Chúng ta vẫn biết mức giá tranh dành cho một họa sỹ đương đại có tên tuổi ở Việt Nam sẽ thường dao động vào khoảng từ 2.000 cho tới 10.000 USD. Đó là một mức giá không quá cao, nhưng cũng không phải là quá bèo bọt.
Tuy nhiên, mức giá tranh ấy nếu so sánh với công sức lao động của các họa sỹ (dĩ nhiên phải nói tới những người lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp, không tự sao chép chính mình) cũng như so sánh với mức độ nổi danh của họ trong cộng đồng, vẫn chưa thể tương xứng...
Khi thông tin bức tranh "Đời sống gia đình" của cố họa sỹ Lê Phổ đạt mức giá triệu đô kỷ lục cho tranh Việt ở phiên đấu giá tại Hongkong do nhà Sotheby's tổ chức (lô 1022 - giá 1.172.080 USD), nhiều người quan tâm đến hội họa Việt Nam cảm thấy vô cùng hứng khởi. Có người coi đó là dấu hiệu "qua tuổi dậy thì" của hội họa Việt (mức giá 1 triệu đô vẫn được coi là mức giá "dậy thì"); có người hi vọng đó sẽ là cú hích để tranh của họa sỹ Việt sẽ thu hút khách trở lại sau một thời gian dài thoái trào bởi chính những vấn nạn nội tại.
Cũng cách đó chỉ vài tháng, ở một cuộc đấu giá khác, do người Việt tổ chức, tại khách sạn Caravelle - TP Hồ Chí Minh, một bức khác của Lê Phổ cũng được đấu giá gấp 4 lần mức giá khởi điểm. Tuy nhiên, mức giá thắng thầu ấy vô cùng khiêm tốn, chỉ hơn 40.000 USD. Tất nhiên, không phải bức tranh nào cũng sẽ có giá tương đương nhau, dù cùng chung một họa sỹ. Nhưng hai mức giá chênh lệch nhau đến 25 lần kia cho thấy một điểm rất rõ ràng: Định hướng thị trường chuẩn xác sẽ tạo ra thêm nhiều giá trị cho nghệ thuật.
Thực tế, nhiều năm gần đây, chúng ta vẫn biết mức giá tranh dành cho một họa sỹ đương đại có tên tuổi ở Việt Nam sẽ thường dao động vào khoảng từ 2.000 cho tới 10.000 USD. Đó là một mức giá không quá cao, nhưng cũng không phải là quá bèo bọt. Tuy nhiên, mức giá tranh ấy nếu so sánh với công sức lao động của các họa sỹ (dĩ nhiên phải nói tới những người lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp, không tự sao chép chính mình) cũng như so sánh với mức độ nổi danh của họ trong cộng đồng, vẫn chưa thể tương xứng.
Đặc biệt, nếu so sánh với các hoạ sỹ trong khu vực, đặc biệt là các họa sỹ từ Indonesia, Thái Lan…, chúng ta sẽ cảm thấy chạnh lòng. Phải chăng tài năng, ý niệm của các họa sỹ Việt kém cỏi hơn? Không hề. Không phải tự ngợi khen mình nhưng phải thừa nhận, các họa sỹ của chúng ta có đủ tầm vóc để cạnh tranh sòng phẳng với những đồng nghiệp giỏi ở khu vực. Chỉ có điều, cách làm nghệ thuật ở Việt Nam hôm nay vẫn còn manh mún, chưa được định hướng bằng các hoạt động thị trường cao cấp và chưa được bảo vệ đúng nghĩa ở lĩnh vực bản quyền.
Một ví dụ chúng ta cần tham khảo chính là bộ phim độc lập "Loving Vincent", được làm về cuộc đời của danh họa Vincent Van Gogh. Bộ phim này gây qũy theo dạng "đóng góp cộng đồng" để sản xuất và hiện đang làm hậu kỳ.
Điều đáng nói, "Loving Vincent" là một phim đầu tiên trên thế giới được làm hoàn toàn bằng tranh. 115 hoạ sỹ miệt mài vẽ hơn 65.000 bức tranh cho 65.000 khuôn hình bằng chất liệu sơn dầu trên toan và hoàn toàn theo phong cách, bút pháp của Van Gogh. Chỉ cần nghe tới đó, chúng ta đã hình dung đến kinh phí của bộ phim là như thế nào, và khả năng thu hồi vốn khó ra sao.
Tuy nhiên, tất cả các nhà phân tích đều đánh giá phim sẽ không lỗ. Đơn giản, định hướng thị trường đã quyết định rất nhiều tới tác phẩm điện ảnh đáng mong đợi ấy. Thứ nhất, phim tập trung vào đúng đối tượng khán giả mê "art", những người sẵn lòng bỏ tiền mua vé dù cao giá, sẵn sàng sưu tầm phim để lưu trữ xem lại.
Và thứ nhì, quan trọng hơn cả, toàn bộ số tranh để làm các khuôn hình cho phim đều được bán, trên website chính thức của phim, với giá dao động từ 2.500 euro tới 10.000 euro, ngang giá tranh họa sỹ Việt Nam hôm nay. Và khi phim còn chưa ra mắt, rất nhiều bức đã bán được. Đó chính là điều khiến 115 họa sỹ tham gia miễn phí, với tiền công rất khiêm tốn và chủ yếu dựa vào khoản tiền tác quyền hình ảnh của họ sau này.
Nếu lựa chọn giữa việc sưu tầm 1 bức của một họa sỹ Việt, và một bức đẹp của "Loving Vincent" (khoảng giá 7.500 euro), nhiều người sẽ đến với lựa chọn thứ hai, dù họa sỹ vẽ bức ấy có thể đang vô danh. Nhưng khi hội họa có điểm tựa là thị trường giải trí, nó sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn. Và đó chính là thứ hội họa Việt Nam đang thiếu: Một điểm tựa định hướng thị trường.
Văn Đoàn (Văn nghệ Công an)