Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 17/6/2010 23:58'(GMT+7)

Thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí, xuất bản thành chính sách, pháp luật của nhà nước

Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác báo chí, xuất bản

Trong thời gian qua công tác báo chí, xuất bản đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, ổn định chính trị xã hội, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Tuy nhiên, cũng nghiêm khắc nhận thấy rằng những khuyết điểm, yếu kém trong hoạt động báo chí, xuất bản đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề mới cần tập trung giải quyết nhằm bảo đảm cho công tác thông tin đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã ra nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, thông báo, thông tri, kế hoạch nhằm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản, với các nguyên tắc: tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với công tác báo chí, xuất bản; phát triển đi đôi với quản lý tốt; nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, cơ quan tham mưu của Đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý báo chí, xuất bản; xử lý nghiêm minh các sai phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, bảo đảm không có báo chí tư nhân, làm tốt công tác tư tưởng và giữ vững trận địa tư tưởng trong bối cảnh tình hình bên ngoài và trong nước có những diễn biến mới, phức tạp.

Nghị quyết và những văn bản chỉ đạo của Đảng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Có thể nêu một số văn bản quan trọng gần đây như:

Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay; Thông báo kết luận số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Thông báo kết luận số 68-TB/TW ngày 30-3-2007 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Thông báo số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23-4-2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Quyết định số 157-QĐ/TW ngày 29-4-2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 31-7-2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; Quyết định số 202-QĐ/TW ngày 11-12-2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp và gắn kết công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, báo chí.

Trong lĩnh vực xuất bản, cùng với Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17-10-1997 của Bộ Chính trị, Thông tri số 01/TT-TW ngày 25-12-2001, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản.

Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Đảng về báo chí, xuất bản được đúc kết từ thực trạng phát triển của báo chí, xuất bản và thực tiễn công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, xuất bản trong tình hình mới, nên đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, đồng thời định hướng phát triển với tầm nhìn bao quát, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng về lĩnh vực tư tưởng quan trọng này.

Trong lĩnh vực báo chí, các văn bản của Đảng thời gian gần đây đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là việc rà soát quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí thuộc tất cả các loại hình, bảo đảm tổ chức và hoạt động đúng với Luật Báo chí; tổng kết, nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Báo chí theo hướng giữ vững bản chất của báo chí cách mạng và tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và người làm báo trước Đảng, Nhà nước và nhân dân...

Trong lĩnh vực xuất bản, các văn bản của Đảng đã chỉ rõ hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc; xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí, xuất bản thành chính sách, pháp luật của Nhà nước

Thứ nhất, các cơ quan làm công tác xây dựng pháp luật đã quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng, thể chế hóa trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; không có báo chí tư nhân; phát triển đi đôi với quản lý tốt...

Thứ hai, hầu hết các khuyết điểm, yếu kém trong hoạt động và công tác báo chí, xuất bản mà văn bản chỉ đạo của Đảng đã nêu rõ đều được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản, thành các chế tài, quy định hết sức cụ thể, rõ ràng nhằm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, tạo điều kiện cho báo chí, xuất bản phát triển. Ví dụ như việc xây dựng quy chế xác định nguồn tin trên báo chí để khắc phục tình trạng đăng thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin liên quan đời tư công dân; hay Thông tư hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của cơ quan báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí, phóng viên tại địa phương, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí tại địa phương, chấn chỉnh những bất cập, lộn xộn của hoạt động đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú như đã từng xảy ra trước khi ban hành Thông tư...

Công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí được thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng và sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại các Thông báo số 162-TB/TW, số 41-TB/TW và số 68-TB/TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 13-5-2005 và Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị. Chỉ thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước”.

Với tinh thần đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ đã và đang tiếp tục tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan báo chí, xác định những ấn phẩm chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ, không phù hợp quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án quy hoạch báo chí in đến năm 2020; xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống phát thanh - truyền hình địa phương đến năm 2020...

Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm chỉ đạo thực hiện nên đã đạt được một số kết quả nhất định.

Về báo chí, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Ban soạn thảo xây dựng Luật Báo chí sửa đổi do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đã hoàn thành dự thảo lần thứ 12 trình Chính phủ, nội dung quán triệt nguyên tắc: sửa Luật Báo chí là nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; không có báo chí tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển nhanh, vững chắc theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ sự phát triển của đất nước; khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động báo chí trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành, quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đồng thời tiến hành xây dựng mới hoặc rà soát nhằm sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản pháp lý để điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, trong đó có những vấn đề đặc biệt nhạy cảm và phức tạp như việc quản lý blog, quản lý nguồn tin trên báo chí, quản lý các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú hoạt động tại các địa phương và nhiều vấn đề cấp bách khác. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lần lượt ban hành, xây dựng văn bản trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20-3-2007 hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo; Quyết định số 49/2008/QĐ-BTTTT ngày 26/9/2008 ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và sẽ ban hành trong thời gian tới một số văn bản như: Thông tư hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi, tịch thu ấn phẩm báo chí; đình bản tạm thời và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; Thông tư hướng dẫn việc quản lý chất lượng tín hiệu đầu cuối truyền hình cáp tương tự; Thông tư liên bộ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy hệ thống phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến cơ sở; Thông tư hướng dẫn Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý thông tin trên In-tơ-net...

Về xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực trong việc tham mưu, đề xuất với Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan từng bước xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, như trong vòng gần 5 năm, 2 lần tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 1993 (năm 2004 và năm 2008) và xây dựng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản để triển khai thực hiện đồng bộ khi Luật có hiệu lực thi hành.

Việc sửa đổi Luật Xuất bản đã bảo đảm thể chế hóa một cách khoa học và toàn diện các quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, đồng thời bảo đảm sự phát triển ổn định của hoạt động xuất bản cả trước mắt và lâu dài; đặc biệt tạo sự tự chủ, năng động, sáng tạo cho các đơn vị trong hoạt động xuất bản. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã kế thừa những quy định còn phù hợp trong Luật Xuất bản năm 1993, bổ sung những vấn đề mới do thực tiễn và yêu cầu phát triển của hoạt động xuất bản đặt ra; cụ thể hóa những quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc hoặc quá đơn giản; bỏ những quy định đã lạc hậu hoặc thiếu tính khả thi.

Trong quá trình thực thi, Luật Xuất bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển đúng định hướng chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất bản và chất lượng xuất bản phẩm, khắc phục những quy định không còn phù hợp hoặc thiếu khả thi do sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị xuất bản, các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước và của cá nhân đối với hoạt động xuất bản, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

Mặc dù vậy việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật về báo chí, xuất bản có những thời điểm còn chậm, thiếu sự chủ động.

Tình hình đó có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản chưa bảo đảm tiến độ chương trình đề ra dẫn đến công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật của Nhà nước bị chậm lại về thời gian.

Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành các quy định của pháp luật do Nhà nước ban hành là một nguyên tắc quan trọng trong quy trình xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do vậy, đòi hỏi những người làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách phải nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng một cách có hệ thống. Thực tế cho thấy một số cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật còn chưa nắm chắc sự chỉ đạo của Đảng liên quan lĩnh vực chuyên môn nên tỏ ra lúng túng khi triển khai công tác này, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến công tác thể chế hóa chưa mang tính chủ động.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí xuất bản trong xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước

1 - Trước hết, phải nói đến vai trò của đội ngũ những người làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách. Họ phải là những người quán triệt sâu sắc nhất đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn, và đặc biệt là đối với lĩnh vực tư tưởng, lý luận nói chung, báo chí, xuất bản nói riêng. Cần thiết có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chính trị, bảo đảm cho những cán bộ làm công tác lập pháp được trang bị đầy đủ, cập nhật thông tin để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

2 - Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tham gia xây dựng pháp luật, Quốc hội với cơ quan tham mưu của Đảng để các loại văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản được ban hành bảo đảm tiến độ thời gian, không để xảy ra tình trạng văn bản chỉ đạo của Đảng ban hành ra nhưng lại không được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật hoặc không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên những nguyên tắc, chỉ đạo trong văn bản của Đảng không đến được với thực tiễn của đời sống xã hội.

3 - Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho bộ phận tham mưu, xây dựng các văn bản của Đảng liên quan lĩnh vực có tính chuyên ngành như báo chí, xuất bản. Bộ phận này có tinh thông nghiệp vụ, bám sát thực tiễn hoạt động và công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản thì mới làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả văn bản chỉ đạo của Đảng, để từ đó chất lượng và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phù hợp và điều chỉnh kịp thời thực tiễn phát triển của hoạt động báo chí, xuất bản trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới./.

Đỗ Quý Doãn,
 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất