Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 5/10/2016 20:3'(GMT+7)

Tiếng gọi từ thực tiễn

Ảnh minh họa (nguồn ITN)

Ảnh minh họa (nguồn ITN)

Rào cản trong sản xuất kinh doanh của các DN và người dân bao giờ cũng là vấn đề mà các phiên họp Chính phủ quan tâm.

9 tháng của năm kế hoạch 2016 đã đi qua, nhìn lại kinh tế - xã hội đất nước đã sáng lên, nhưng thách thức khó khăn phía trước thì không hề nhỏ. Niềm tin của DN và người dân với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ đã khơi dậy hứng khởi mới trong khát vọng khởi nghiệp. Gần 82.000 DN được thành lập, trong đó có tới 28.000 DN ở TP Hồ Chí Minh. Không ít DN đã biết vượt lên bằng chính cách nghĩ, cách làm của riêng mình.

Nhưng cuộc họp của Chính phủ vẫn nóng bỏng vấn đề thể chế, về cuốn hút các bộ, ngành cùng vào cuộc với mục tiêu hướng mạnh về cơ sở, tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn. Thủ tướng yêu cầu cả nước phải chuyển động mạnh hơn. Các bộ, ngành, địa phương phải trách nhiệm hơn, mạnh mẽ hơn để tháo gỡ những sợi dây còn giằng níu.

Càng thấy đất nước muốn bứt lên phải tạo ra một sự chuyển động tổng thể và đồng bộ từ Trung ương xuống đến các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường. Chính sách đúng, nhưng truyền xuống cơ sở cứ mỗi cấp làm khác đi một tý, rồi báo cáo nặng bệnh thành tích, nắn vuốt những con số cho đẹp cũng là mối lo không nhỏ. Nhiều “tư lệnh” bộ, ngành khi nhậm chức “phát ngôn” và hứa hẹn rất hay, nhưng DN và người dân thì lại nhìn vào hành động.

Có hay không, ai đó nói một đằng, còn làm một nẻo? Có hay không, các tập đoàn, các tổng công ty lớn nhà nước mà 2 loại sổ sách, 2 số liệu khác nhau, nên thanh tra, kiểm toán cũng không tỏ đâu là số liệu thật, đâu là số liệu đánh bóng để báo cáo? Vẫn là chuyện công khai, minh bạch tài chính nói nhiều, làm ít, nên chuyện lập quỹ đen tiêu xài “ngẫu hứng” cũng đủ cả khóc, cười. Vẫn là chuyện cạnh tranh không lành mạnh, chạy chọt, giành giật các dự án lớn trong mối quan hệ chằng chịt giữa các DN tư nhân có “máu mặt”, với lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh, thành. Dự án “đội vốn” vút trời cũng từ đây mà ra. Những lãng phí, thất thoát vốn ngân sách ở cả những đầu tư chưa cần thiết, những chỉ định thầu, đấu thầu không chuẩn mực, vẫn cứ làm cũng từ đây mà ra. Ai đó nói rải đinh với DN này, ngành này, nhưng DN khác, ngành khác lại trải “thảm nhung”, êm đến không thể êm hơn?

Thực tiễn vô cùng sinh động nếu chỉ ngồi một chỗ nghe và tin vào những con số báo cáo, sao nghe được đúng hơi thở của cuộc sống. Chỉ có đi mới nghe, mới nhìn được “ruột gan” thực trạng các DN và người dân đang vượt lên thế nào, đang khó cái gì? Trước kỳ họp QH tới đây, các đoàn ĐBQH cả nước tiếp xúc cử tri nghe Luật Đầu tư QH thông qua rất thông thoáng mà các DN vẫn cứ bị cả “rừng thông tư” của bộ nọ, ngành kia giăng ra như buộc tay? Cứ nói gỡ bỏ thủ tục hành chính, mà chính Bộ Tài chính còn có tới 1.645 thủ tục, Bộ Công thương đang “ôm” tới 547 thủ tục, Bộ Tư pháp sở hữu tới 678 thủ tục. Thống kê hết ra thì đúng là cả rừng thủ tục đè xuống DN và người dân, ai thấu hết?

Lãnh đạo bộ, ngành đi thực tế là lắng nghe và cần hơn thế là phải biết nghe. Nhưng xin đừng nghe nửa vời và phán nửa vời. Nếu tư duy “nửa vời”, sẽ chỉ thấy thực tế toàn chuyện ngọt ngào như lời ru. Nhưng muốn hiểu đến tận cùng “gan ruột”, thì sẽ thấy “xù xì, chát chúa, gai góc” bày ra đủ cả. Chính tiếng nói từ thực tiễn mới cần phải tháo gỡ ngay. Ví như thủ tục cho hàng hóa thông quan còn chậm chạp, ỳ ạch. Ví như các DN lớn nhà nước còn chậm trễ trong minh bạch thông tin theo quy định, đến nỗi Bộ KH - ĐT buộc phải “bêu tên” như Tập đoàn Than - khoáng sản, Tập đoàn Cao su, Hóa chất, Mobifone, Vinafood1… Có gì còn khuất tất trong tài chính chăng, nên các “ông lớn” mới ỳ ạch giãn thời gian báo cáo tài chính chậm trễ thế?

Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đặt ra! Nhưng không vì tăng trưởng mà đánh đổi môi trường, là chỉ đạo trước sau như một của Đảng, QH, Chính phủ. Rõ ràng vấn đề xung đột của bài toán “kinh tế và môi trường” rất gay gắt. Nếu đất nước không rà soát lại quy hoạch thủy điện, nhiệt điện, không tính kỹ lợi hại, cứ ào ạt đón rước các DN xài điện quá tốn kém, rồi đi vay nước ngoài về mở nhà máy điện, nợ công càng chất cao và môi trường từ thủy điện, nhiệt điện gây ra càng rất khó lường. Đã lại nóng bỏng chuyện 14 dự án nhiệt điện bao vây đồng bằng sông Cửu Long. Đã lại nghe ngành điện cảnh báo điện thiếu, điện hụt hẫng nay mai. Đã nóng việc lá phổi thủ đô bị đe dọa, khi cá chết quá nhiều ở Hồ Tây…

Thực tế đang lên tiếng gọi với bao việc, mà chỉ có Chính phủ quyết liệt, còn các bộ, ngành, địa phương lửng lơ thì sao có thể nói đất nước chuyển động? Lo việc lớn với những quốc sách lớn vĩ mô, nhưng cũng không bỏ qua những việc nhỏ mà không hề nhỏ, khi động chạm đến người dân và dư luận!

Hà Phương (daibieunhandan)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất