Chủ Nhật, 8/9/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Ba, 1/8/2017 13:59'(GMT+7)

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc trong Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (tối 28/12/2016. (Ảnh: Báo Vĩnh phúc)

Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc trong Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (tối 28/12/2016. (Ảnh: Báo Vĩnh phúc)

1. Làm theo lời Bác, Vĩnh Phúc luôn phấn đấu là lá cờ đầu trong thi đua sáng tạo đổi mới

Vĩnh Phúc vinh dự và tự hào là một trong những tỉnh được Bác Hồ về thăm và làm việc nhiều nhất. Nơi vừa giành được chính quyền cách mạng, Bác đến thăm; nơi có thiên tai hạn hán, Bác đến động viên chống hạn; Tết đến xuân về, Bác đến thăm và chúc Tết; nơi có phong trào thi đua xuất sắc, Bác đến thăm và nhắc nhở nhân rộng điển hình. Bác đến từng thôn, làng, từng huyện, thành thị, Bác đến nói chuyện trực tiếp với Đại hội đại biểu Đảng bộ toàn tỉnh. Nơi đâu, Bác cũng để lại những tình cảm sâu nặng, những lời dạy bảo chan chứa ân tình. Tất cả những nơi Bác đến trên quê hương Vĩnh Phúc đều xây nhà tưởng niệm để ghi nhớ công ơn và lời dạy của người. Mỗi độ xuân sang, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, mỗi lần kỷ niệm ngày Quốc khánh, mỗi dịp tổng kết, mỗi kỳ đại hội, cán bộ Đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc đều đến nơi tưởng niệm Bác để bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn người và báo công với Bác, những ngày tháng qua mỗi cán bộ Đảng viên, mỗi người dân Vĩnh Phúc đã làm theo lời Bác đã có những thành tích để kính dâng lên người.

Mỗi cán bộ Đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và người dân Vĩnh Phúc luôn nhớ lời Bác dặn phải xung phong gương mẫu, phải đoàn kết thống nhất, phải giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ, phải xây dựng Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta. Lời dạy của Người đã thấm sâu vào biết bao thế hệ cán bộ Đảng viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân Vĩnh Phúc. Những cán bộ, đảng viên ưu tú nhất của Vĩnh Phúc suốt đời phấn đấu làm theo lời Bác dạy phải kể đến đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Những đoàn viên ưu tú, chiến sỹ lực lượng vũ trang làm theo lời Bác phải kể đến anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân.

Vĩnh Phúc có hơn 1.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng nghìn liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; hàng chục tập thể, hàng chục cá nhân, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, hàng chục nghìn người được nhận các huân, huy chương cao quý của Đảng và nhà nước. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần gương mẫu xung phong, tinh thần đoàn kết, tinh thần sẵn sàng giúp đỡ mọi người đặc biệt là tinh thần xả thân vì quê hương đất nước.

Làm theo lời Bác, Vĩnh Phúc luôn là lá cờ đầu trong thi đua sáng tạo đổi mới để Vĩnh Phúc sớm trở thành một trong những tỉnh giàu có phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta.

Nhìn lại 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển ngoạn mục về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc năm đầu tái lập tỉnh là 114 tỉ đồng, năm 2002 đã có tổng thu ngân sách 1.650 tỉ đồng, năm 2004, tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc là 2.562 tỉ đồng, tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho Trung ương. Năm 2016, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 30.800 tỷ đồng. Như vậy sau 20 năm, tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc đã tăng trên 200 lần so với năm đầu tiên tái lập tỉnh.

Về giao thông, 20 năm qua Vĩnh Phúc liên tục là tỉnh có hệ thống giao thông nông thôn trong tốp đứng đầu toàn quốc. Ngày đầu tái lập, giao thông nông thôn Vĩnh Phúc chủ yếu là đường đất. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn đã được bê tông hóa đến từng thôn, ngõ xóm, tổ dân phố; đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên thôn ngày càng mở rộng, chất lượng nền đường, mặt đường ngày càng hiện đại.

Các công trình văn hóa ngày càng được tu bổ và xây dựng khang trang, to đẹp, đàng hoàng hơn, gắn với mục đích sử dụng phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Có những công trình xứng tầm với phát triển kinh tế của tỉnh như khu danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, quảng trường Hồ Chí Minh, nhà hát, nhà thi đấu thể dục thể thao...

Giáo dục Vĩnh Phúc trong 20 năm qua luôn ở tốp đầu 10 tỉnh, thành phố toàn quốc. Y tế Vĩnh Phúc đang có bước chuyển mình, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên. Công tác văn hóa, thông tin thể thao, phát thanh truyền hình được duy trì ổn định, phát triển vững chắc. Công tác quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo vững chắc.

Hệ thống chính trị luôn trong sạch vững mạnh, tất cả các ngành, các nghề, tất cả cán bộ Đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, các chiến sỹ lực lượng vũ trang luôn thi đua, phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta. Các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Vĩnh Phúc những năm gần đây đều có chung nhận xét: 20 năm qua Vĩnh Phúc đã có bước tiến phát triển ngoạn mục, Vĩnh Phúc làm theo lời Bác không chỉ là một trong những tỉnh giàu có phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta mà nay đã trở thành một trong những tỉnh giàu có phồn vinh nhất của cả nước.

2. Vĩnh Phúc quyết tâm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950 trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Năm 1968, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau 29 năm hợp nhất, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa 9 (tại kỳ họp thứ 10), tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Hiện nay, Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên trên 1.235 km2; có 9 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, với 137 xã, phường, thị trấn; dân số gần 1,1 triệu người.

Trải qua nhiều khó khăn và thuận lợi trong 20 năm tái lập tỉnh, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó lấy kinh tế công nghiệp làm bước đột phá, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn khắc ghi và quyết tâm thực hiện mong muốn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh, ngày 2/3/1963, căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Vĩnh Phúc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành và phê duyệt hầu hết các quy hoạch, trong đó, có quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Trên thực tế, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh được xây dựng và nâng cấp, tạo được sự kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia. Phát triển đô thị đạt được những kết quả quan trọng, thành phố Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại II, phấn đấu trở thành đô thị xanh; thị xã Phúc Yên được công nhận đô thị loại III; đô thị ở các huyện, các địa phương có bước phát triển nhanh chóng...

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là: “Huy động mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Với những kết quả đạt được, bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cùng với vận dụng linh hoạt, sáng tạo, khoa học và cụ thể hóa tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương vào sự phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc còn ban hành nhiều cơ chế chính sách, những giải pháp mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế nói chung của tỉnh. Trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính; quan tâm đến công tác đào tạo nghề theo hướng chuyển sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường...

Một trong những tín hiệu tích cực là UBND tỉnh đã chuyển phương thức hoạt động từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý vừa phục vụ. Theo đó, từ tháng 10/2016, lãnh đạo UBND tỉnh đã “đặt lịch” gặp gỡ với các doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hàng tuần để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc làm này đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tin tưởng, đánh giá cao.    

Trong hành trình xây dựng và trưởng thành, khắc ghi những lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời; trên nền tảng đang có cùng những giải pháp đúng đắn trong từng bước đi, từng giai đoạn, tin tưởng rằng, đích đến “năm 2020 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI” của Vĩnh Phúc đang ở rất gần./.

Những lần Vĩnh Phúc được đón Bác về thăm:

1. Ngày 25/8/1945, trên đường từ Chiến khu Giải phóng Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ về thăm cán bộ, đảng viên huyện Đa Phúc (Thời kỳ này Đa Phúc thuộc tỉnh Phúc Yên). Đa Phúc đã giành được chính quyền vào ngày 22/8, Bác đã chỉ dẫn nhiều vấn đề quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo huyện khi nhân dân đã giành được chính quyền.

2. Ngày 19/5/1955, Bác về thăm Tam Đảo. Tam Đảo lúc này là một công trường lớn đang khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh sau kháng chiến chống Pháp. Bác nhắc nhở phải xây dựng Tam Đảo trở thành khu nghỉ mát hiện đại, khu trung tâm du lịch của cả nước.

3. Ngày 12/2/1956 (tức ngày mồng 1 Tết năm Bính Thân), Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Đây là nơi có nhiều thành tích trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bác nhắc nhở cần phải có Tổ đội công giúp đỡ nhau sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tiến bộ.

4. Ngày 21/1/1958, Bác Hồ về thăm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đông Anh chống hạn cứu lúa. (Thời kỷ này huyện Đông Anh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

5. Ngày 30/3/1958, Bác Hồ về thăm cán bộ và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thị xã Vĩnh Yên). Hợp tác xã Lai Sơn tuy mới xây dựng nhưng việc quản lý và điều hành sản xuất tốt nên đã phát huy được tác dụng của cách làm ăn tạp thể. Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho hai cán bộ địa phương. Bác nhắc nhở cần phải quy hoạch lại đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, chú ý tới công tác vệ sinh môi trường, tập trung sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm cho nông thôn đổi mới.

6. Ngày 24/12/1958, Bác Hồ về thăm thị xã Phúc Yên, thăm các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc, thăm một đơn vị quân đội đóng tại Thành Trắng, thăm lớp tập huấn bồi dưỡng chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp, tại đây Bác đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đảng viên.

7. Ngày 25/1/1961, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Đây là hợp tác xã có nhiều thành tích trong phong trào trồng cây, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn miền Bắc. Bác nhắc: Trồng cây nào phải chăm sóc chu đáo, trồng cây nào tốt cây ấy.

8. Ngày 2/3/1963, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đã có thành tích xuất sắc chống hạn, bảo đảm thắng lợi vụ sản xuất đông xuân năm 1963. Trước 16 nghìn cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong tỉnh Bác nhắc nhở phải chú trọng 4 khâu trong sản xuất nông nghiệp: nước, phân, cần, giống. Bác nói: "Mỗi Đảng viên và mỗi đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải ra sức đoàn kết và giúp đỡ bà con cùng tiến bộ, phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có phồn vinh nhất miền Bắc nước ta". (Trong phần chuẩn bị bài nói Bác viết: phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta. (Hồ Chí Minh toàn tập). Nhưng khi nói chuyện với cán bộ Đảng viên và nhân dân, Bác đã cân nhắc thay từ "phồn thịnh" bằng từ "phồn vinh")

9. Ngày 16/7/1963, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ tinh Vĩnh Phúc tại thị xã Vĩnh Yên. Tại Đại hội Bác yêu cầu: "Mỗi Đảng viên phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì phải cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là Đảng viên. Tất cả Đảng viên đều phải gương mẫu để làm cho 5, 6 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiện xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội... Chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc".

10. Ngày 27/7/1968, Bác về dự họp Hội nghị quân ủy Trung ương tại Tam Đảo.

Nguyễn Đức Tẩm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất