mọi học sinh có bước khởi đầu tốt và công bằng; giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên cần có đổi mới tương ứng để kế thừa và phát huy những năng lực mà học sinh đã có sau khi hoàn thành giáo dục cơ bản hoặc giáo dục phổ thông.
Bảo Long (ghi lại)