Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 7/12/2023 14:49'(GMT+7)

Thực trạng công tác tuyên giáo cơ sở ở Bắc Kạn (*)

Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo cơ sở tỉnh Bắc Kạn”.

Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo cơ sở tỉnh Bắc Kạn”.

Trong những năm qua, công tác tuyên giáo cơ sở đã được cấp ủy các cấp ở Bắc Kạn luôn quan tâm lãnh đạo, bố trí cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ.

Ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên giáo cùng với đội ngũ báo cáo viên, hệ thống tuyên truyền viên từ xã, phường, thị trấn đến thôn, tổ dân phố, tiểu khu, các đoàn thể… tích cực tuyên truyền, giáo dục và động viên cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; tham mưu cấp uỷ tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CƠ SỞ

Tính đến hết tháng 12/2021, toàn tỉnh có tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 2.181 người. Nhìn chung, các địa phương cơ sở bố trí cán bộ, công chức theo quy định, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Về bộ máy làm công tác tuyên giáo, toàn tỉnh có 108 ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn với tổng số thành viên gồm 912 người, trong đó độ tuổi từ 31-40 chiếm nhiều nhất là 411 người, tuổi từ 40-50 có 269 người, trên 50 tuổi có 190 người, dưới 30 tuổi có 42 người; số lượng cán bộ nam có 615 người, nữ 297 người (cao gấp hơn 2 lần so với nữ).

Về tổ chức và hoạt động, Ban tuyên giáo cấp xã do đảng ủy xã, phường, thị trấn quyết định thành lập. Cơ cấu bao gồm: Bí thư hoặc Phó Bí thư thường trực đảng ủy xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban. Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội làm Phó Trưởng ban. Các thành viên còn lại, tùy theo tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn trong số các chức danh: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ Văn phòng đảng ủy. Hoạt động của các thành viên theo chế độ kiêm nhiệm.

Trong những năm qua, ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đã tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác tuyên giáo cơ sở; do vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống lịch sử; tuyên truyền, cổ động; dư luận xã hội; văn hóa văn nghệ; khoa giáo đã triển khai đạt được kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở.

 

buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương với huyện ủy Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW, Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương trên lĩnh vực công tác tuyên giáo.

 

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương với huyện ủy Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW, Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương trên lĩnh vực công tác tuyên giáo.

 

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã làm tốt công tác tư tưởng, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là các thông tin trái chiều, thông tin nhạy cảm để phân tích, dự báo, tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý kịp thời; chỉ đạo hướng dẫn các chi bộ thôn, tổ tiểu khu, phối hợp với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ tương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, bồi đắp, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở cơ sở.

Công tác giáo dục lý luận chính trị và giáo dục truyền thống lịch sử

Được sự quan tâm của cấp ủy, ban tuyên giáo cấp huyện, công tác giáo dục lý luận chính trị và giáo dục truyền thống cách mạng đã được ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn triển khai tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn cơ sở.

Ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy cử cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng theo hình thức trực tuyến, trực tiếp. Thông tin kịp thời các sự kiện thời sự của địa phương, của tỉnh, trong nước và quốc tế đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cơ sở thông qua các cuộc họp cơ quan, các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể. Nhiều đồng chí cán bộ ban tuyên giáo cấp xã vận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang facbook, zalo. Qua đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã cơ bản nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ lý luận chính trị; nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới.

Công tác tuyên truyền, cổ động Ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn cùng với hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên từ xã, phường, thị trấn đến thôn bản, tiểu khu, tổ dân phố, các đoàn thể… là lực lượng quan trọng đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu cấp ủy ban hành kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đạt kết quả cơ bản. Công tác tuyên truyền còn được kết hợp, lồng ghép với các hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt thôn và các đoàn thể quần chúng.

Công tác văn hóa, văn nghệ Ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào dịp sự kiện chính trị quan trọng, kỷ niệm ngày lễ lớn, ngày tết, lễ hội phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân địa phương. Nắm tình  hình và định  hướng nội dung hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát hiện những biểu hiện  lệch lạc, thiếu lành mạnh để tham mưu xử lý. Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện tốt phong trào văn nghệ, thể thao. Theo dõi, ngăn chặn những tác động tiêu cực văn hóa độc hại từ bên ngoài vào đời sống văn hóa cơ sở. Thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở, góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của địa phương, những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng, sáng tạo phát triển kinh tế- xã hội của địa phương..

Công tác dư luận xã hội

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội; cộng tác viên dư luận xã hội đã được cấp ủy tạo điều kiện quan tâm, chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Việc nắm bắt dư luận xã hội thông qua theo dõi phản ánh của báo chí, mạng xã hội, qua sinh hoạt hội họp của thôn (tổ, tiểu khu) và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; thông qua gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân… Những vấn đề dư luận nổi cộm, bức xúc, người dân phản ánh tình hình đã được ban tuyên giáo đảng ủy cấp xã quan tâm, nhất là các thông tin trái chiều, thông tin nhạy cảm để phân tích, dự báo, tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết, xử lý và định hướng dư luận kịp thời, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Công tác Khoa giáo

Ban tuyên giáo và tổ khoa giáo trong ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn (một số địa phương thành lập tổ khoa giáo) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, triển khai tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng trọng tâm các lĩnh vực hoạt động khoa giáo trên địa bàn xã như: Giáo dục và đào tạo; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Hoạt động khoa giáo đã góp phần thiết thực đưa chủ trương, đường lối của của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, nhằm hướng tới mục tiêu chăm lo đến nhân tố con người.

Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở

Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tận dụng linh hoạt các phương tiện, thiết bị làm việc có sẵn và bước đầu được quan tâm đầu tư phục vụ hoạt động tuyên giáo cơ sở như: Hội trường, thiết bị trực tuyến, tivi, loa đài, hệ thống loa phát thanh, mạng internet, tài liệu, sách, báo, tạp chí... tạo điều kiện cho ban tuyên giáo phát huy vai trò để hoạt động có chất lượng.

Mạng lưới viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng: 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; 100% xã, phường, thị trấn được trang cấp hệ thống thiết bị và đường truyền mạng để thực hiện việc kết nối hội nghị trực tuyến từ trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên tại nhiều thôn sóng rất yếu, có lúc không có sóng hoặc phải chọn vị trí; việc khai thác thông tin kể cả gọi điện thoại không đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác tuyên giáo cơ sở vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy chưa lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác tuyên giáo hằng năm kịp thời; chưa xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên ban tuyên giáo cấp xã. Một số đơn vị chưa cụ thể hóa nội dung hoạt động phù hợp với tình hình địa phương trong kế hoạch công tác tuyên giáo hằng năm, Việc tổ chức giao ban hầu hết lồng ghép, ít dành thời gian để đánh giá, định hướng sát nhiệm vụ công tác tuyên giáo hàng kỳ.

Cán bộ làm công tác tuyên giáo đôi lúc chưa chủ động, sáng tạo, còn trông chờ vào văn bản chỉ đạo của cấp trên. Sự phối hợp giữa các thành viên ban tuyên giáo có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên. Chưa tham mưu cho cấp ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho khối chính quyền phải tập trung thực hiện nhiệm vụ lấy ý kiến, tuyên truyền và giải quyết các bức xúc, vấn đề cử tri quan tâm hằng năm.

Việc đầu tư các phần mềm ứng dụng và hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác tuyên giáo chưa đáp ứng.

Sắc màu văn hóa đặc sắc của lễ hội vùng cao tỉnh Bắc Kạn

Sắc màu văn hóa đặc sắc của lễ hội vùng cao tỉnh Bắc Kạn

 

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

Công tác tuyên giáo là một lĩnh vực rộng, đa chiều, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải luôn chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, nỗ lực và nâng cao khả năng dự báo để thực hiện tốt công tác tham mưu, kịp thời giúp cấp ủy giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Từ thực tiễn quá trình thực hiện công tác tuyên giáo cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Thứ nhất, địa phương nào, cấp ủy và ban tuyên giáo cấp trên quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát thì ở đó hoạt động của tuyên giáo cơ sở thực thống nhất, đạt hiệu quả.

Thứ hai, việc phân công đồng chí bí thư kiêm trưởng ban tuyên giáo, chỉ đạo công tác tư tưởng trong toàn đảng bộ sẽ phát huy được vai trò hạt nhân chính trị và sự lãnh đạo của cấp ủy đối với ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn.

Thứ ba, cấp ủy cơ sở phải chỉ đạo ban hành quy chế làm việc, quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban, của thành viên Ban tuyên giáo kiêm nhiệm. Cấp ủy lãnh đạo triển khai thực hiện phải được cụ thể hoá thành kế hoạch, chương trình, hướng dẫn từng nội dung cụ thể về công tác tuyên giáo cơ sở. Tổ chức giao ban định kỳ để đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, từ đó thống nhất giải pháp tổ chức thực hiện đạt chất lượng. Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Thứ tư, địa phương nào được quan tâm đầu tư hạ tầng internet, sóng điện thoại, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin thì địa phương đó sẽ nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội nhanh hơn; thông tin tuyên truyền được lan tỏa rộng khắp nhiều nhóm đối tượng; hạn chế được chi phí, thời gian của cán bộ, nhận được sự đồng thuận, phấn khởi của nhân dân khi được tiếp cận đầy đủ thông tin.

Thứ năm, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo đặc biệt là đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở phải luôn chủ động, sáng tạo, nỗ lực và nâng cao khả năng dự báo để thực hiện tốt công tác tham mưu, bảo đảm tính nhạy bén, kịp thời giúp cấp ủy xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa phương.

Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo tham gia tập huấn, học tập các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ lý luận, tạo nguồn quy hoạch ở xã, phường, thị trấn. Hướng dẫn quy trình nghiệp vụ công tác tuyên giáo; phân công cán bộ có kinh nghiệm định hướng cho cán bộ mới, cán bộ trẻ tâm huyết đảm bảo tính kế thừa, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Thứ sáu, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc và nội dung công tác, góp phần tháo gỡ khó khăn nâng cao chất lượng của công tác tuyên giáo cơ sở./.

 

Trần Thị Lộc,

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn

___________________________________

(*) Bài viết là sản phẩm trên cơ sở nội dung của Đề tài khoa học "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo cơ sở tỉnh Bắc Kạn" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn chủ trì.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất