Thứ Bảy, 21/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 18/4/2017 20:26'(GMT+7)

Thật xót xa!

Cụ May sinh được bốn con, ba trai, một gái. Cụ ông đã mất cách đây hơn ba chục năm. Ông Trùng là con cả của cụ May ở quê làm ruộng. Còn 3 người con sau ra ngoài công tác xã hội và định cư ở thành phố, thị xã. Theo phong tục của làng, mỗi khi bố mẹ già qua đời, các con đều phải góp tiền, góp gạo làm “ma chung” theo tỷ lệ: “Trai bảy, gái ba” (nghĩa là con trai phải nộp 70%, con gái phải đóng 30%). Gia đình vợ chồng ông Trùng là trưởng đứng ra thu tiền, gạo của các em để lo việc tang cho mẹ. Ngày phát tang, bạn bè thân hữu và các cơ quan, đoàn thể của ba người con ra ngoài công tác xã hội đến phúng viếng cụ May rất đông. Riêng số vòng hoa cũng ngót nghét con số 50. Người dân bảo rằng, từ trước đến nay ở làng Nhồi này hiếm thấy đám tang nào được người ta đến phúng viếng linh đình và mang theo nhiều vòng hoa như thế.

Sau khi lo hậu sự chu toàn cho mẹ, anh em trong nhà ngồi với nhau họp bàn về việc hương khói cho cụ May. Mọi người đang chờ đợi sự lên tiếng của ông Trùng muốn nói một điều gì đó, thì chú Bốn, em út nhất, hỏi khéo:

- Thế số tiền phong bì phúng viếng, bác cả thu được tất cả bao nhiêu ạ?

Ông Trùng bảo:

- Được bao nhiêu chú không cần biết!

Cô La không hài lòng, nói ngay:

- Sao bác lại nói vậy? Chúng em phải biết được số tiền phúng viếng của cơ quan, bạn bè mình là bao nhiêu để lần sau còn “trả nợ” họ chứ!

Ông Trùng vằn mắt lên:

- Cô này hay nhỉ! Thế lúc mẹ ốm đau, các cô các chú ở ngoài phố xá ăn sung mặc sướng, còn vợ chồng tôi ngày đêm chăm sóc mẹ, thì có ai biết không? Tôi tuyên bố, vợ chồng tôi có công chăm lo cho mẹ lúc cuối đời, nên vợ chồng tôi có quyền được hưởng toàn bộ “lộc” mà người ta đã đến phúng viếng mẹ!

- Bác không được phép nói thế - lời chú Tâm nhã nhặn - Mẹ là mẹ chung. Mẹ ốm đau, chúng em vẫn thường xuyên về thăm, mua thuốc thang, quà bánh cho mẹ. Anh chị mang tiếng là chăm sóc nhưng có bao giờ phải tự bỏ tiền mình ra đâu?

Ông Trùng lên giọng gia trưởng:

- Tôi nhắc lại, tôi có quyền sử dụng toàn bộ số tiền phúng viếng ấy. Không ai được nói lại lôi thôi. Bây giờ, ai về nhà nấy. Giải tán!

Nói rồi, ông Trùng đùng đùng đi ra ngoài. Mấy anh em còn lại nhìn nhau ngơ ngác. Mọi người ra về tỏ vẻ bực tức, ấm ức trong lòng. Kể từ sau hôm đó, mấy người em không bao giờ muốn nhìn mặt ông Trùng nữa. Mỗi người sao chụp một tấm ảnh cụ May mang về thờ phụng ở nhà mình. Duy nhất có ngày giỗ cụ May, mấy người em cũng về thăm quê, ra thắp nhang cho mộ mẹ, nhưng chỉ khấn vái ít phút rồi lại trở về nhà mình mà không thèm bén chân đến cổng nhà người anh trưởng.

Người dân ở làng xì xào với nhau, hóa ra “người khổ nhất” không ai khác là cụ May. Cứ tưởng cụ “sướng” đến lúc chết, ai ngờ “linh hồn” cụ đã bị con cháu mang ra tính toán, so bì thiệt hơn. Lúc sống, cụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dạy đàn con đến nơi đến chốn để chúng trưởng thành, ra ngoài “mở mày, mở mặt” với thiên hạ. Nhưng chỉ vì mấy triệu bạc phúng viếng, anh em ruột thịt không bảo ban, nhường nhịn nhau khéo léo để dẫn đến tan đàn, xẻ nghé. Từ anh em cùng một dòng máu huyết thống, bỗng chốc sau cái chết của mẹ lại trở thành người dưng nước lã. Nỗi đau mất mẹ già là một, thì nỗi đau anh em tự... lìa xa nhau lại đau gấp mười lần. Thật xót xa!

Đức Thuận (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất