Năm 1997, khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ ba từ dưới lên trong số các tỉnh và thành phố trong cả nước về thu ngân sách với mức thu chưa đầy 100 tỷ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông rất khó khăn, các tuyến đường hầu như chỉ là đường đất. Thời điểm đó rất nhiều xã chưa có điện lưới quốc gia, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế. Sau 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã vươn mình với nhiều điểm sáng trong câu lạc bộ hàng nghìn tỷ đồng. Để có được những thành quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực bền bỉ, dám nghĩ, dám làm, vượt khó đi lên và áp dụng thành công bài học "lấy dân làm gốc".
Những lựa chọn thu hút đầu tư khôn ngoan
Sau khi tách tỉnh, lãnh đạo Vĩnh Phúc trăn trở tìm hướng đi để thoát nghèo. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như chủ trương của Trung ương trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mạnh dạn mở hướng đi mới trong thu hút đầu tư, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc những năm đó đã xác định rõ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng tâm để đưa nền kinh tế tỉnh nhà đi lên.
Để hiện thực hóa chủ trương, việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư cho các nhà đầu tư được tỉnh thực hiện đồng bộ, từ những khâu như thủ tục hành chính, đất đai, tài nguyên cho đến việc xây dựng cơ chế chính sách mềm dẻo... Qua đó Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nhà đầu tư khi đã đầu tư vào Vĩnh Phúc được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi phát triển.
Trong nhiều khóa, Đại hội Đảng bộ tỉnh kiên định lấy công nghiệp và phát triển công nghiệp làm nền tảng, từ công nghiệp tạo ra thu ngân sách cao để đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy trong quan điểm chủ trương thu hút đầu tư, tỉnh kiên quyết rà soát, lựa chọn rất kỹ các nhà đầu tư, dự án khi đầu tư vào Vĩnh Phúc. Công tác quản lý được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cơ chế điều hành thu hút đầu tư được tỉnh thực hiện mềm dẻo, linh hoạt, căn cứ cụ thể vào tính chất dự án mà tỉnh sẽ quyết định chấp thuận thực hiện dự án nào.
Quá trình lựa chọn nhà đầu tư được tỉnh cân nhắc kỹ lưỡng. Nhà đầu tư phải là những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tỉnh xác định, nếu như ô nhiễm từ các khu công nghiệp tác động tới môi trường thì thu ngân sách từ đầu tư không đủ để khôi phục những thiệt hại về môi trường và cuộc sống của người dân. Việc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường thực hiện sát sao, liên tục. Tỉnh đã chủ trương quyết định đầu tư hệ thống quan trắc môi trường cho từng khu công nghiệp. Quan điểm của tỉnh phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu trong thu hút đầu tư cũng như đấu tranh chống tiêu cực.
Tỉnh Vĩnh Phúc có điều kiện tự nhiên, địa chất, môi trường, hệ thống sông hồ dày đặc, thuận lợi phù hợp với yêu cầu đầu tư của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Sau khi thông tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Vĩnh Phúc nằm trên tuyến với năm nút giao thông, trong đó đã thông ba nút xuống địa bàn tỉnh. Việc di chuyển từ Phúc Yên tới sân bay Nội Bài chỉ mất khoảng 10 phút đi ô-tô. Tỉnh xác định muốn phát triển công nghiệp phải đầu tư hạ tầng giao thông.
Cách đây gần 20 năm, khi mới xây dựng các khu công nghiệp, điều kiện còn hết sức khó khăn, nhưng lãnh đạo tỉnh đã luôn quan tâm chú trọng đến cuộc sống của người lao động. Đối với người lao động tại các khu công nghiệp, tỉnh có chính sách cơ cấu ngành nghề phù hợp nhằm đáp ứng tốt tiêu chí về các mặt xã hội. Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân được chú trọng, từ việc tổ chức điểm sinh hoạt văn hóa, đầu tư cho mỗi điểm một ti-vi, hệ thống báo chí... Công tác tuyên truyền được quan tâm, tờ rơi bố trí tại nơi dễ nhìn, dễ đọc nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân tại nơi trọ tập trung.
Đến nay đã có nhiều nhà văn hóa được xây dựng, nhiều câu lạc bộ, trung tâm trợ giúp tuyên truyền pháp luật, tư vấn trợ giúp pháp lý cho công nhân được thành lập. Đặc biệt, tại các nhà máy có đông lao động nữ đều có hệ thống vắt trữ sữa do tổ chức công đoàn đứng ra đầu tư. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được khu nhà thu nhập thấp dành cho công nhân. Trong công tác quản lý người lao động, tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người lao động về hưu trước tuổi hay như người lao động mới làm việc. Đây là những việc làm thể hiện sự quan tâm tới đội ngũ người lao động, công nhân nhất là lao động nữ, giúp chị em thêm vững tâm gắn bó lâu dài với nhà máy và có động lực làm việc ngay tại quê hương.
Phát triển bền vững
Cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng công nghiệp hiện nay tại Vĩnh Phúc chiếm khoảng trên 60%, tiếp theo là du lịch - dịch vụ, nông nghiệp hiện chiếm khoảng 10%. Chủ trương của tỉnh trong đầu tư hạ tầng từ đường giao thông, du lịch - dịch vụ đều được tập trung. Tỉnh xác định việc phát triển du lịch - dịch vụ là mục tiêu phát triển bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 16 đã xác định phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp - du lịch của vùng và cả nước. Trong đó, công nghiệp vẫn tiếp tục là nền tảng để thu ngân sách, từ đó có điều kiện để đầu tư trở lại cho hạ tầng du lịch - dịch vụ.
Thời gian qua, các hệ thống du lịch - dịch vụ trên địa bàn đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Đối với khu du lịch Tam Đảo 1, tỉnh chủ trương nâng cấp toàn bộ tuyến đường lên trung tâm thị trấn với quy mô mở rộng thêm 3 m mặt đường, quy hoạch lại con đường, tạo nên điểm nhấn du lịch. Việc mở rộng mặt đường được bảo đảm bảo tồn, không hủy hoại môi trường cây xanh tự nhiên trên toàn tuyến. Toàn bộ khu du lịch Tam Đảo 1 sẽ quy hoạch lại theo hướng khôi phục lại những nét xưa, từ quảng trường trung tâm đến quy hoạch hệ thống khách sạn, chợ ẩm thực, khu vui chơi giải trí... Đặc biệt hướng tới việc tìm lại, khôi phục các di tích lịch sử cách mạng. Cũng trong năm vừa qua, tỉnh đã làm việc với các Bộ ngành trung ương, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chính thức khởi công giai đoạn một dự án Tam Đảo 2, giai đoạn này sẽ xây dựng hệ thống cáp treo từ dưới chân núi lên khu du lịch. Khi đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 là điểm nhấn quan trọng, đưa Vĩnh Phúc trở thành một điểm đến có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam; góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch phát triển toàn diện, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tiêu chuẩn quốc tế của cả nước.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng sản phẩm mang tính thương hiệu du lịch. Vĩnh Phúc còn nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái khác như: FLC Vĩnh Thịnh Resort, Flamingo Đại Lải Resort, Đầm Vạc... với nhiều sự khác biệt hấp dẫn du khách. Khu du lịch FLC Vĩnh Thịnh với tiềm năng du lịch thuận lợi, bởi nằm sát bên bờ sông Hồng. Trong chiến lược quy hoạch vùng, khi phát triển thành phố hai bên bờ sông sẽ tận dụng được sông Hồng để xây dựng bến thuyền du lịch. Những khu vực đồi núi, khe núi, vùng đất bạc màu không canh tác được có thể xây dựng mô hình sân gôn tạo nên dịch vụ thể thao.
Tỉnh tập trung tìm những điều khác biệt, tạo nên những điểm nhấn về du lịch bởi lợi thế của Vĩnh Phúc không phải là đất rộng mà có lợi thế của tự nhiên, đồi, núi, sông, hồ và đặc biệt là gần Hà Nội. Trong công tác xúc tiến đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư quốc tế ký nhiều bản ghi nhớ. Nổi bật phải kể đến dự án đầu tư Khu phức hợp trường đua ngựa và công trình thể thao, giải trí mang tầm quốc tế. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo nên điểm nhấn trong thu hút khách du lịch thể thao trong nước và quốc tế tới Vĩnh Phúc. Các dự án đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hằng nghìn người dân tại địa phương.
Người dân Vĩnh Phúc có truyền thống hiếu học. Trong công tác giáo dục luôn được tỉnh quan tâm sát sao. Hệ thống trường chất lượng cao tại các địa phương được chú trọng đầu tư, có cơ chế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Hệ thống bệnh viện tuyến huyện và cơ sở được đầu tư đồng bộ bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế tốt cho người dân. Bên cạnh đó, đối với hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nhằm sớm xây dựng hai bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sản nhi tỉnh với quy mô lớn, hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh hướng người dân nuôi trồng những cây, con gì để mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2004, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về nông nghiệp - nông dân - nông thôn cùng với nhiều chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ cho bà con nông dân như miễn thủy lợi phí (là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện nội dung này). Công tác hỗ trợ vốn, giống, chọn lọc giống cho giá trị kinh tế cao, cho bà con được thực hiện đầy đủ. Công tác đầu tư hạ tầng tưới tiêu được thực hiện đồng bộ, hiện đại. Toàn bộ các nội dung đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn được lấy từ hiệu quả của phát triển công nghiệp. Hiện nay, Vĩnh Phúc đứng thứ hai của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng mô hình nông thôn mới đã được tỉnh đã chú trọng đầu tư từ trước và hoàn thiện theo từng năm nhằm tái cơ cấu nền nông nghiệp, tập trung vào cây, con có giá trị kinh tế cao, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung.
Tỉnh chủ trương "ly nông nhưng không ly hương", khuyến khích bà con nông dân chủ động làm giàu tại quê hương, tránh tình trạng đi làm ăn xa xứ có thể gây nên nhiều hệ lụy xấu về mặt xã hội. Việc bố trí nhiều tuyến xe buýt từ trung tâm của tỉnh đến các huyện, xã tạo điều kiện cho người dân tham gia lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận lợi trong việc đi lại. Qua đó, người dân ngoài giờ lao động tại các khu công nghiệp có thêm thời gian để quán xuyến chăm lo cho ruộng đồng của mình.
Đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đi đầu trong việc đấu tranh chống nạn dùng xung điện hủy diệt môi trường và nạn "cẩu tặc". Nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo tỉnh, môi trường đã được bảo vệ, cuộc sống của người dân yên bình.
Sâu sát, lắng nghe, lấy dân làm trung tâm
Cùng với việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết. Trong công tác kiểm điểm, tất cả các tồn tại, đặc biệt tồn tại trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh xác định gắn với đồng chí nào, được phân công phụ trách việc gì với tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật. Việc kiểm điểm trong thường vụ được thực hiện triệt để. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 55 đồng chí được chia thành tám tổ, mỗi tổ do một đồng chí thường vụ tỉnh ủy làm tổ trưởng. Các tồn tại yếu kém trong quản lý, lãnh đạo của mỗi cấp, từng ngành, từng lĩnh vực đều được trao đổi công khai trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn. Việc theo dõi, quản lý cán bộ được thực hiện sát sao với mục tiêu xây dựng đội ngũ giỏi nghiệp vụ, mạnh về chuyên môn, dám đương đầu với khó khăn thử thách. Việc đánh giá cán bộ có cơ sở, có sự giám sát theo dõi triệt để nhằm bảo đảm xây dựng bộ máy con người trong sạch, vững mạnh. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ trong thường vụ được thực hiện công khai, rõ ràng, minh bạch. Mỗi đồng chí khi đưa ý kiến đều phải làm rõ quan điểm của mình với việc đúng hay sai trong công tác cán bộ.
Với tinh thần sâu sát, lắng nghe tìm hiểu nguyện vọng của người dân, cán bộ tỉnh luôn bám sát, tìm hiểu và giải quyết nhanh chóng tâm tư nguyện vọng của người dân. Trong cuộc trao đổi cởi mở, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh chia sẻ: "Trăn trở của tỉnh là phải làm sao tạo ra những loại hình kinh tế phát triển với sự tham gia của người dân tại chỗ để người dân được hưởng lợi, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Mức sống của người dân phải được nâng lên, bộ mặt đô thị nông thôn phải ngày càng khởi sắc. Hướng tới xây dựng Vĩnh Phúc trở thành đô thị văn minh hiện đại, phải xây dựng Vĩnh Phúc thành nơi đáng sống, người dân được hưởng cuộc sống tốt hơn. Qua đó, tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch phù hợp, tiến hành rà soát lại tất cả các tiêu chí đánh giá nhằm hiện thực hóa mong muốn này"./.
Phan Anh