Năm học 2014-2015 là năm học, ngành giáo dục có rất nhiều đổi thay, cải tiến về hoạt động dạy học, cách đánh giá, thi cử…
Có thể nói, năm học 2014-2015 là năm học ngành giáo dục có rất nhiều
đổi thay, cải tiến về hoạt động dạy học, cách đánh giá, thi cử…khiến
cho đội ngũ thầy cô có lúc phải “choáng váng”, dư luận xã hội “xôn xao”
và tốn không biết bao nhiêu giấy, mực của báo chí.
Những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai vẫn còn
đó, nhưng tựu chung, thành quả, bước chuyển biến tích cực từ những đổi
mới ấy đang dần hiện hữu, định hình, nhận được sự đồng thuận, đánh giá
cao từ người trong và ngoài cuộc.
Thông tư 30, chuyển từ hình thức đánh giá bằng điểm số, sang hình
thức nhận xét, đánh giá bằng lời, không còn các danh hiệu học sinh tiên
tiến, học sinh giỏi xuất sắc…. ở bậc tiểu học đã được triển khai đại trà
trong năm học qua.
Đúng là, Thông tư này làm cho công việc ghi chép, nhận xét trong vở
học sinh, hoàn thành các loại hồ sơ, sổ sách…của giáo viên tiểu học vất
vả, cực nhọc hơn hẳn trước đây.
Từ nhẹ nhàng, ít việc nay nặng nhọc, nhiều việc, mấy giáo viên, nhà
trường nào sớm thích nghi, chấp nhận? Những lời than thở, bàn ra, chê
trách Thông tư 30 từ họ làm sao tránh khỏi. Đến học kỳ 2, cuối năm học,
nhiều giáo viên đã thích nghi, quen việc nên những tiếng than thở, mệt
mỏi cũng vơi dần đi.
Cái được lớn nhất của Thông tư này là đem lại nhiều lợi ích thiết
thực cho các em học sinh tiểu học, ít bị áp lực học tập, hơn, thua; tâm
lý học tập nhẹ nhàng, thoải mái, vừa học vừa chơi, phụ huynh bớt đi
thành tích, khoe mẻ…
Quy định không thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT cũng nhận được
hoan nghênh rộng rãi của dư luận, phụ huynh học sinh. Kể từ đây, áp lực
luyện thi lớp 6, tranh đua vào trường điểm, lớp chọn đã đến hồi kết,
con trẻ đỡ vất vả, phụ huynh bớt lo lắng, tốn kém.
|
Các em học tập nhẹ nhàng, thoải mái, vừa học vừa chơi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không thi tuyển lớp 6, tạo sự bình đẳng, công bằng trong học tập,
phát triển đồng đều, toàn diện trong hoạt động giáo dục. Các địa phương
mới đầu kêu khó trong phương án thay thế nhưng đến nay mọi việc đã ổn,
phương án xét tuyển, dựa vào những căn cứ, tiêu chí khác.
Lần đầu, cả nước chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, vừa để
công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng được khởi
động từ đầu năm học, tới nay công tác chuẩn bị mọi khâu đã hoàn tất, đầu
tháng 7, từ ngày 1-4/7, hơn 1,4 triệu thí sinh bước vào kỳ thi quan
trọng này.
Cơ sở để kỳ thi quốc gia thành công là rất rõ ràng. Gộp được 2 kỳ thi
vốn áp lực, tốn kém, diễn ra trong 1 tháng thành một kỳ thi mà mục tiêu
vẫn đạt được thì thật là hiệu quả, đem lại lợi ích to lớn về nhiều mặt
về thời gian, công sức, tiền bạc của nhà nước và nhân dân.
Việc đăng ký, lựa chọn cụm thi liên tỉnh và địa phương của thí sinh,
với tỉ lệ phù hợp, biết lượng sức học, khả năng ngành nghề của mình, đây
cũng tín hiệu tốt cho công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT.
Đổi mới cách ra đề thi, cách tổ chức thi năm nay, thí sinh tự tin,
chủ động, tích cực ôn tập ở nhà, giảm được áp lực, tốn kém của sĩ tử khi
dồn về các lò luyện thi cấp tốc tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, nỗi lo về tính đồng bộ trong khâu coi thi và chấm thi, về
đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cho mọi đối tượng tham gia kỳ thi…vẫn
còn đó. Ngành giáo dục và các ngành có liên quan cần có những biện pháp
cụ thể, quyết liệt hơn nữa.
Điểm học bạ lớp 12 tham gia vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét
tuyển đại học, cao đẳng là một chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT nhằm
đánh giá toàn diện, cả một quá trình học tập, tạo động lực, kích thích
hoạt động dạy và học của thầy và trò.
Nhiều học sinh đã có ý thức phấn đấu, rèn luyện, học tập tốt ngay từ
ban đầu. Thầy, cô giáo, nhà trường thấy rõ trách nhiệm của mình hơn
trong quá trình giáo dục, quản lý.
Nhưng mối băn khoăn, quan ngại của dư luận xã hội về mức độ tin cậy,
chân thực những điểm số của không ít giáo viên, nhà trường, địa phương
là có cơ sở.
Được biết, cuối năm học này, nhiều trường, nhất là các trường ngoài
công lập, học sinh lớp 12, có kết quả điểm học bạ cao…đến bất thường.
Nếu Bộ GD&ĐT có động thái yêu cầu các Sở trực thuộc báo cáo,
thống kê, so sánh kết quả học lực ở vài năm trước với năm nay của lớp 12
thì sẽ thấy nó biến động, thay đổi ở mức nào ngay.
Chủ trương, chính sách thì đúng, nhưng đáng buồn, khi thực hiện,
triển khai, các địa phương, thầy cô giáo lại “không chuẩn”, làm cho
những cái đúng đắn, tốt đẹp ấy bị méo mó, lệch vẹo, thậm chí phản giáo
dục, gây ảnh hưởng xấu.
Sau kỳ thi quốc gia này, Bộ GD&ĐT nên mở một diễn đàn rộng rãi
để mọi đối tượng góp ý, nêu ra những mặt được và mặt chưa được, nhằm
điều chỉnh, có các giải pháp phù hợp, tốt hơn cho năm học đến./.
Theo GDVN