Sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, Vĩnh Yên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Từ một thị xã nhỏ bé đến năm 2004, Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại III; năm 2006 là thành phố trực thuộc tỉnh và năm 2014 được công nhận là đô thị loại II.
Hiện thành phố Vĩnh Yên đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt các tiêu chí loại I, hướng tới đô thị xanh, xứng đáng là đô thị trẻ, đô thị trung tâm của thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương.
Những năm qua, thành phố Vĩnh Yên đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng ngày càng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, phù hợp với yêu cầu của một đô thị trẻ. Hết năm 2016, ngành dịch vụ chiếm 76,6%, công nghiệp - xây dựng 41,2%, nông nghiệp 1,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4900 USD/năm. Sản xuất kinh doanh phát triển toàn diện tạo điều kiện cho thành phố tăng thu, chi ngân sách. 6 tháng đầu năm nay, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.254 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật của Vĩnh Yên là luôn duy trì tốt lĩnh vực thu ngân sách, thực hiện quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân, bảo đảm an ninh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thị trường phát triển, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định; công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng được duy trì thực hiện thường xuyên, có hiệu quả; lãi suất cho vay có xu hướng giảm, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các ngành nghề dịch vụ. Thành phố còn phối hợp với các sở, ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về đơn giản các thủ tục kê khai và nộp thuế, hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động, minh bạch các thủ tục hành chính, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động khai thác, tìm kiếm thị trường, tham gia liên kết, liên doanh mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Để trở thành đô thị loại I, phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, thời gian tới, Vĩnh Yên tập trung vào chủ đề “nâng cao chất lượng đô thị”, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, xã hội và văn hóa, văn minh đô thị, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một thành phố dịch vụ, du lịch và hội nhập quốc tế, đặc biệt là điều chỉnh, xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển thành phố. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị, công viên, hệ thống hồ, đầm, bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành hệ sinh thái tự nhiên.
Cùng với phát triển đô thị, thành phố tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao trình độ dân trí, ý thức trác nhiệm của người dân trong việc xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm tiêu chuẩn đô thị sinh thái “sáng, xanh, sạch, đẹp”, tạo lập nếp sống văn minh trong xã hội./.
Hồng Quân