Thứ Hai, 23/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 20/6/2013 15:38'(GMT+7)

Thông tin đối ngoại là một bộ phận của công tác tư tưởng

Sáng nay 20/6, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và Bộ Thông tin truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020, dành cho đối tượng là đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại các địa phương các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nêu rõ: Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, văn hóa lịch sử, con người; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; thông tin về tình hình thế giới cho nhân dân trong nước.

Sau phần phát biểu khai mạc, các đại biểu dự hội nghị đã nghe đồng chí Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông giới thiệu các chuyên đề về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại và Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại; Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2014 và những vấn đề đặt ra đối với các địa phương. Nghe Giám đốc Học viện Ngoại giao – Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý thông báo về tình hình thế giới, khu vực và thành tựu đối ngoại của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây; tình hình Biển Đông; và Hội nhập quốc tế ở Việt Nam giai đoạn hiện nay...

Hội nghị là cơ sở để đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của Trung ương và địa phương căn cứ, vận dụng để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình; đồng thời tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan làm công tác thông tin đối ngoại cũng như chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay trong điều kiện mới.

Mục tiêu tổng quát của công tác thông tin đối ngoại là tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, tiềm năng hợp tác, phát triển của đất nước; nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm “Chính xác - Kịp thời - Sinh động - Phù hợp với từng đối tượng”.

Theo Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương Phạm Văn Linh: Thông tin đối ngoại còn có nhiệm vụ đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái các thể lực cơ hội, thù địch với Việt Nam. Trong những năm vừa qua, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển đáng ghi nhận: Nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao; các hoạt động thông tin đối ngoại đã được tổ chức bài bản, đi vào thực chất hơn; nội dung thông tin đã phong phú và kịp thời hơn; phương thức hoạt động đã có sự đổi mới, linh hoạt hơn; các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, đông đảo và đa dạng hơn; đối tượng, địa bàn hoạt động ngày càng được mở rộng; hiệu quả đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch được nâng cao một bước. Các hoạt động thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố và mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài; tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế như: thông tin từ Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn có nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng; thông tin đối nội và đối ngoại vẫn chưa gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, thông tin còn chậm, có lúc thiếu nhất quán, thông tin còn có những nội dung không chính xác, chưa được kiểm chứng, có những sơ hở để các thế lực xấu lợi dụng. Công tác đấu tranh dư luận đã có những đổi mới nhất định, nhưng tính thuyết phục chưa cao. Việc định hướng thông tin ra nước ngoài còn chưa kịp thời, đặc biệt là đối với một số vấn đề, vụ việc nhạy cảm, nảy sinh ở trong nước./.

Tuấn Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất