Thứ Sáu, 17/5/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 16/9/2009 8:28'(GMT+7)

Thực chất của cái gọi là “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ

“Thúc đẩy dân chủ” là việc Mỹ dựa vào hình thái ý thức và các tiêu chuẩn giá trị của mình, lấy sức mạnh kinh tế, quân sự làm sức ép, vận dụng nhiều thủ đoạn khác nhau gây ảnh hưởng và làm thay đổi cục diện chính trị của nước khác, thiết lập chế độ dân chủ kiểu Mỹ trên toàn thế giới, để thông qua đó thực hiện âm mưu bá chủ thế giới của mình.

Tiến trình “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ sau “Chiến tranh lạnh”

Trong Thông điệp Liên bang năm 1990, Tổng thống G. Bu-sơ (cha) tuyên bố: “Bốn mươi năm qua, Mỹ và các nước đồng minh luôn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản để bảo đảm cho dân chủ được tồn tại. Giờ đây, do một số nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu sụp đổ, mục tiêu của chúng ta là phải bảo đảm cho dân chủ được phát triển”.

Sau khi lên nắm quyền, năm 1994, Tổng thống B. Clin-tơn đã cho ra đời báo cáo chiến lược an ninh quốc gia với tên gọi “Chiến lược tham gia và mở rộng”, coi “thúc đẩy dân chủ” là mục tiêu quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. B. Clin-tơn cho rằng: “Mục tiêu chủ yếu của chiến lược an ninh quốc gia trong thời đại mới là dùng lực lượng quân sự luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước, giúp nền kinh tế Mỹ khôi phục lại sức sống, thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài phát triển”.

Đến thời Tổng thống G.W. Bu-sơ, “thúc đẩy dân chủ” được coi là một mục tiêu nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ hai, ngày 20-1-2005, ông G.W. Bu-sơ tuyên bố: “thúc đẩy dân chủ” trên phạm vi toàn cầu là “yêu cầu cấp bách mà an ninh quốc gia Mỹ đặt ra”, mục tiêu cuối cùng của “thúc đẩy dân chủ” là kết thúc sự cai trị của các chính thể chuyên chế”.

Tuy nhiên, do những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến ở I-rắc, những kết quả mà chính quyền G.W. Bu-sơ đạt được trong cái gọi là tiến trình “thúc đẩy dân chủ” lại không bằng những gì mà chính quyền của người tiền nhiệm đạt được. Nhà phân tích Thô-mát Ca-rô-thơ bình luận: “Dưới sự lãnh đạo của ông G.W. Bu-sơ, “thúc đẩy dân chủ” đã bị tổn hại về tiếng tăm do nó có mối liên hệ mật thiết với cuộc chiến ở I-rắc. Hiện nay, chỉ có số ít công chúng Mỹ ủng hộ việc coi “thúc đẩy dân chủ” là một mục tiêu chính sách của Mỹ, dù là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ nắm quyền thì nội bộ đều có những mối bất đồng gay gắt xung quanh vấn đề này”(1).

Có thể thấy, nếu trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ là một âm mưu che đậy mục tiêu chống lại các nước xã hội chủ nghĩa, thì sau cuộc chiến này, hoạt động đó càng trở nên công khai hơn và quyết liệt hơn.

Âm mưu, thủ đoạn và mục tiêu của Mỹ trong chiến lược “thúc đẩy dân chủ”

Âm mưu và thủ đoạn “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ

Thứ nhất, tấn công hoặc can thiệp quân sự. Thông thường, mục tiêu “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ được tiến hành bằng “diễn biến hòa bình” thông qua những biện pháp dân sự, tâm lý, tư tưởng, nhưng nhiều khi không đem lại kết quả như tham vọng của Mỹ. Do vậy, trong những trường hợp cần thiết - tức là khi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực và lợi ích quốc gia mà thực chất là lợi ích của các tập đoàn tư bản Mỹ, Chính phủ Mỹ đã trắng trợn sử dụng biện pháp quân sự nhằm lật đổ chính phủ được bầu lên một cách hợp hiến ở những nước mà Mỹ cho là “phi dân chủ”. Điển hình là cuộc chiến mà Mỹ phát động tại Nam Tư vào năm 1999 dưới chiêu bài “can thiệp nhân đạo”, chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan năm 2001 với chiến dịch “Tự do bền vững” nhằm truy quét các phần tử khủng bố và cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003 dưới cái cớ ngăn chặn nước này sản xuất và phát triển vũ khí giết người hàng loạt.

Thứ hai, gây sức ép chính trị. Luôn tự coi mình là “luật sư bảo vệ nhân quyền”, hằng năm Chính phủ Mỹ đều công bố Sách Trắng về nhân quyền và viện đủ mọi lý do để bới móc, bình phẩm tình hình nhân quyền ở một số quốc gia. Những “tiêu chuẩn” mà Mỹ sử dụng để đánh giá chỉ dựa vào mối quan hệ thân sơ với Mỹ và sự “yêu ghét” của Mỹ đối với các quốc gia này. Và rồi, Mỹ đã lấy đó để gây sức ép chính trị đối với các nước xã hội chủ nghĩa hoặc một số nước theo chủ nghĩa dân tộc, đòi các nước này phát triển theo chiều hướng mà Mỹ mong muốn.

Thứ ba, lợi dụng các tổ chức phi chính phủ. Khi xây dựng kịch bản “cách mạng màu sắc” ở các nước Trung Á, chính quyền Mỹ chủ yếu dựa vào các tổ chức phi chính phủ để ủng hộ phe đối lập, xúi giục người dân biểu tình, lật đổ chính quyền đương thời. Hiện Mỹ có khoảng trên 1,5 triệu tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức phi chính phủ chuyên giật dây cho các cuộc cách mạng “dân chủ” trên thế giới. Kinh phí hoạt động của các tổ chức này do Cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế (USAID) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cấp. Đối với những nước “đối địch”, các tổ chức phi chính phủ sẽ xuất đầu lộ diện để tiến hành “cải cách” theo kiểu Mỹ, tức là thúc đẩy “cách mạng màu sắc”. Cụ thể: Mỹ sẽ cử các đoàn sang nước chuẩn bị diễn ra bầu cử để khảo sát, tổ chức các lớp đào tạo cho phe đối lập, truyền bá kinh nghiệm xây dựng mạng lưới tổ chức chống đối chính phủ. Sau khi kết thúc bầu cử, phe đối lập từ chối công nhận kết quả bầu cử có lợi cho chính phủ, xúi giục dân chúng xuống đường biểu tình... Trong trường hợp kết quả bầu cử được tuyên bố là không có hiệu lực, chính phủ nước sở tại phải từ chức, phe đối lập thành lập chính phủ mới, Mỹ sẽ lập tức lên tiếng công nhận chính quyền mới này.

Thứ tư, tấn công văn hóa. Đây là hình thức lợi dụng các phương tiện thông tin truyền thông để tuyên truyền với thế giới hệ thống quan niệm giá trị và lối sống Mỹ, gây ra những ảnh hưởng ngầm trong giới trẻ hoặc tung ra các bài báo công kích, đầu độc người dân ở các quốc gia mà Mỹ cho là “phi dân chủ”, từ đó tạo nên sự bất ổn trong dư luận, gây rối trật tự xã hội... và lấy đó làm cớ để can thiệp vào nội bộ của các quốc gia này.

Mục tiêu “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ

Một là, bảo đảm cho lợi ích kinh tế của Mỹ trên toàn cầu. Lịch sử phát triển của nước Mỹ gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính những nguồn tài nguyên quan trọng của thế giới, đặc biệt là tài nguyên năng lượng. Sở hữu một nguồn tài nguyên khổng lồ không chỉ là huyết mạch quan trọng để kinh tế Mỹ có thể phát triển, mà còn là nền tảng vật chất duy trì sự tồn tại của chế độ dân chủ kiểu Mỹ. Sau Trung Đông, địa chỉ mà Mỹ nhằm tới là vùng biển Ca-xpi - địa bàn các nước Trung Á, nơi có trữ lượng dầu mỏ lên tới 200 tỉ thùng, chỉ đứng sau Trung Đông, trữ lượng khí thiên nhiên cũng lên tới 7.900 tỉ m3, đứng thứ ba thế giới sau Nga và Trung Đông. Thông qua việc thực hiện chiến lược “thúc đẩy dân chủ”, Mỹ có tham vọng khống chế chặt chẽ chính phủ các nước ở hai khu vực Trung Đông và Trung Á, đồng thời sẽ giành được quyền kiểm soát kho dầu trọng yếu của thế giới.

Hai là, ngăn chặn sự trỗi dậy của các nước vốn là mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Các nhà chiến lược phương Tây cho rằng, Đông Âu và Trung Á là “trái tim” của thế giới, ai kiểm soát được khu vực trọng yếu này sẽ kiểm soát được cả thế giới. Sở dĩ Mỹ tích cực thực thi chiến lược “thúc đẩy dân chủ” ở khu vực này là muốn khống chế Nga một cách tối đa và tạo dựng rào chắn chiến lược vững chắc nhất đối với các nước đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc.

Ba là, diệt trừ tận gốc “cái gai” chủ nghĩa khủng bố. Sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, trong số 19 thủ phạm bắt cóc máy bay để đâm vào tòa tháp đôi ở Niu Oóc, có 15 tên đến từ Ả-rập Xê-út - một trong những nước đồng minh tin cậy nhất của Mỹ ở Trung Đông. Đây là một kết quả khiến Chính phủ Mỹ thực sự bất ngờ và giúp Mỹ “ngộ” ra rằng, giải pháp duy nhất để bảo đảm an ninh quốc gia là thông qua con đường “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài, và chỉ có phương thức này mới có thể triệt tiêu tận gốc những mối nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của nước Mỹ.

Bốn là, kết hợp chiến lược “thúc đẩy dân chủ” với hoạt động bảo vệ chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, nhằm đạt được mưu đồ “một mũi tên trúng nhiều đích”. Học giả nổi tiếng người Mỹ Mai-cơn Man-đen-bao cho rằng: “Những thất bại trong việc thúc đẩy dân chủ của Mỹ không đồng nghĩa với sự thất bại của bản thân nền dân chủ. Trên thực tế, những thất bại trong tiến trình thúc đẩy dân chủ của Mỹ đi liền với sự mở rộng của bản thân nền dân chủ”(2). Do đó, nếu xét trên một khía cạnh khác, bản thân hành động của Mỹ dùng các biện pháp mang tính chất ép buộc để “thúc đẩy dân chủ” đã đi ngược lại với các quan niệm giá trị của dân chủ.

Do chiến lược “thúc đẩy dân chủ” chủ yếu phục vụ cho lợi ích quốc gia của Mỹ, nên trong tiến trình “ủng hộ”, “nâng đỡ” dân chủ, Mỹ thường đưa ra tiêu chuẩn kép, trong đó một loại tiêu chuẩn dành cho các nước thân Mỹ, một loại tiêu chuẩn dành cho các nước đối địch với Mỹ. Đối với các nước thân Mỹ, họ sẽ tích cực tham gia, thậm chí còn có những hành động vượt khỏi khuôn khổ của Liên hợp quốc. Trong vấn đề nhân quyền, Mỹ luôn né tránh đề cập các vụ bê bối ngược đãi tù nhân, vi phạm nhân quyền ở các nhà tù bí mật, nhưng lại thường xuyên đánh giá, chỉ trích vô cớ tình hình nhân quyền ở những quốc gia vốn là “cái gai” trong mắt Mỹ. Đối với hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của các nước đồng minh, Mỹ dung túng cho qua. Nhưng khi một quốc gia đối địch với Mỹ như I-ran phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ chỉ trích gay gắt, tìm mọi cách ngăn cản. Trong vấn đề bầu cử, Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la H. Cha-vét - người thắng cử sau cuộc bầu cử hợp hiến, công kích chính phủ của Tổng thống H. Cha-vét là “mối đe dọa đối với nền dân chủ ở Nam Mỹ”. Đối với các quốc gia ủng hộ Mỹ, cho dù trong mắt Mỹ, các quốc gia này không hề dân chủ, nhưng Mỹ vẫn dễ dàng bỏ qua. Từ đó có thể thấy, việc đưa ra tiêu chuẩn kép trong vấn đề dân chủ càng làm cho người ta thấy rõ rằng, “thúc đẩy dân chủ” chỉ là công cụ để Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại, tìm kiếm lợi ích cho mình mà thôi.

Cái giá phải trả cho chiến lược “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ

Sau sự kiện ngày 11-9-2001, Mỹ coi chống khủng bố là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược toàn cầu, đồng thời coi “thúc đẩy dân chủ” là lộ trình căn bản để giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, có học giả bày tỏ nghi ngờ với cách làm này. Giáo sư Mai-cơn Phri-man, Viện Hải quân Môn-te-ri (Ca-li-phoóc-ni-a) cho rằng: “Mặc dù thúc đẩy dân chủ đã trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược truy quét chủ nghĩa khủng bố của Chính phủ Mỹ, nhưng chiến lược này không thể tạo ra được những ảnh hưởng tích cực như những gì mà người đề xướng nó kỳ vọng”(3).

Thực tế cho thấy, chiến lược “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho an ninh quốc tế, cụ thể như sau:

Bất lợi cho sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu

Có thể thấy, chiến lược “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ vẫn mang nếp tư duy của “Chiến tranh lạnh”, bởi nó đã chia các quốc gia trên thế giới thành hai bộ phận: nhóm quốc gia dân chủ và nhóm quốc gia “phi dân chủ”, điều này không phù hợp với trào lưu hòa bình, phát triển, hợp tác của thế giới đương đại, đi ngược với xu thế toàn cầu hóa. Chiến lược này của Mỹ đã liên kết các nước phát triển và một bộ phận các nước đang phát triển lại với nhau, từ đó gây ra sức ép rất lớn cho các nước đang phát triển và các nước xã hội chủ nghĩa bị Mỹ gán cho là “phi dân chủ”.

Chương trình Đại Trung Đông vấp phải nhiều cản trở

Tháng 2-2004, Tổng thống G.W. Bu-sơ đề ra chương trình này nhằm thúc đẩy 22 nước thành viên của Liên minh Ả-rập và các nước I-xra-en, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan... tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế và xã hội. Thực chất của chương trình này là muốn “cải tạo” các nước Trung Đông theo mô hình Mỹ, đưa các quốc gia này vào quỹ đạo chiến lược của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mục tiêu dân chủ hóa Trung Đông của Mỹ đã vấp phải rất nhiều khó khăn.

Một mặt, cục diện I-rắc tiếp tục bất ổn, tương lai của I-rắc vẫn hết sức mù mịt. Cuộc bầu cử đầu tiên của I-rắc sau chiến tranh được Mỹ “ca ngợi hết lời”, nhưng kết quả bầu cử đã khiến Mỹ thực sự thất vọng, lực lượng Hồi giáo dòng Si-ai vốn có mối quan hệ mật thiết với I-ran lại giành được đa số phiếu trong quốc hội. Sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo dòng Si-ai làm gia tăng ảnh hưởng của I-ran đối với I-rắc và cả khu vực Trung Đông, điều này đi ngược với chiến lược cô lập I-ran của Mỹ, và nó cũng dự báo cho việc Mỹ tiếp tục bị lún sâu vào “vũng lầy” ở khu vực “nhạy cảm” này.

Mặt khác, việc Phong trào Ha-mát - một tổ chức bị Mỹ coi là “tổ chức khủng bố” và cực lực bài xích lại giành được 2/3 số ghế trong quốc hội Pa-le-xtin ngày 26-1-2006 là điều nằm ngoài sự dự đoán của Mỹ. Việc Ha-mát thắng cử khiến cho chiến lược “thúc đẩy dân chủ” trở thành “trò hề” không hơn không kém.

“Cách mạng màu sắc” dần dần nhạt màu

Sau khi “cách mạng màu sắc” nổ ra ở U-crai-na và Gru-di-a, người dân ở hai quốc gia này đã phải trải qua những khoảnh khắc khó diễn tả: từ vui sướng cuồng nhiệt đến hy vọng, từ hy vọng đến chờ đợi, từ chờ đợi đến nhẫn nại, từ nhẫn nại đến thất vọng tràn trề. “Cách mạng màu sắc” không “xán lạn” như họ kỳ vọng, rõ ràng, “dân chủ hóa” chỉ là một công cụ để đấu tranh chính trị, nó không thể cải thiện đời sống nhân dân và cũng không làm cho bộ máy chính quyền ở các quốc gia này trở nên minh bạch, trong sạch hơn.

Trong chiến lược “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ, một số nước bị Mỹ liệt vào danh sách các nước “phi dân chủ” đương nhiên sẽ trở thành đối thủ hoặc kẻ thù của Mỹ. Và để tránh “cách mạng màu sắc” nổ ra trên đất nước mình, các quốc gia này luôn đề phòng sự can thiệp của Mỹ, luôn tìm kiếm các biện pháp mạnh để bảo vệ an ninh quốc gia, thậm chí phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với sự đe dọa từ Mỹ. Điều này, vô hình trung, dẫn đến nguy cơ một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia, gây bất ổn cho an ninh khu vực và thế giới.

Quan hệ giữa các nước lớn bị rạn nứt

Sự hợp tác giữa các nước lớn có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì ổn định, hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, chiến lược “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ lại không có lợi cho sự hợp tác này. Vấn đề dân chủ luôn là yếu tố nhạy cảm ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Với sự lớn mạnh của Trung Quốc, Mỹ ngày càng lo ngại về mối đe dọa lớn từ Trung Quốc. Những lời phê phán, chỉ trích của Mỹ đối với cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin vì đã gây ra cái gọi là “dân chủ tụt lùi” và việc Mỹ ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc “cách mạng màu sắc” ở các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập đã trở thành nguyên nhân quan trọng khiến quan hệ Mỹ - Nga xấu đi. Trong chiến lược toàn cầu, một mặt, Mỹ muốn hợp tác với Nga và Trung Quốc trên lĩnh vực chống khủng bố, ngăn chặn phát triển vũ khí giết người hàng loạt, an ninh khu vực, kinh tế...; mặt khác, Mỹ lại luôn tìm mọi cách gây sức ép cho hai quốc gia này trong vấn đề “thúc đẩy dân chủ”. Chính sách mâu thuẫn này ắt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác lâu dài giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Rõ ràng, việc Mỹ dùng các thủ đoạn quân sự, kinh tế, văn hóa... để áp đặt một “nền dân chủ” kiểu Mỹ thì dễ, song để duy trì cái “nền dân chủ” đó thì không đơn giản chút nào. Chiến lược “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ sau “Chiến tranh lạnh” đã gây ra những tác động tiêu cực đối với nền hòa bình thế giới, đe dọa đến sự phát triển, ổn định và an ninh toàn cầu.

Chiến lược nào cho chính quyền B. Ô-ba-ma?

Trước khi nhậm chức, trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, ông B. Ô-ba-ma cho biết sẽ xem xét thúc đẩy dân chủ "thông qua một thấu kính thực sự để mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho người dân trên thế giới...". Sau khi nhậm chức, Tổng thống B. Ô-ba-ma và các cố vấn không đề cập nhiều mục tiêu “thúc đẩy dân chủ”. Mặc dù không hoàn toàn từ bỏ tham vọng của người tiền nhiệm, nhưng dường như ông B. Ô-ba-ma sẽ có kế hoạch quay trở lại một chính sách mang tính truyền thống hơn. So với bài diễn văn nhậm chức của ông G.W. Bu-sơ hơn 4 năm về trước kêu gọi coi “thúc đẩy dân chủ” là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ, thì bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống B. Ô-ba-ma ngày 20-1-2009 lại có giọng điệu khác: “Sức mạnh cốt lõi của nước Mỹ không phải bắt nguồn từ những mối đe dọa bằng vũ lực hay kho tàng của cải, vật chất đồ sộ, mà bắt nguồn từ sức mạnh bền bỉ, đó chính là dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng không chịu khuất phục”. Có thể dự đoán, ông B. Ô-ba-ma có chủ trương “giúp đỡ” các quốc gia khác xây dựng và hoàn thiện thể chế dân chủ bằng một chính sách “mềm dẻo” hơn.

Sự mềm dẻo trong đường lối đối ngoại của Tổng thống B. Ô-ba-ma được thể hiện rõ trong việc Mỹ mong muốn cải thiện quan hệ với Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, đặc biệt là những thay đổi về lập trường xung quanh vấn đề I-xra-en và Pa-le-xtin. Ông B. Ô-ba-ma đã chỉ trích I-xra-en về việc tiếp tục xây dựng các khu định cư ở khu vực Bờ Tây sông Gioóc-đan, đồng thời yêu cầu nước này phải thay đổi cách tư duy về đường biên giới, an ninh lâu dài... Ông cũng mong muốn giải phóng người Pa-le-xtin thoát khỏi sự chiếm đóng của I-xra-en, cải thiện đời sống của người dân nước này. Đặc biệt, mới đây, Mỹ đã yêu cầu I-xra-en ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân - một cú sốc với quốc gia này, vì nhiều thập niên qua, Mỹ vẫn tôn trọng chính sách “mập mờ hạt nhân” của I-xra-en và tránh không buộc nước này phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngày 4-6-2009, phát biểu tại Đại học Cai-rô (Ai Cập), ông B. Ô-ba-ma mong muốn được cải thiện với thế giới Hồi giáo, hiện có tới 1,5 tỉ tín đồ trên khắp hành tinh. Trong bài phát biểu này, ông B. Ô-ba-ma đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề dân chủ: “Không một nước nào có quyền áp đặt một thể chế chính trị cho một quốc gia khác, tuy nhiên nước Mỹ chủ trương thể chế chính trị phải thể hiện ý muốn của người dân dù cách thể hiện ý muốn này có thể khác nhau tùy theo phong tục tập quán của từng dân tộc. Mỹ không thể xác định cách chọn nào thì tốt cho quốc gia nào, và cũng không thể quả quyết người nào hay đảng phái nào mới xứng đáng được chọn lựa”. Có thể nói, quan điểm này của ông B. Ô-ba-ma được coi là sự tương phản sắc nét so với bài phát biểu của người tiền nhiệm G.W. Bu-sơ hơn 4 năm trước. Nó cho thấy vị tổng thống này tỏ ra thận trọng hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến dân chủ, bởi sau những thất bại của chiến lược “thúc đẩy dân chủ” mà người tiền nhiệm để lại, ông B. Ô-ba-ma nhận thấy rằng, áp đặt một chể thế chính trị cho một quốc gia khác là điều rất khó thực hiện!

Tại một phiên họp với Ủy ban Các vấn đề đối ngoại của Hạ viện, ngày 22-4-2009, Ngoại trưởng H. Clin-tơn đã dùng ba chữ “D” để khái quát các ưu tiên trong đường lối ngoại giao của Mỹ trong tương lai: Phòng ngự (defense), Ngoại giao (diplomacy) và Phát triển (development), chữ “D” thứ tư Dân chủ (democracy) không được đưa vào. Qua đó có thể thấy, thái độ của ông B. Ô-ba-ma đối với vấn đề “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài sẽ có một số thay đổi so với người tiền nhiệm G.W. Bu-sơ hay B.Clin-tơn. Ông B. Ô-ba-ma sẽ không coi xây dựng và “thúc đẩy dân chủ” là mục tiêu cầm quyền hàng đầu của mình. Chính sách ngoại giao của Tổng thống B. Ô-ba-ma có thể sẽ quay về với đường lối chủ nghĩa hiện thực, né tránh các chủ trương quá khích, chú trọng vận dụng các cách làm linh loạt để tiến hành “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài, từ đó có thể bảo vệ và mở rộng một cách tối đa cho lợi ích của nước Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà lập trường của ông B. Ô-ba-ma lại có những thay đổi như vậy, đó là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và những thất bại trong chiến lược “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của các đời tổng thống trước. Mỹ là quốc gia châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế năm 2008, đồng thời là nước phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng này. Hai trụ cột lớn của nền kinh tế Mỹ là tiền tệ và công nghiệp xe hơi phải đối mặt với sự sụp đổ lớn chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh này, Mỹ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, “ốc không mang nổi mình ốc, ốc nào mang được cọc cho rêu”, còn với chiến lược “thúc đẩy dân chủ”, có thể nói, đối với nước Mỹ hiện nay là "lực bất tòng tâm". Ngoài ra, những hậu quả nặng nề mà hai cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan và I-rắc do người tiền nhiệm G.W. Bu-sơ phát động dựa trên danh nghĩa “thúc đẩy dân chủ” để lại đã khiến ông B. Ô-ba-ma buộc phải có sự điều chỉnh về đường lối ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới./.

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất