Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 26/6/2009 9:17'(GMT+7)

Thực trạng vấn đề bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc

Nghệ sĩ dân tộc Chăm hào hứng tham gia lễ khai mạc triển lãm "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Chăm" - Ảnh: Việt Dũng

Nghệ sĩ dân tộc Chăm hào hứng tham gia lễ khai mạc triển lãm "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Chăm" - Ảnh: Việt Dũng

Đó là vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc đang bị mờ dần và hiện tượng xâm thực văn hoá ngày càng gia tăng, càng chiếm lĩnh trận địa, thể hiện từ những buổi lễ khánh thành, kỷ niệm các sự kiện ở các cơ quan nhà nước, đến các doanh nghiệp, thậm chí đến những buổi diễn ở các rạp hát, kể cả rạp tuồng, chèo, cải lương... đều ầm ĩ vang lên những âm thanh chói tai, nhức óc của thứ âm nhạc ‘’thời thượng’’. Vấn đề bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc không phải bây giờ mới đặt ra, mà từ năm 1943 trong bản Đề cương văn hoá Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo đã nói khá kỹ. Quan điểm của Đảng về vấn đề này vẫn nhất quán và xuyên suốt cho đến hôm nay như NQTƯ 5 khoá VIII đề ra là ‘’xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc’’. Hoặc cụ thể hơn, như Bác Hồ đã nói về tuồng, nhưng cũng là nói chung cho các loại hình nghệ thuật truyền thống: ‘’Tuồng, tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, không dẫm chân tại chỗ, song cũng đừng gieo vừng ra ngô’’(1).

Câu nói đơn giản mà sâu sắc của Hồ Chủ Tịch như một chân lý, như một phương châm cho những người hoạt dộng văn hoá nghệ thuật dân tộc. Vì thế mà nghệ thuật dân tộc trong những năm 60, 70, 80 (TK20) phát triển rất tốt, rất đúng phương châm của Đảng và Hồ Chủ Tịch. Nhưng đến cuối những năm 80, sang những năm 90 (TK 20) để bảo tồn và phát huy VHDT bắt đầu nảy sinh những xu hướng thiếu lành mạnh và vấn đề thật sự trở thành nóng lên từ những năm đất nước mở cửa, hội nhập, đặc biệt 1à cơ chế thị trường đã tác động mạnh mẽ vào đời sống văn hoá dân tộc. Cụ thể là xu hướng thương mại hoá nghệ thuật dân tộc ngày càng rộng lớn trên khắp các sân khấu biểu diễn. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, dân ca; kịch ngày càng lún sâu vào thế bế tắc - không có, hoặc rất ít khán giả, nhất là khán giả trẻ. Các rạp hát dành cho nghệ thuật dân tộc phần lớn là vắng khách, tối đèn. Để giành giật người xem, nhiều đơn vị nghệ thuật phải chuyển đổi phương thức xây dựng tiết mục, cụ thể là cải tiến, cách tân, làm mới sân khấu truyền thống, biến tuồng, chèo, cải lương thành kịch nói pha bài ca, âm nhạc hiện đại chiếm tỉ lệ áp đảo trong các dàn nhạc truyền thống. Chưa kể là hình thức trang trí, phục trang ngày càng xa cách với nguyên tắc cách điệu, ước lệ và tượng trưng mà các thế hệ nghệ nhân trước đây đã dày công sáng tạo và đúc kết thành đặc trưng, thành thủ pháp nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của dân tộc ta mà thế giới phải chú ý, khâm phục, ngợi ca.

Có những loại hình nghệ thuật đậm đặc chất dân gian như Quan họ hết sức độc đáo, vốn chỉ tồn tại ở làng quê Kinh Bắc hàng trăm năm với lối hát giao duyên, đối đáp, trữ tình, với kỹ thuật hát xướng rất cao, không phải dùng nhạc đệm và cũng không bao giờ sử dụng kỹ thuật âm thanh phóng đại. Thế mà cũng theo xu thế hiện đại hoá để chiều theo thị hiếu tầm thường kiểu nhạc trẻ, rồi trở thành “quan họ sân khấu’’ tức là lên sân khấu gỗ một mặt biểu diễn có hệ thống âm thanh phóng đại và có dàn nhạc đệm, kể cả nhạc tây. Dĩ nhiên, hình thức hiện đại hoá này lại hợp “gu’’ của khán giả trẻ, đồng thời thu nhập của nghệ sĩ cũng cao hơn nhiều so với phương thức biểu diễn dân gian trong sân đình, dưới những bóng cây làng, hoặc trên dòng sông quê êm đềm thơ mộng. Những cuộc biểu diễn quan họ kiểu tân nhạc đang diễn ra khắp mọi nơi, như vậy là đồng nghĩa với sự phá vỡ bản sắc dân gian, truyền thống, mặc cho những nhà nghiên cứu tâm huyết với nghệ thuật của cha ông khản hơi lên tiếng phê phán và kêu gọi phải bảo tồn truyền thống, phải giữ lấy bản sắc dân tộc. Nhưng gió cứ thổi người cứ đi, đi càng xa, càng lạc hướng! Như vậy còn gì để UNESCO công nhận là di sản của nhân loại?

Hơn 20 năm tung hoành “cải tiến”, “cách tân”, những người ‘’cấp tiến’’ làm nghệ thuật dân tộc mới dần dần nhận ra mình đã đi lạc đường khi nhìn kỹ lại những sáng tác, biểu diễn của mình trở nên xa lạ với truyền thống, xa lạ với công chúng vốn rất yêu, rất thích và cũng rất hiểu nghệ thuật truyền thống.

Việc chủ trương của Đảng về văn hoá nói chung cũng như việc Đảng kêu gọi bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian truyền thống, tuy có tác động tích cực vào hoạt động văn hoá dân tộc, nhưng cho đến nay, xu hướng cách tân, làm mới nghệ thuật truyền thống vẫn còn nhiều lệch lạc từ nhận thức 1ý luận đến thực hành. Cụ thể là còn không ít cán bộ chưa hiểu rõ khái niệm nội dung bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá dân tộc. Từ nhận thức sai dẫn tới thực hành sai, chưa kể một bộ phận nghệ sĩ chẳng mấy quan tâm tới đường lối văn nghệ của Đảng, mà chỉ biết làm theo nhận thức chủ quan của mình. Dĩ nhiên đã và sẽ dẫn tới hệ quả phá vỡ truyền thống như ta thấy, di tích cổ thành di tích mới, âm nhạc cổ thành âm nhạc mới, sân khấu truyền thống thành sân khấu hiện đại, thậm chí cực kỳ hiện đại như có những vở cải lương dàn cảnh như phim trường, huy động hàng trăm diễn viên nhạc công tham gia một vở với nội dung mà sân khấu truyền thống chỉ có hơn mười người tham gia, nhưng vở diễn có thể sống trong lòng người xem hàng trăm năm.

Cũng vì nhận thức sai về bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc mà đã có lúc rộ lên việc dàn dựng hàng trăm ‘’kiệt tác’’ sân khấu thế giới với kinh phí dự toán hàng trăm tỷ đồng, trong khi có nhiều đơn vị sân khấu dân tộc muốn phục hồi những vở truyền thống nhưng không có tiền, dù chỉ mất trên, dưới trăm triệu đồng một vở. Nhà hát tuồng Đào Tấn ở Bình Định sau gần 35 năm từ miền Bắc trở về mà mới phục dựng được vài ba vở trong số gần 30 vở của danh nhân Đào Tấn. Nhà hát nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh cũng đang ‘’lực bất tòng tâm’’ nên cái vốn hát bội (tuồng) truyền thống ở Nam Bộ cứ dần dần biến mất. Rồi đến Nhà hát truyền thống Khánh Hoà, nơi có đội ngũ nghệ sĩ hát bội có nghề, nắm vững nghề, nhưng việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng đang gặp khó khăn về kinh phí, trong khi các nghệ sĩ cao niên nắm vững nghề ngày càng thưa dần vì tuổi đời, vì sức khoẻ. Cụ thể là nhiều nghệ sĩ tài năng như Chánh Ca Trạng, Võ Thị Líu, Lê Văn Hão, Mười Thông, Nguyễn Hữu Thành... gần đây đã lần lượt đi xa. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở Đà Nẵng và Đoàn tuồng Thanh Hoá là hai đơn vị có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, nhưng cũng đang gặp khó khăn về kinh phí, cũng như khán giả, tức là lượng khán giả đến với sân khấu tuồng vẫn còn thưa thớt. Hiện tượng khán giả lạnh nhạt với tuồng rõ nhất là ở Hà Nội, nơi Nhà hát tuồng TƯ đang làm chủ rạp Hồng Hà, một rạp diễn tuồng khang trang nhất trong toàn quốc. Điều này đặt ra cho chúng ta phải suy nghĩ về một phương thức bảo tồn và phát huy có tính khả thi hơn, không thể để thực trạng này kéo dài tới ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hoặc lâu hơn nữa.

Nhìn sang sân khấu chèo, ta thấy có phần khả quan hơn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Nói chung là người xem vẫn còn đến với sân khấu chèo, dù không như ngày xưa: ‘’Tháng 5 mùng 8 nằm queo \ Nghe giục trống chèo cố lết đi xem’’…

Tuy vậy hiện tượng cải tiến, cách tân chèo cổ vẫn còn khá phổ biến trong những vở diễn mới, rõ nhất là trong những vở đề tài hiện đại. Ở sân khấu này, bản sắc chèo truyền thống thường bị mờ nhạt bởi sắc màu đậm đặc của nghệ thuật kịch nói, hoặc opera. Nhiều khán giả than phiền rằng, đi xem tuồng, xem chèo mà không nghe được hát tuồng, chèo thì còn thú vị gì nữa!

Trước thực trạng nghệ thuật dân gian, truyền thống bị thương mại hoá, hoặc hiện đại hoá, ‘’biến vừng ra ngô’’ như Bác Hồ đã cảnh báo từ lâu, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam (có cơ quan ngôn luận là Tạp Chí Văn Hiến Việt Nam) với một đội ngũ GS – TS, nghệ sĩ tài năng và đầy tâm huyết, trong gần 10 năm qua đã cố gắng làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc bằng nhiều hình thức sinh động như: Hội nghị, hội thảo, làm công trình nghiên cứu, tổ chức biểu diễn, quảng bá nghệ thuật dân tộc và thực hiện ‘’Dự án sân khấu học đường’’ (Dự án này do Trung tâm chúng tôi đề xuất với Chính phủ và Chính phủ đã phê duyệt cho Trung tâm phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện đã được 8 năm). Việc đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc như Tuồng, Chèo, Cải lương, Bài Chòi, Dân ca Nghệ Tĩnh, Dân ca Bình - Trị - Thiên vào học đường, dạy cho học sinh phổ thông cả nước hiểu được, diễn được và yêu thích nghệ thuật dân tộc là một cách bảo tồn và phát huy hết sức có hiệu quả, ‘’một mũi tên bắn được hai con chim”, tức là các cháu học sinh trung học sau khi tham gia sân khấu học đường sẽ là những người bảo vệ, quảng bá nghệ thuật dân tộc, đồng thời cũng là những khán giả tích cực của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Nhưng đây mới chỉ là một cách làm từ một sáng kiến của một số ít người tâm huyết sống chết với nghệ thuật dân tộc, trước nguy cơ xâm nhập ngày càng mạnh của văn hoá ngoại bang, văn hoá phi văn hoá, văn hoá không lành mạnh, văn hoá chết người như chúng ta thấy. Nó đang diễn biến hết sức phức tạp trong toàn xã hội hiện nay.

Muốn bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc tốt hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, theo chúng tôi, nhất thiết Đảng và Nhà nước phải có một chính sách đầu tư hợp lý hơn, mạnh mẽ hơn, thoả đáng hơn, phải quan tâm khuyến khích những cơ quan, những tổ chức, những cá nhân đang dốc lòng, dốc sức trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, đồng thời phê phán, thậm chí cắt nguồn kinh phí đối với những tổ chức và cá nhân không nhận thức đúng đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng, làm tổn hại di sản văn hoá của cha ông, làm mờ nhạt bản sắc văn hoá dân tộc, cũng có nghĩa làm mờ hình ảnh của nước Việt Nam ngàn năm văn hiến và anh hùng./.

—————————

(1) Lời Hồ Chủ tịch nói với NSND Nguyễn Nho Túy, đại biểu QH tại kỳ họp QH thứ ba năm 1963.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất