Thứ Năm, 26/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 31/8/2014 11:49'(GMT+7)

Thận trọng trong giao quyền tự chủ

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sự thành công của những mô hình thí điểm này là cơ sở để Chính phủ mạnh dạn mở rộng thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập, tạo động lực thúc đẩy các trường đại học phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, 4 trường đại học công lập được chọn thí điểm giao quyền tự chủ đều thuộc tốp đầu trong giáo dục đại học của cả nước. Do đó, việc giao quyền tự chủ và việc thực thi quyền tự chủ không gặp quá nhiều trở ngại. Không ít ý kiến trong xã hội tỏ ra lo ngại rằng, nếu các trường thuộc tốp dưới và ngay cả những trường thuộc tốp giữa được giao quyền tự chủ thì sự thành công chưa hẳn đã là tốt đẹp. Sẽ có những trường không “tự chủ” nổi và họ sẽ lại kêu ca, đòi Nhà nước phải hỗ trợ. Những nghi ngại này rõ ràng là có cơ sở. Nhưng, suy cho cùng, đó lại là cơ hội tốt để các trường đại học công lập thuộc nhóm này tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi đắp thương hiệu để không bị tụt lại phía sau và bị đào thải. Do thế, việc lựa chọn những trường tiếp theo để thí điểm giao quyền tự chủ nên mở rộng ra cả những trường thuộc tốp dưới và tốp giữa để có cơ sở đánh giá toàn diện hơn.

Khi các trường được tự chủ về thu chi tài chính, tự chủ về nhân sự và chương trình giảng dạy để cho ra “sản phẩm” là những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, cũng có nghĩa các trường sẽ hoạt động như mô hình của một doanh nghiệp, tuân theo những quy tắc của thị trường. Khi đã tuân theo những quy tắc của thị trường, cũng có nghĩa các trường sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cả những yếu tố tích cực và tiêu cực của thị trường. Thậm chí, ngay trong chính nội bộ trường đó cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cơ chế thị trường thao túng. Nguy cơ nguy hiểm nhất có lẽ là sự gia tăng tình trạng mua bán điểm, bằng tốt nghiệp, mua bán vị trí việc làm hay mua bán suất vào đại học-điều chúng ta đã được chứng kiến không ít trong thời gian qua. Nếu không quản chặt, nó sẽ càng sinh sôi trên “mảnh đất đầy màu mỡ” là thị trường.

Ngoài ra, trong khi ngay các doanh nghiệp nhà nước hiện tại cũng đã khiến Nhà nước, xã hội phải “lao tâm khổ tứ” quá nhiều trong việc tìm cách đẩy mạnh tái cơ cấu, thì việc chuyển các trường đại học công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cũng cần phải có tính toán kỹ lưỡng, thực hiện những bước đi vững chắc, tránh lặp lại những sai lầm trong vận hành và quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tất cả những trường đại học công lập có được cơ ngơi, thương hiệu như hôm nay đều do Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương và trả chi phí vận hành, bắt đầu từ lúc trường đó ra đời và ngay cả khi ngân sách Nhà nước khó khăn, eo hẹp nhất. Do vậy, khi cổ phần hóa các trường đại học, cần có quy định chặt chẽ, tránh để tài sản Nhà nước đầu tư mấy chục năm qua bỗng nhiên trở thành tài sản của một nhóm cá nhân nào đó.

Chính vì những phức tạp nói trên, nên việc “mở rộng mô hình thí điểm” là cần thiết. Không thể nóng vội ngay lập tức giao quyền tự chủ cho tất cả các trường đại học công lập như mong muốn của một số người khi chưa có được sự đánh giá toàn diện và sự chuẩn bị chu đáo. Nhưng cũng không nên quá chậm trễ để những trường đại học công lập hoạt động yếu kém bấu víu mãi vào “bầu sữa” ngân sách và tạo ra những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội và của nhà tuyển dụng./.

Chiến Thắng (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất